42 ngân hàng này là những ngân hàng đáp ứng được hai điều kiện gồm: giấy phép hoạt động có nội dung được thực hiện hoạt động bảo lãnh ngân hàng; và không bị cấm thực hiện bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai trong giai đoạn bị kiểm soát đặc biệt.
Cụ thể có 31 ngân hàng Việt Nam, 10 ngân hàng nước ngoài và 1 ngân hàng liên doanh được thực hiện năng lực này.
Theo quy định tại thông tư số 13/2017/TT-NHNN của Ngân hàng nhà nước, kể từ ngày 15/11/2017, các ngân hàng thương mại phải phát hành cam kết bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai cho từng bên mua trong vòng 10 ngày làm việc kể từ ngày ký hợp đồng mua nhà.
Điều này có nghĩa ngân hàng thương mại cam kết với bên mua hoặc bên thuê mua nhà về việc sẽ thực hiện nghĩa vụ tài chính thay cho chủ đầu tư khi đến thời hạn giao, nhận nhà ở đã cam kết nhưng chủ đầu tư không bàn giao nhà cho bên mua và cũng không hoàn lại hoặc hoàn lại không đầy đủ số tiền đã nhận ứng trước và các khoản tiền khác theo hợp đồng mua bán (hoặc hợp đồng thuê mua) đã ký. Sau đó, chủ đầu tư sẽ phải nhận nợ và hoàn trả lại cho ngân hàng thương mại.
Thông tư 13 của Ngân hàng nhà nước cũng quy định Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng có nhiệm vụ rà soát để trình Thống đốc cập nhật và điều chỉnh danh sách các ngân hàng đủ năng lực thực hiện bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai.
Trong trường hợp ngân hàng không còn đáp ứng điều kiện và bị loại khỏi danh sách thì vẫn phải tiếp tục thực hiện các cam kết đã ký về bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai cho đến khi nghĩa vụ bảo lãnh chấm dứt.
Trong 42 cái tên này, có những ngân hàng luôn nằm trong "Top" như: Agribank, Vietcombank, Vietinbank, MB Bank, BIDV...