Kết thúc phiên 1/7, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones nhích nhẹ 50,66 điểm (+0,13%) lên 39.169,52 điểm, S&P 500 thêm 14,61 điểm (+0,27%) thành 5.475,09 điểm và Nasdaq Composite tăng 146,70 điểm (+0,83%) lên 17.879,30 điểm.
Các cổ phiếu megacap, dẫn đầu là Apple và Tesla, đều tạo động lực đi lên cho chỉ số Nasdaq. Cụ thể, Apple ghi nhận mức tăng 2,9% còn Tesla “nhảy vọt” 6,1% trước dữ liệu giao xe trong quý 2.
Cổ phiếu Microsoft, tăng 2% và Amazon.com, tăng 2,2%, cũng thúc đẩy đà tăng cho thị trường.
Trong khi đó, cổ phiếu của nhà sản xuất chất bán dẫn Advanced Micro Devices giảm 2,8% và Arm Holdings mất 2,9%, kéo chỉ số Philadelphia SE Semiconductor xuống gần mức thấp nhất trong một tuần.
Cổ phiếu bất động sản, thường được xem như một kênh đầu tư thay thế trái phiếu, giảm gần 1% do lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng vọt lên mức cao nhất trong nhiều tuần.
Tuy nhiên, lợi suất cao hơn thường thúc đẩy lợi nhuận của các ngân hàng, do đó giúp chỉ số Ngân hàng của S&P 500 chạm mức cao nhất trong hơn một tháng.
Cổ phiếu của JP Morgan Chase cũng đạt đỉnh lịch sử sau khi ngân hàng lớn nhất nước Mỹ này tăng cổ tức từ 1,15 USD lên 1,25 USD/cổ phiếu. Hội đồng quản trị của ngân hàng cũng đã phê duyệt việc mua lại 30 tỷ USD cổ phiếu riêng lẻ, có hiệu lực từ ngày 1/7.
Khối lượng giao dịch trên các sàn giao dịch của Mỹ trong phiên 1/7 là 10,59 tỷ cổ phiếu, thấp hơn so với trung bình 11,89 tỷ cổ phiếu trong 20 ngày giao dịch vừa qua.
Thị trường sẽ đóng cửa vào 4/7 nhân ngày Quốc khánh Mỹ.
Vào cuối tuần trước, Nasdaq và S&P 500 đều ghi nhận quý tăng thứ ba liên tiếp. Trong đó chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq lần đầu tiên đạt được thành quả này sau ba năm. Tuy nhiên, sự sụt giảm hàng quý của Dow Jones lại làm dấy lên lo ngại về nhu cầu đa dạng hóa tài sản của các nhà đầu tư.
Phố Wall hiện đang chờ đợi dữ liệu thị trường lao động Mỹ vào cuối tuần này để tìm manh mối về triển vọng lãi suất.
Ben Snider, chiến lược gia cổ phiếu cấp cao tại Goldman Sachs Research, cho biết: “Chúng tôi dự báo tăng trưởng kinh tế trong năm nay ở Mỹ sẽ trên mức 2%. Ngoài GDP, tỷ suất lợi nhuận dường như đang phục hồi sau một vài năm khá khó khăn”.
Trong phiên, dữ liệu PMI sản xuất từ Viện Quản lý cung ứng cho thấy hoạt động sản xuất của Mỹ đã giảm ở tháng thứ ba liên tiếp trong tháng 6. Bên cạnh đó, với việc giá thanh toán hạ xuống mức thấp nhất trong 6 tháng cũng là một dấu hiệu đáng khích lệ cho cuộc chiến chống lạm phát của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Cũng được lên lịch trong tuần này là báo cáo về cơ hội việc làm của JOLTS vào 2/7 và dữ liệu việc làm ADP, đơn đặt hàng nhà máy, dữ liệu PMI dịch vụ ISM cũng như biên bản cuộc họp chính sách mới nhất của Fed vào 3/7. Dữ liệu bảng lương phi nông nghiệp sẽ được công bố vào 5/7.
GIÁ DẦU TĂNG MẠNH
Trên thị trường năng lượng, giá dầu đã tăng khoảng 2% lên mức cao nhất trong hai tháng vào 1/7 nhờ hy vọng về sự gia tăng nhu cầu trong mùa lái xe cao điểm ở Bắc bán cầu. Bên cạnh đó, có tâm lý lo ngại rằng xung đột ở Trung Đông có thể lan rộng và làm giảm nguồn cung dầu toàn cầu.
Hợp đồng tương lai dầu Brent tăng 1,60 USD, tương đương 1,9%, đạt mức 86,60 USD/thùng, trong khi dầu thô WTI của Mỹ tăng 1,84 USD, tương đương 2,3%, đạt mức 83,38 USD/thùng.
Đây là mức đóng cửa cao nhất của Brent kể từ ngày 30/4 và là mức cao nhất của WTI kể từ ngày 26/4.
Nhu cầu nhiên liệu được củng cố đã giúp giá các sản phẩm dầu của Mỹ tăng khoảng 3% vào thứ Hai với hợp đồng tương lai dầu diesel đóng cửa ở mức cao nhất trong 10 tuần và giá xăng đóng cửa ở mức cao nhất trong 8 tuần.
Thị trường hiện hướng sự tập trung vào nhận xét của Chủ tịch Fed Jerome Powell, sẽ được công bố vào thứ Ba; sau đó là biên bản cuộc họp chính sách mới nhất của Fed vào thứ Tư và dữ liệu bảng lương phi nông nghiệp của Hoa Kỳ vào thứ Sáu.