15.900 tỷ đồng đầu tư xây dựng cao tốc TP. HCM – Mộc Bài

Để đảm bảo tiến độ, Sở Giao thông vận tải TP. HCM kiến nghị UBND TP. HCM giao Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu UBND Thành phố báo cáo HĐND Thành phố xem xét, đồng thuận về đề xuất thực hiện dự án.

Sở Giao thông vận tải (GTVT)  TP. HCM cho biết, các đơn vị liên quan của Thành phố đã thống nhất sẽ trình HĐND Thành phố thông qua chủ trương đầu tư dự án xây dựng cao tốc TP. HCM – Mộc Bài trong kỳ họp gần nhất với tổng mức đầu tư cập nhật sơ bộ của dự án khoảng 15.900 tỷ đồng.

Theo đó, căn cứ văn bản đồng thuận của HĐND Thành phố, tham mưu UBND TP. HCM đề xuất Bộ GTVGT thống nhất giao UBND TP. HCM làm cơ quan có thẩm quyền để tổ chức lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư dự án theo quy định.

Theo quy hoạch, dự án cao tốc TP. HCM – Mộc Bài có điểm đầu giao với đường Vành đai 3 (huyện Củ Chi, TP. HCM) và điểm cuối là khu vực cửa khẩu quốc tế Mộc Bài (tỉnh Tây Ninh). Dự án có chiều dài toàn tuyến hơn 50 km, dự kiến được triển khai theo hình thức PPP, hợp đồng BOT (có sự hỗ trợ của nhà nước).

Sau khi rà soát, cập nhật quy mô đầu tư và chi phí giải phóng mặt bằng ở hai địa phương, GTVT đã hoàn chỉnh Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án, sơ bộ tổng mức đầu tư là 15.900 tỷ đồng.

Trong đó, chi phí xây dựng và thiết bị là 5.417 tỷ đồng; chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư là 7.433 tỷ đồng; còn lại là chi phí quản lý dự án, dự phòng, lãi vay và chi phí khác. Riêng chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, trên địa bàn TP. HCM là 5.901 tỷ đồng, trên địa bàn tỉnh Tây Ninh là 1.532 tỷ đồng.

Vừa qua, đầu tháng 5/2021 Sở GTVT TP. HCM cũng đã có văn bản đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu UBND TP. HCM đưa dự án xây dựng cao tốc TP. HCM – Mộc Bài vào danh mục các dự án đầu tư trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 và đề xuất cân đối bố trí vốn góp của nhà nước đối với chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định trên địa bàn thành phố.

Hiện Sở GTVT TP. HCM cũng đã có văn bản lấy ý kiến Sở GTVT Tây Ninh và các sở ngành liên quan, sau khi tổng hợp góp ý sẽ tham mưu UBND TP. HCM và UBND tỉnh Tây Ninh ký kết kế hoạch phối hợp triển khai dự án để làm căn cứ thực hiện các bước tiếp theo.

Từ năm 2019, Sở GTVT của hai địa phương đã nghiên cứu phương án đầu tư theo hình thức PPP, hợp đồng BOT (có sự hỗ trợ của nhà nước), nguồn vốn hỗ trợ chi phí giải phóng mặt bằng cho dự án từ ngân sách hai địa phương; trong đó, UBND TP. HCM làm cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Tháng 10/2019, Thủ tướng Chính phủ đồng ý giao cho UBND TP. HCM làm cơ quan nhà nước có thẩm quyền triển khai thực hiện dự án.

Tuy nhiên, do liên quan thay đổi về thủ tục đầu tư công theo Luật đầu tư công năm 2019 (có hiệu lực từ 1/1/2020), Luật PPP (có hiệu lực từ 1/1/2021), nên các đơn vị phải thực hiện các thủ tục theo quy định mới. Hiện nay, Sở Kế hoạch và Đầu tư đang xem xét để tham mưu UBND TP. HCM về chủ trương đầu tư dự án theo hình thức PPP.

Do đó, để đẩy nhanh tiến độ, Sở GTVT TP. HCM đã chủ động nghiên cứu trình tự, thủ tục đầu tư dự án theo Luật PPP và Nghị định 35/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021; đồng thời, có văn bản để phối hợp với UBND huyện Củ Chi (TP. HCM) và Sở GTVT tỉnh Tây Ninh rà soát chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư trên địa bàn hai địa phương.

Có thể bạn quan tâm