UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vừa có văn bản hỏa tốc số 18013 gửi các Sở, ngành về việc tăng cường công tác quản lý quy hoạch, đất đai, trật tự xây dựng trên địa bàn. Trong đó, giao sở Sở Tài nguyên - Môi trường có trách nhiệm phối hợp UBND các huyện, thị xã, thành phố và các sở ngành liên quan kiểm soát chặt chẽ việc lập quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021 - 2030.
Theo đó, cần đánh giá cụ thể các yếu tố phát sinh có liên quan (hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội,...) khi kiến nghị điều chỉnh chỉ tiêu quy hoạch các loại đất, đề xuất giải pháp thực hiện và quan tâm quy hoạch sử dụng đất hai bên các tuyến đường, để tạo quỹ đất sạch khi triển khai đầu tư mới các tuyến đường giao thông, nhằm phát triển đô thị, tạo nguồn lực cho ngân sách.
Sở Tài nguyên Môi trường cũng được giao rà soát, đánh giá tồn tại, phát sinh khi thực hiện các thủ tục kiểm kê, xác lập quyền sử dụng đất, việc bồi thường hỗ trợ và tái định cư, hỗ trợ chuyển đổi nghề khi Nhà nước thu hồi đất đối với trường hợp chung quyền sử dụng đất, thống nhất phương án xử lý, tham mưu UBND tỉnh giải quyết theo đúng quy định pháp luật.
Sở Xây dựng có trách nhiệm phối hợp với Sở Giao thông - Vận tải, Sở Tài nguyên - Môi trường, UBND các huyện, thị xã, thành phố kiểm soát chặt chẽ việc lập quy hoạch chi tiết. Trong đó cần đảm bảo phù hợp quy hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt và các yếu tố có liên quan khi triển khai dự án.
Đồng thời tham mưu UBND tỉnh ban hành quy định phân cấp, trách nhiệm cấp giấy phép xây dựng và quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn tỉnh. Thời gian hoàn thành trong quý I/2022.
UBND các huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm tăng cường kiểm tra, theo dõi, giám sát nhằm ngăn chặn, xử lý kịp thời các vi phạm trong công tác quản lý, sử dụng đất đai; xử lý nghiêm các trường hợp sử dụng đất trái phép, sử dụng đất không đúng mục đích, tự ý phân lô, tách thửa không đúng quy định, đặc biệt tại các khu vực kêu gọi thu hút đầu tư dự án.
Ngoài ra, các đơn vị này chịu trách nhiệm kiểm soát việc lập quy hoạch sử dụng đất (đặc biệt là quy hoạch sử dụng đất hai bên các tuyến đường dự kiến đầu tư mới), quy hoạch chi tiết cho từng dự án phải yêu cầu bảo đảm các yếu tố phát sinh có liên quan (hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội...), bảo đảm không gây áp lực cho ngân sách Nhà nước khi phê duyệt quy hoạch chi tiết dự án, phê duyệt tổng mặt bằng các dự án đầu tư.