5.400 tỷ đồng chôn tại 3 dự án nhiên liệu sinh học: Sự tắc trách của "họ PVN"

Kết luận của Thanh tra Chính phủ về 3 dự án có vốn góp của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và các đơn vị thành viên khiến dư luận bàng hoàng bởi thái độ tắc trách của các chủ đầu tư “họ PVN”.
5.400 tỷ đồng chôn tại 3 dự án nhiên liệu sinh học: Sự tắc trách của "họ PVN"

Nhà máy Ethanol Dung Quất bị lên án về tình trạng đầu tư kém hiệu quả. Ảnh: T.H

Bởi dù đã tiêu hết 5.400 tỷ đồng, nhưng các dự án này hoặc đang đầu tư dở dang, hoặc nằm im nguội lạnh.

Không có năng lực cũng được chỉ định thầu

Dẫu chỉ là các đơn vị trực thuộc cùng các đối tác ngoài ngành góp vốn, thành lập 3 công ty cổ phần để đầu tư 3 dự án nhiên liệu sinh học, nhưng quyền quyết định của PVN tại các dự án này, cũng như số vốn mà các đơn vị thành viên PVN đã bỏ ra không hề nhỏ. PVN cũng đã thành lập Ban chỉ đạo Triển khai các dự án nhiên liệu sinh học do Chủ tịch HĐQT làm Trưởng ban và ban hành Kế hoạch, chương trình triển khai các dự án nhiên liệu sinh học của PVN đến năm 2015.

Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, PVN đã ban hành Nghị quyết số 4370/NQ-DKVN ngày 16/6/2009 cho phép áp dụng hình thức chỉ định thầu thực hiện gói thầu EPC tại các dự án nhiên liệu sinh học Phú Thọ và Dung Quất.

Trước đó, tại Dự án Nhà máy Nhiên liệu sinh học phía Bắc ở Phú Thọ do Công ty Hoá dầu và Nhiên liệu sinh học Dầu khí (PVB) là chủ đầu tư, vào tháng 3/2009, Tổng công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí (PVC) đã gửi văn bản xin chỉ định thầu thực hiện xây dựng.

Chỉ sau 17 ngày đề nghị, PVN đã có chỉ đạo Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) - đơn vị góp 39,7% vốn điều lệ ở PVB, cùng người đại diện phần vốn của PVN tại Tổng công ty Dung dịch khoan và Hoá phẩm Dầu khí (DMC), Tổng công ty tài chính cổ phần Dầu khí Việt Nam (PVFC) xem xét năng lực và nhu cầu thực tế để giao PVC  gói thầu EPC của Dự án.

Phó tổng giám đốc PVN khi đó là ông Vũ Quang Nam, khi chủ trì cuộc họp triển khai dự án này ngày 25/3/2009, đã có biên bản kết luận: “Đồng ý chủ trương chỉ định thầu tổ hợp PVC/Alfa Laval/Delta-T thực hiện gói thầu EPC Dự án Nhiên liệu sinh học Phú Thọ…”

Ngày 1/4/2009, PVN lại tiếp tục có văn bản gửi PV Oil, trong đó nêu lại việc PVN đã có chỉ đạo chỉ định PVC thực hiện gói thầu EPC và đề nghị PV Oil chỉ đạo người đại diện của mình tại PVB khẩn trương hoàn thiện các thủ tục để phê duyệt dự toán gói thầu và tiến hành các thủ tục chỉ đạo thầu theo đúng quy định hiện hành.

Tuy nhiên, tại thời điểm được chỉ định thầu và sau đó là ký hợp đồng EPC, nhà thầu PVC chưa thực hiện hợp đồng EPC dự án nhiên liệu sinh học nào hoặc các dự án có tính chất tương tự. Vậy mà PVC lại được giao thực hiện các công việc quan trọng của Dự án như thiết kế, xây dựng, mua sắm, lắp đặt toàn bộ các thiết bị các hạng mục phụ trợ và lắp đặt thiết bị nhà máy sản xuất chính.

Việc chỉ định thầu này được cho là vi phạm quy định tại khoản 2, Điều 20, Luật Đấu thầu số 61/2005/QH11. Chính bởi chọn nhà thầu EPC không có năng lực, nên Dự án đã phải dừng thi công từ tháng 11/2011, vi phạm quy định của hợp đồng EPC, gây thiệt hại lớn cho chủ đầu tư và Dự án khó tiếp tục thực hiện được.

Vốn đội gấp đôi, dự án vẫn ngổn ngang

Việc dễ dãi chỉ định thầu cho PVC không hề có kinh nghiệm trong thực hiện dự án nhiên liệu sinh học nhanh chóng để lại hậu quả lớn.

Ngày 12/8/2009, Hợp đồng EPC Dự án Nhiên liệu sinh học Phú Thọ được ký với Liên danh nhà thầu PVC-Alfa Laval, với giá trọn gói là 58,025 triệu USD, trong đó PVC thực hiện thiết kế, xây dựng, mua sắm, lắp đặt thiết bị của Nhà máy và công trình phụ trợ với giá trị là 43,105 triệu USD.

Tuy nhiên, trong hợp đồng EPC trọn gói được ký kết, chủ đầu tư đã tách ra 4 hạng mục để tự thực hiện, với giá trị 1,153 triệu USD. Dẫu vậy, khi PVC lập xong thiết kế kỹ thuật (FEED), HĐQT PVN đã có Nghị quyết số 6520/NQ-DKVN ngày 26/7/2010 chấp thuận cho PV Oil và DMC giao người đại diện phần vốn của mình tại PVB phê duyệt thiết kế kỹ thuật tổng thể và các nội dung phát sinh.

