Ẩn số đằng sau các doanh nghiệp tổ chức đại hội cổ đông muộn?

Mùa đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 đã bước vào giai đoạn cuối. Tuy nhiên, tới thời điểm này, vẫn còn khá nhiều doanh nghiệp chưa tổ chức được đại hội...

Theo quy định tại khoản 2, Điều 139, Luật Doanh nghiệp 2020, Đại hội cổ đông thường niên của doanh nghiệp phải được tiến hành trong thời hạn 4 tháng kể từ ngày kết thúc năm tài chính. Trong trường hợp cần thiết, Hội đồng quản trị sẽ quyết định gia hạn, nhưng không quá 6 tháng kể từ ngày kết thúc năm tài chính.

Như vậy, chậm nhất là ngày 30/4/2024, các doanh nghiệp (có năm tài chính kết thúc vào ngày 31/12/2023) phải tổ chức đại hội cổ đông thường niên năm 2024. Nếu gia hạn tổ chức thì không được muộn hơn ngày 30/6/2024.

CHẬM TỔ CHỨC ĐẠI HỘI

Dẫu vậy, tính đến thời điểm hiện tại, vẫn có nhiều doanh nghiệp thông báo về việc gia hạn ngày tổ chức đại hội cổ đông thường niên. Điều đáng chú ý là các công ty này đều đưa ra những lý do chung chung, “vô thưởng vô phạt”.

Ví dụ như trường hợp của Công ty Cổ phần Tư vấn Thương mại Dịch vụ Địa ốc Hoàng Quân (mã chứng khoán: HQC), công ty thông báo gia hạn thêm thời gian họp đại hội để “có thêm thời gian soạn thảo, hoàn thiện tài liệu/ văn kiện và sắp xếp chu toàn công tác tổ chức đại hội đồng cổ đông.

Tương tự, Công ty Cổ phần Đại Thiên Lộc (mã chứng khoán: DTL) cũng xin gia hạn với lý do “đủ thời gian cho công tác chuẩn bị đại hội đồng cổ đông được thành công”.

Diễn biến này cũng xảy ra tại Công ty Cổ phần Xây dựng điện VNECO4 (mã chứng khoán: VE4) vì “Hội đồng quản trị và Ban lãnh đạo đang tập trung cho việc hoạch định chiến lược kinh doanh trong giai đoạn mới, cần có thêm thời gian chuẩn bị nội dung chương trình và công tác tổ chức đại hội 2023 đảm bảo tuân thủ đúng các quy định của pháp luật và điều lệ công ty”.

Trên thực tế, đây đều là những doanh nghiệp đang gặp vấn đề trong hoạt động kinh doanh. Trong đó, HQC đã từng bị Cục Thuế TP.HCM “bêu tên” về việc còn nợ số tiền thuế gần 134 tỷ đồng vào cuối năm 2023. Sang đến cuối tháng 2/2024, công ty công bố mới thanh toán được 63% khoản nợ thuế trên, tương ứng hơn 84 tỷ đồng. Đồng thời, công ty cho biết phần còn lại hơn 48 tỷ đồng sẽ nỗ lực xử lý trong quý 1/2024.

Còn về tình hình kinh doanh, kết thúc năm tài chính 2023, HQC mang về gần 293 tỷ đồng doanh thu thuần, cao hơn 6% so với năm trước, trong khi lãi ròng chỉ hơn 5 tỷ đồng, giảm 73%. So với kế hoạch cả năm, HQC còn cách rất xa khi mới thực hiện được 17% chỉ tiêu doanh thu và vỏn vẹn 4% chỉ tiêu lãi sau thuế.

Đối với Đại Thiên Lộc, cổ phiếu công ty này đang nằm trong diện cảnh báo do lãi sau thuế chưa phân phối tại báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2023 là số âm, đồng thời rơi vào diện kiểm soát do lãi ròng trên báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2022 và 2023 đều bị âm.

Thực tế, DTL ghi nhận kết quả kinh doanh kém tích cực liên tiếp trong 2 năm gần nhất, lần lượt lỗ ròng hơn 152 tỷ đồng năm 2022 và lỗ ròng gần 156 tỷ đồng năm 2023.

Giống như DLT, cổ phiếu VE4 của VNECO4 cũng rơi vào tình trạng bị cảnh báo và kiểm soát do lợi nhuận sau thuế 2 năm 2022 và 2023 là con số âm, hiện lỗ luỹ kế gần 4.000 tỷ đồng.

Tổng Công ty Hàng không Quốc gia Việt Nam - CTCP (Vietnam Airlines - mã chứng khoán: HVN) mới đây đã công bố Nghị quyết về thời gian tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024.

Theo đó ngày cuối cùng để đăng ký tham dự đại hội là ngày 23/5, ngày tổ chức đại hội dự kiến là ngày 21/6. Hãng hàng không này chưa công bố các tài liệu cụ thể chuẩn bị cho đại hội.

Trong năm 2023, Vietnam Airlines đã 4 lần lùi ngày tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên. Sau nhiều lần thay đổi, đại hội đã diễn ra vào tháng 12/2023, thời điểm chuẩn bị kết thúc năm tài chính.

Mới đây, Vietnam Airlines cũng có văn bản giải trình biện pháp khắc phục cổ phiếu bị kiểm soát. Vietnam Airlines cho biết hãng đã Đề án tái cơ cấu giai đoạn 2024-2025, đã báo cáo cổ đông và các cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Trong đề án, Tổng công ty thực hiện đồng bộ các giải pháp để khắc phục tình trạng lỗ hợp nhất và âm vốn chủ sở hữu hợp nhất như: thực hiện đồng bộ các giải pháp tăng cường thích nghi, cải thiện hoạt động kinh doanh, tái cơ cấu tài sản và danh mục đầu tư tài chính để gia tăng thu nhập, dòng tiền.

