Kết thúc phiên 28/6, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm 41,12 điểm (-0,11%) xuống 39.122,94 điểm. S&P 500 mất 22,57 điểm (-0,41%) còn 5.460,30 điểm và Nasdaq Composite trượt 126,08 điểm (-0,71%) thành 17.732,60 điểm.
Năng lượng và bất động sản là 2 ngành có thành quả tốt nhất trong số 11 lĩnh vực thuộc S&P 500, tăng lần lượt 0,42% và 0,62%, trong khi dịch vụ tiện ích và truyền thông giảm 1,08% và 1,63%.
Trong số các cổ phiếu riêng lẻ, nhà sản xuất thiết bị mạng Infinera “nhảy vọt” 15,78% sau khi Nokia cho biết họ sẽ mua lại công ty này trong một thương vụ trị giá 2,3 tỷ USD.
Ngược lại, Nike lại chứng kiến phiên giao dịch “u ám” nhất trong hơn hai thập kỷ, sụt giảm 19,98% sau dự báo doanh thu năm tài chính 2025 ảm đạm, gây áp lực lên toàn bộ lĩnh vực tiêu dùng tùy ý.
Chỉ số S&P 500 và Nasdaq ghi nhận mức tăng hàng quý lần lượt là 3,9% và 8,3%. Chỉ số Dow Jones giảm 1,7%, làm nổi bật sự phân kỳ rõ rệt giữa các chỉ số thiên về công nghệ và phần còn lại của thị trường.
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ đã đảo ngược khoản lỗ ban đầu để kết thúc ở mức cao hơn, tạo thêm áp lực lên một số cổ phiếu vốn hóa lớn.
Bên cạnh đó, theo ý kiến của nhà quản lý danh mục đầu tư cấp cao tại Globalt Investments, cuộc tranh luận đầu tiên của Tổng thống Mỹ Joe Biden và đối thủ Đảng Cộng hòa Donald Trump cũng đè nặng lên cổ phiếu, dẫn đến một số áp lực bán tháo trên thị trường.
Ông Thomas Martin cho biết: “Mọi người đều đang cố gắng đánh giá tác động tiềm năng của cuộc bầu cử tổng thống đối với nền kinh tế và thị trường. Vì vậy, tình hình bất ổn đã quay trở lại sau cuộc tranh luận”.
Về khía cạnh kinh tế, dữ liệu mới đây cho thấy lạm phát hàng tháng của Mỹ không thay đổi trong tháng 5, một diễn biến đáng khích lệ sau khi diễn biến giá tăng mạnh vào đầu năm nay từng làm dấy lên nghi ngờ về hiệu quả của chính sách tiền tệ của Fed.
Báo cáo của Bộ Thương mại Mỹ cũng cho thấy chi tiêu của người tiêu dùng tăng nhẹ trong tháng trước, thúc đẩy sự lạc quan rằng ngân hàng trung ương Mỹ có thể xác định một cuộc “hạ cánh mềm” như mong muốn cho nền kinh tế.
Dữ liệu của LSEG FedWatch cũng cho thấy việc đặt cược vào khả năng cắt giảm lãi suất vào tháng 9 đã tăng lên 66% sau khi chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) được công bố. Các nhà giao dịch vẫn kỳ vọng vào hai đợt cắt giảm trong năm nay bất chấp dự đoán của Fed rằng sẽ chỉ có một.
Trong ngày, chủ tịch Fed San Francisco Mary Daly đã đưa ra bình luận thừa nhận rằng lạm phát đang hạ nhiệt và lưu ý đó là tin tốt cho thấy chính sách đang có hiệu quả. Trong khi đó, Thống đốc Fed Michelle Bowman lại nghĩ rằng ngân hàng trung ương sẽ đi theo con đường riêng của mình vì mục tiêu lạm phát vẫn chưa đạt được.
GIÁ DẦU ĐẢO CHIỀU
Trên thị trường năng lượng, giá dầu quay đầu giảm nhẹ khi các nhà đầu tư cân nhắc nhu cầu nhiên liệu của Mỹ và chủ động chốt lời vào cuối quý. Trong khi đó, dữ liệu lạm phát mới đã củng cố cho cơ hội Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ sớm cắt giảm lãi suất trong năm nay.
Hợp đồng tương lai dầu Brent kỳ hạn tháng 9 giảm 0,3% xuống 85 USD/thùng, dầu thô WTI giảm 20 cent, tương đương 0,24%, xuống 81,54 USD/thùng.
Trong tuần, giá dầu Brent tăng 0,02% trong khi giá dầu WTI giảm 0,2%. Cả hai điểm chuẩn đều tăng khoảng 6% trong tháng.
Trong khi sản lượng và nhu cầu dầu của Mỹ đã tăng lên mức cao nhất 4 tháng trong tháng 4, nhu cầu xăng lại giảm xuống 8,83 triệu thùng/ngày, mức thấp nhất kể từ tháng 2, theo báo cáo hàng tháng về Cung ứng Dầu mỏ của Cơ quan Thông tin Năng lượng.
“Báo cáo hàng tháng từ EIA cho thấy nhu cầu xăng khá kém. Những con số đó không thực sự khuyến khích mua nhiều hơn”, Phil Flynn, nhà phân tích tại Price Futures Group nhận xét.
Các nhà phân tích cũng cho biết một số nhà giao dịch đã chốt lời vào cuối quý 2 sau khi giá tăng mạnh hồi đầu tháng này.