10 phân khúc đầu tư an toàn nhất tại Châu Âu

Savills nhận định năm 2017 sẽ là cuộc chơi “rủi ro tương đối” trên hành trình tìm kiếm nguồn thu nhập bền vững của các nhà đầu tư.
10 phân khúc đầu tư an toàn nhất tại Châu Âu

Theo ông Mark Ridley, CEO của Savills UK và châu Âu, bất chấp kết quả của cuộc trưng cầu dân ý Brexit, việc Donald Trump thắng cử và bất ổn xung quanh xung quanh các cuộc bầu cử châu Âu sắp tới, trong nửa sau năm 2016 và đầu năm 2017, bất động sản vẫn tiếp tục là một loại hình tài sản đầu tư xét một cách căn bản là an toàn và hấp dẫn, mang lại lợi nhuận thu nhập cao. Thậm chí trong nhiều trường hợp, còn là nơi bảo toàn vốn dài hạn.

Tuy nhiên, các sự kiện chính trị trong khu vực và trên thế giới này đã tạo nên tâm lý thận trọng hơn và ngại rủi ro của các nhà đầu tư. Vì lý do này chúng tôi kì vọng các tài sản có nguồn thu nhập an toàn sẽ là phân khúc hoạt động tốt nhất trong năm 2017”, ông nói.

Ông Mark Ridley đã dẫn ra 10 phân khúc đầu tư được cho là an toàn nhất châu Âu ở thời điểm hiện tại, trong đó có 4 phân khúc đầu tư cốt lõi/cận cốt lõi, 4 phân khúc đầu tư giá trị gia tăng và 2 phân khúc đầu tư cơ hội. Cụ thể:

4 phân khúc đầu tư cốt lõi/cận cốt lõi gồm: Văn phòng thuộc khu vực ngoài trung tâm và tại các thị trường khu vực; đầu tư chuyển tiếp các dự án đầu cơ – tại các thị trường cốt lõi nơi mà các sản phẩm cao cấp đang trở nên khan hiếm cho cả khách thuê và nhà đầu tư;

Nhà ở nhiều gia đình tại Anh, Đức, Hà Lan và Bắc Âu (nơi có xu hướng đô thị hóa mạnh mẽ kết hợp với hoạt động phát triển bất động sản thấp dẫn đến sự mất cân bằng đáng kể giữa cung và cầu) và mặt bằng bán lẻ cao cấp tại các vị trí đắc địa.
4 phân khúc đầu tư giá trị gia tăng gồm: Kho vận đô thị - gần với tất cả các trung tâm đô thị lớn tại Châu Âu và đặc biệt các mặt bằng nhỏ “cận ven” các trung tâm thành phố London, Paris, Stockholm và Dusseldorf.

Nhà ở sinh viên tại các thị trường có số sinh viên quốc tế đang tăng – đặc biệt tại Anh, Đức, Pháp, Hà Lan, Tây Ban Nha, Áo và Bồ Đào Nha. Thực trạng nguồn cung thấp, trái lại nhu cầu đang tăng đang thúc đẩy hoạt động phát triển trong phân khúc này.

Dịch vụ y tế tại Đức, Pháp và Bắc Âu – xuất phát từ nhu cầu của dân số già đi, xu hướng đô thị hóa mạnh mẽ và tầng lớp siêu giàu có. Đặc biệt là nhà điều dưỡng tại Đức, Pháp và Phần Lan, nơi ghi nhận lượng vốn đầu tư cao kỉ lục vào năm ngoái, viện dưỡng lão tại Đức và các phòng khám tại Pháp.

Mặt bằng văn phòng co- working – phân khúc này tiếp tục phát triển trong bối cảnh cung-cầu mất cân bằng của thị trường văn phòng. Các thị trường đáng lưu ý bao gồm Tây Ban Nha, Đức, Pháp, Anh, Ý, Hà Lan và Bỉ.

2 phân khúc đầu tư cơ hội gồm: Trung tâm thông tin – được thúc đẩy bởi sự phát triển của điện toán đám mây và nhu cầu hỗ trợ cơ sở hạ tầng siêu lớn của các trung tâm này. Khu vực phát triển đặc biệt đáng chú ý là Bắc Âu, Anh và Bỉ, vốn là nơi có hiệu quả hạ nhiệt tự nhiên, kết nối tốc độ cao, giá năng lượng thấp, nguồn năng lượng xanh dồi dào và các ưu đãi về thuế.

Văn phòng tại trung tâm Đông Âu – tại các nước như Ba Lan, Hungary, Romania và Slovakia, nơi sở hữu đội ngũ lao động tài năng được đào tạo bài bản và ngày càng nhiều công ty dự định chuyển các chức năng hành chính hỗ trợ về gần hơn.

Theo Vĩnh Chi/Vietnamfinance.vn

Có thể bạn quan tâm

Trung tâm thương mại hút khách thuê

Trung tâm thương mại hút khách thuê

Giá thuê trung bình tăng tới 16,2% tại Hà Nội và 15,4% tại TP.HCM, khẳng định sức hút ngày càng lớn của trung tâm thương mại đối với các nhà đầu tư và thương hiệu…