Sau đó, ngày 25/8/2010, PVC có đề nghị PVB về phần công việc của mình phát sinh với số tiền 20,11 triệu USD. Ngày 19/10/2010, Chủ tịch HĐQT PVB đã có Nghị quyết số 12/NQ-PVB-HĐQT phê duyệt thay đổi giá, phạm vi công việc và nội dung phụ lục Hợp đồng EPC, với số tiền điều chỉnh mới là 66,382 triệu USD, nghĩa là chênh lệch số học giữa giá trị điều chỉnh so với hợp đồng gốc là 8,357 triệu USD; đồng thời đưa 7 hạng mục với giá trị 1,364 triệu USD ra ngoài hợp đồng gốc để thực hiện sau.

Cuối cùng, PVB và Liên danh nhà thầu đã ký Phụ lục số 14 Hợp đồng EPC số 59/2009/-EPC, với giá trị trọn gói 65,018 triệu USD; chênh so với hợp đồng gốc là 6,993 triệu USD.

Qua kiểm tra thực tế 9 hạng mục được điều chỉnh tăng với giá trị 10,952 triệu USD tại Dự án, Thanh tra Chính phủ đã phát hiện nguyên nhân tăng giá Hợp đồng EPC không xuất phát từ nhu cầu của Dự án và yêu cầu chủ đầu tư, không tuân thủ thiết kế cơ sở được phê duyệt. Đáng chú ý là, nhiều hạng mục đã lấy giá của nhà thầu PVC ký với các nhà thầu phụ đưa vào điều chỉnh hợp đồng EPC, trong khi giá do PVC mua của các nhà thầu phụ không thuộc trách nhiệm của chủ đầu tư và không phải là căn cứ để tăng giá trị hợp đồng EPC.

Bên cạnh việc không đúng bản chất của quy định về hình thức hợp đồng EPC trọn gói, việc điều chỉnh giá, phạm vi công việc hay phê duyệt nội dung hợp đồng và ký Phụ lục điều chỉnh tăng giá trị hợp đồng EPC mà chưa được thông qua tại Đại hội đồng cổ đông đã vi phạm Điều 20, Luật doanh nghiệp năm 2005.

Tại Dự án Nhiên liệu sinh học Phú Thọ, tổng mức đầu tư khi phê duyệt là 1.317,5 tỷ đồng và sau đó được điều chỉnh thành 2.484,9 tỷ đồng, cũng được cho là không đúng quy định về quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình. Tổng số tiền đã thanh toán tới thời điểm tháng 10/2014 là 1.534 tỷ đồng, nhưng Dự án đã dừng thi công từ tháng 11/2011 và tới thời điểm tháng 9/2016, chủ đầu tư PVB, nhà thầu PVC và PVN vẫn chưa có giải pháp nào, khiến Dự án tiếp tục bế tắc và tiềm ẩn nguy cơ khó tiếp tục thực hiện được.

Bởi vậy, ngoài đề xuất thu hồi hàng loạt khoản tiền chi sai, Thanh tra Chính phủ cũng đề xuất chuyển hồ sơ của Dự án Nhiên liệu sinh học Phú Thọ sang Bộ Công an để điều tra và xử lý theo đúng quy định hiện hành của luật pháp.

Theo Thanh Hương/Đầu tư

Có thể bạn quan tâm

TS. Nguyễn Sĩ Dũng

"Khoán 10" của thế kỷ 21 và hơn thế nữa

Nghị quyết 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị "Về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia" có thể được ví như "Kkhoán 10" của thế kỷ 21, khi nó đặt nền móng cho một kỷ nguyên phát triển mới, chuyển mình mạnh mẽ của dân tộc Việt Nam...

Chủ tịch VACOD-HBA Nguyễn Hồng Sơn: Văn hóa trà gợi mở mối liên hệ với hoạt động kinh doanh

Chủ tịch VACOD-HBA Nguyễn Hồng Sơn: Văn hóa trà gợi mở mối liên hệ với hoạt động kinh doanh

TS. Nguyễn Hồng Sơn gợi mở nhiều suy nghĩ về mối liên hệ giữa văn hóa trà và hoạt động kinh doanh. Thưởng thức trà là một cách để con người ta kết nối, việc đưa văn hóa trà vào Bữa sáng Doanh nhân sẽ tạo ra một không gian giao lưu, góp phần thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp…

Chính sách kiểm soát giá cả: Bài học thành công từ Pháp, Singapore và thất bại của Venezuela,Zimbabwe

Chính sách kiểm soát giá cả: Bài học thành công từ Pháp, Singapore và thất bại của Venezuela,Zimbabwe

Kiểm soát giá cả là một công cụ quan trọng trong chính sách công, giúp điều chỉnh và ổn định giá các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, năng lượng và dịch vụ công. Vai trò của nó không chỉ nằm ở việc ngăn chặn sự bất ổn của thị trường mà còn bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế quý 4 năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế quý 4 năm 2024 qua các con số

Theo nhận định của Ngân hàng HSBC, năm 2024, Việt Nam có khả năng lấy lại danh hiệu "ngôi sao" với mức tăng trưởng GDP dự kiến lên đến 7% (cao nhất trong khu vực Đông Nam Á), qua đó khẳng định sự phục hồi và phát triển vượt bậc của nền kinh tế Việt Nam…