Kết thúc phiên 20/6, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tăng 299,90 điểm (+0,77%) lên 39.134,76 điểm, S&P 500 mất 13,86 điểm (-0,25%) xuống 5.473,17 điểm và Nasdaq Composite giảm 140,64 điểm (-0,79%) còn 17.721,59 điểm.
Trong số 11 lĩnh vực thuộc S&P 500, năng lượng và tiện ích là những chỉ số có đà tăng mạnh nhất, tăng lần lượt 1,86% và 0,89%, trong khi công nghệ lại có mức giảm lớn nhất.
Vào phiên 19/6, S&P 500 đã chạm mốc kỷ lục quan trọng là 5.500 điểm, một mục tiêu mà nhiều tổ chức tài chính đã dự báo. Đến phiên 20/6 vừa qua, lực đẩy lớn nhất của ngày hôm trước là cổ phiếu Nvidia, đã giảm 3,54%. Diễn biến này khiến nhà sản xuất chip AI lại mất đi vị trí công ty giá trị nhất thế giới vào tay Microsoft.
Dell và Super Micro Computer cũng lần lượt giảm 0,42% và 0,26% sau mức tăng ban đầu, dù cho có tin tức cả hai công ty đã nhận được đơn đặt hàng máy chủ từ công ty khởi nghiệp AI của Elon Musk.
Kroger mất 3,27% sau khi công bố quan điểm thận trọng đối với chi tiêu tiêu dùng trong ngắn hạn. Ngoài ra, công ty cũng tái khẳng định dự báo lợi nhuận và doanh số bán hàng tại cùng một cửa hàng cả năm cao hơn ước tính trong quý đầu tiên.
Tập đoàn Công nghệ & Truyền thông Trump (Trump Media & Technology Group) lao dốc 14,56% do khả năng pha loãng cổ phiếu sau khi Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ tuyên bố hồ sơ bán lại một số cổ phần và chứng quyền của công ty là có hiệu lực.
Khối lượng giao dịch trên các sàn chứng khoán Mỹ là 11,98 tỷ cổ phiếu, thấp hơn so với mức trung bình 13,51 tỷ cổ phiếu trong 20 ngày giao dịch vừa qua.
Về khía cạnh kinh tế, báo cáo về số lượng người Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp đã giảm trong tuần trước, nhưng tổng số người nhận trợ cấp lại đạt mức cao nhất kể từ tháng 1, cho thấy thị trường lao động Mỹ tiếp tục hạ nhiệt.
Một bộ dữ liệu khác chỉ ra việc xây dựng nhà ở dành cho một gia đình ở Mỹ đã giảm trong tháng 5 do bối cảnh lãi suất thế chấp tiếp tục ở mốc cao.
“Tin tức mà chúng tôi nhận được hôm nay tiếp tục chỉ ra một điểm yếu tiêu cực khác của nền kinh tế”, Tom Martin, nhà quản lý danh mục đầu tư cấp cao tại Globalt nhận xét.
Trong khi đó, Chủ tịch Fed Minneapolis Neel Kashkari cho biết sẽ mất một hoặc hai năm để đưa lạm phát trở lại mức 2%, vì mức tăng trưởng tiền lương có thể vẫn quá cao, làm dấy lên lo ngại về việc lãi suất sẽ duy trì mức cao trong thời gian dài hơn.
Theo dữ liệu FedWatch của LSEG, thị trường hiện đặt cược khoảng 58% khả năng ngân hàng trung ương Mỹ sẽ cắt giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm vào tháng 9.
GIÁ DẦU TĂNG GẦN 1%
Trên thị trường năng lượng, giá dầu tăng gần 1% trong phiên, với hợp đồng tương lai dầu Brent tăng 64 cent, tương đương 0,75% ở mức 85,71 USD/thùng. Mức cao nhất trong phiên là 85,89 USD là mức cao nhất kể từ ngày 1/5.
Hợp đồng tương lai dầu WTI của Mỹ cho tháng 7, sẽ hết hạn vào 21/6, kết thúc ở mức 82,17 USD/thùng, tăng 60 cent, tương đương 0,74%. Không có giao dịch thanh toán WTI nào vào thứ Tư do ngày nghỉ lễ của Mỹ, khiến giao dịch phần lớn trầm lắng. Hợp đồng tháng 8 tích cực hơn đã tăng 60 cent lên 81,31 USD/thùng.
Phil Flynn, nhà phân tích của Price Futures Group, cho biết: “Thị trường chắc chắn đang hồi phục”.
Trong một báo cáo mới đây, Cơ quan năng lượng EIA cho biết tồn kho dầu thô Mỹ giảm 2,5 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 14/6 xuống 457,1 triệu thùng, ít hơn so với kỳ vọng của các nhà phân tích trong cuộc thăm dò của Reuters về mức giảm 2,2 triệu thùng.
Nhìn từ khía cạnh kinh tế, động lực của thị trường lao động Mỹ đã suy yếu cùng với nền kinh tế nói chung khi Fed thắt chặt chính sách để chống lạm phát. Khi áp lực đó giảm bớt, việc cắt giảm lãi suất trong năm nay sẽ được cân nhắc. Lãi suất thấp hơn có thể hỗ trợ giá dầu, vốn đã bị cản trở kể từ đầu năm đến nay do nhu cầu toàn cầu ảm đạm. Việc cắt giảm lãi suất của Mỹ sẽ khiến hoạt động vay mượn trở nên rẻ hơn ở nền kinh tế lớn nhất thế giới, thúc đẩy nhu cầu sử dụng dầu khi sản xuất tăng lên.
Nhà phân tích Ricardo Evangelista của ActivTrades cho biết giá dầu cũng có thể vẫn được hỗ trợ bởi phần bù rủi ro địa chính trị ngày càng tăng do xung đột ở Trung Đông.