Tại Báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2023, Vietnam Airlines ghi nhận lợi nhuận sau thuế âm 5.631 tỷ đồng giảm 50% tương đương so với khoản lỗ năm 2022, chủ yếu do giảm lỗ sau thuế của công ty mẹ và Pacific Airlines.

Cuối tháng 4 vừa qua, Công ty Cổ phần Đầu tư Sao Thái dương (mã chứng khoán: SJF) công bố nghị quyết gia hạn thời gian tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 chậm nhất tới ngày 30/6/2024. Nguyên nhân do việc chuẩn bị tài liệu họp cổ đông chưa hoàn tất.

Đáng nói, cổ phiếu SJF bị đình chỉ giao dịch từ ngày 13/11/2023. Nguyên nhân do công ty tiếp tục vi phạm quy định về công bố thông tin sau khi đã bị đưa vào diện hạn chế giao dịch. Trước đó, SJF bị đưa vào diện hạn chế giao dịch từ ngày 16/10, do chậm nộp báo cáo tài chính soát xét bán niên 2023 quá 45 ngày so với thời hạn quy định.

Tương tự, Công ty cổ phần Phát triển Nhà Thủ đức (Thuduc House - mã chứng khoán: TDH) cũng thông qua chủ trương gia hạn thời gian tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 chậm nhất tới ngày 30/6/2024. Lý do nhằm có thời gian chuẩn bị tốt nhất cho đại hội.

Vừa qua, Thuduc House công bố thông tin về việc nhận được thông báo của Cục Thuế TP.HCM về việc ngừng sử dụng hóa đơn. Lý do bị cưỡng chế là Thuduc House có tiền thuế nợ quá 90 ngày kể từ ngày hết thời hạn nộp theo quy định. Số tiền bị cưỡng chế là 91,77 tỷ đồng.

CỔ ĐÔNG ĐẾN ÍT, NHIỀU ĐẠI HỘI BẤT THÀNH

Ngoài những cái tên nêu trên, thời gian qua cũng có vô số doanh nghiệp tổ chức đại hội cổ đông bất thành trước ngày 30/4/2024 với lý do đa phần là tỷ lệ cổ phần tham dự đại hội thấp hơn tỷ lệ bắt buộc là trên 50%.

Chẳng hạn như, Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 lần 1 của Công ty Cổ phần Phát triển Nhà Bà Rịa - Vũng Tàu (Hodeco - mã chứng khoán: HDC) tổ chức ngày 6/4/2024 bất thành vì không đủ điều kiện tiến hành, do số đại biểu có mặt và đăng ký tham gia chỉ chiếm 47,91% tổng số cổ phần được quyền biểu quyết. Sau lần 1 tổ chức bất thành, sáng 2/5, công ty này đã thành công trong lần thứ 2 tổ chức đại hội.

Khép lại năm 2023, Hodeco ghi nhận gần 666 tỷ đồng doanh thu thuần và lợi nhuận ròng hơn 131 tỷ đồng, lần lượt giảm 49% và 69% so với năm 2022. Đây cũng là năm HDC có lãi ròng thấp nhất kể từ năm 2019. So với kế hoạch, HDC mới thực hiện được 38% chỉ tiêu doanh thu và 27% chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế cả năm.

Tương tự, Đại hội cổ đông thường niên năm 2024 của Công ty Cổ phần Tập đoàn CEO (mã chứng khoán: CEO) cũng tổ chức bất thành trong lần triệu tập đầu tiên vào ngày 5/4, do tổng số cổ phần mà cổ đông đại diện tham dự đại hội chỉ đạt 33,98% vốn điều lệ. Đến sáng ngày 3/5, công ty đã thành công tổ chức đại hội lần thứ 2.

Năm 2023, CEO Group cũng phải triệu tập đến lần thứ hai mới đủ điều kiện tỷ lệ đại diện cổ phần tham dự. Cơ cấu cổ đông quá phân tán là nguyên nhân chính khiến CEO Group khó tập hợp đủ tỷ lệ cổ đông tham dự ngay trong lần đầu tiên.

Nhìn lại năm 2023, tổng doanh thu thuần của doanh nghiệp là 1.393 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 119 tỷ đồng. Với kết quả này, doanh nghiệp không hoàn thành được kế hoạch về doanh thu và lợi đặt ra hồi đầu năm.

Trong năm nay, lịch sử đã lặp lại với Công ty Cổ phần Đầu tư LDG (mã chứng khoán: LDG) khi Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 lần 1 của đã không thể diễn ra khi tỷ lệ cổ đông tham dự chỉ đạt 9,43% tại thời điểm khai mạc. Năm 2023, doanh nghiệp này phải triệu tập đến lần thứ ba (vào ngày 25/7/2023) mới thành công, sau hai lần tổ chức bất thành vì cổ đông tham dự chỉ đạt dưới 30%.

Sau biến cố Chủ tịch LDG Nguyễn Khánh Hưng bị bắt vào cuối năm 2023 và Phó Tổng giám đốc Nguyễn Quốc Vy Liêm vào đầu tháng 4/2024 - đều liên quan đến sai phạm tại dự án Khu dân cư Tân Thịnh (huyện Trảng Bom, Đồng Nai), số lượng thành viên Hội đồng quản trị công ty chỉ còn 3/4 thành viên, thiếu 1 thành viên so với điều lệ. Theo báo cáo tài chính kiểm toán năm 2023, LDG lỗ ròng hơn 527 tỷ đồng còn doanh thu âm 36,5 tỷ đồng.

Có thể bạn quan tâm