Trong bối cảnh giá chung cư tại Hà Nội liên tục tăng, gần chạm ngưỡng của TP.HCM, chuyên gia chỉ ra rằng, với hạ tầng phát triển tốt và quỹ đất mở rộng, giá bất động sản Hà Nội không chỉ tiệm cận mà còn có khả năng vượt mặt TP.HCM.
HÀ NỘI LÀ HẠT NHÂN CHU KỲ TỚI
Chia sẻ tại hội thảo “Bất động sản phía Nam vượt qua thách thức và đón đầu cơ hội”, ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, Giám đốc bộ phận tiếp thị nhà ở CBRE Việt Nam cho biết, nếu cách đây 3 - 5 năm giá tại Hà Nội luôn thấp hơn TP.HCM, trung bình từ 10 - 15%.
Song, thời điểm này, giá nhà ở Hà Nội đã tiệm cận với TP.HCM, một phần là do nguồn cung mới của TP.HCM hạn chế, nên tốc độ tăng giá ở thị trường sơ cấp không có sự thay đổi lớn, chỉ từ 2-4%. Trong khi đó, Hà Nội nguồn cung dồi dào hơn và do có sự dịch chuyển về dòng đầu tư.
Dẫn chứng là các nhà đầu tư phía Nam có xu hướng tìm về thị trường phía Bắc do nguồn sản phẩm đa dạng, chất lượng cao và nhiều dư địa để phát triển. Bên cạnh đó, Hà Nội có nền tảng phát triển hạ tầng khá tốt, tạo quỹ đất, dư địa mở rộng các đại đô thị lớn tập trung ở phía Tây và cả phía Đông Hà Nội.
Nếu xét về yếu tố thiết kế và chất lượng thì Hà Nội cũng gần bằng với TP.HCM, do các chủ đầu tư đã có kinh nghiệm phát triển, mặt bằng chất lượng đã ngang nhau giữa hai thị trường lớn này.
“Theo tôi, nguồn cung từ TP.HCM vẫn còn rất ít thì dư địa và cơ hội để tạo ra sự tăng giá sẽ không cao. Từ nay đến cuối năm thị trường TP.HCM vẫn giữ mức giá trung bình dao động từ 2-3%. Nhưng ở Hà Nội đã có mức giá cao từ 5-6% nên có thể sẽ chạm ngưỡng TP.HCM, thậm chí còn có khả năng vượt”.
Đánh giá chung tình hình kinh tế trong năm 2024, ông Kiệt cho biết, so sánh từ các kênh đầu tư cá nhân như vàng, ngoại tệ, bất động sản có nhiều biến động, nhưng vẫn là kênh được nhiều nhà đầu tư quan tâm.
Tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM đã có sự khác nhau rõ rệt. Trong quý 3, nguồn cung mới ở Hà Nội là 8.277 sản phẩm, còn ở TP.HCM chỉ có khoảng 127 sản phẩm mở bán mới, thấp nhất so với 10 năm trở lại đây.
“Xét về số lượng chào bán thành công, thì lại có kết quả khá bất ngờ, khi TP.HCM có lượng giao dịch thành công đạt hơn 2.000 sản phẩm, trong khi nguồn cung mới chỉ có hơn 100 sản phẩm. Chứng tỏ, nhu cầu thị trường vẫn đang duy trì ở mức ổn định, có sức hút nhất định. Tại thành phố Hà Nội có mức độ hấp thụ tương đương nguồn cung cho thấy thị trường này đang rất sôi động”, vị chuyên gia bày tỏ.
Về giá bán, dù nguồn cung tăng hay giảm thì giá vẫn có chiều hướng tăng. Mức giá tăng trung bình tại TP.HCM hiện dao động khoảng 66 triệu đồng/m2, trong khi đó ở Hà Nội đã đạt 64 triệu đồng/m2. Thông thường, so với trước đây, thị trường Hà Nội luôn thấp hơn TP.HCM khoảng 10-15 triệu, nhưng hiện tại Hà Nội gần như ngang với TP.HCM, thậm chí dự kiến sẽ còn tăng hơn cả TP.HCM vào những năm tới.
Theo dự kiến của Giám đốc bộ phận tiếp thị nhà ở CBRE Việt Nam đến năm 2026 sẽ dồi dào hơn tại Hà Nội. Cụ thể, Hà Nội sẽ có 38.000 sản phẩm, trong khi tại TP.HCM có khoảng 29.000 căn và Hà Nội được xem như hạt nhân của chu kỳ tiếp theo.
DOANH NGHIỆP NGOẠI NGHĨ GÌ VỀ BẤT ĐỘNG SẢN VIỆT NAM?
Sức nóng của thị trường bất động sản không chỉ dừng lại ở nhà đầu tư trong nước, mà các doanh nghiệp ngoại cũng đang săn đón ráo riết. Ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc Cấp cao Bộ phận Đầu tư Savills Việt Nam cho rằng, Các nhà đầu tư nước ngoài họ cho biết, lợi thế của thị trường bất động sản Việt Nam vẫn là câu chuyện an toàn về mặt chính sách, với tăng trưởng hơn 6% trong 10 năm qua.
Nhìn lại, năm 2011 quy mô GDP của Việt Nam mới khoảng trên 170 tỷ USD. Năm 2025, quy mô nền kinh tế ước đạt 500 tỷ USD. Đây là điểm nổi bật giúp các nhà đầu tư ngoại nhìn thấy tương lai và cơ hội từ Việt Nam.
Một điểm được kỳ vọng rất lớn hiện nay là các luật liên quan đến thị trường bất động sản có hiệu lực sớm, tuy nhiên cần thời gian để phản ứng của nền kinh tế, phản ứng của xã hội và còn cần thời gian để có các thông tư hướng dẫn.
Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam cũng cho biết thêm, nhiều doanh nghiệp của Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore… đang rất quan tâm đến bất động sản Việt Nam với những kế hoạch dài hơi và số vốn khổng lồ.
Đặc biệt, Việt Nam là quốc gia có dân số cao, các thành phố lớn Hà Nội và TP.HCM dân số đông đúc trên 10 triệu người thì bất động sản nhà ở luôn là phân khúc nhà đầu tư ngoại ngóng chờ.
Có những nhà đầu tư ngoại vào Việt Nam từ lâu, họ đã tích lũy được quỹ đất riêng. Cho nên các nhà đầu tư mới thường nhìn sang lĩnh vực tòa nhà văn phòng, bất động sản bán lẻ… có suất sinh lời 7-8%/năm. So với các nước xung quanh, tỷ lệ sinh lời từ kinh doanh bất động sản chỉ 2-3%/năm, tại Việt Nam đạt tới 8-10%/năm, quá hấp dẫn.
“Mà con mắt nhà đầu tư Nhật Bản, Hàn Quốc họ nhìn vào Việt Nam với “câu chuyện dài hơi”, và lĩnh vực tòa nhà văn phòng tại Hà Nội và TP.HCM vẫn đang thiếu”, ông Khương chia sẻ quan điểm.
Về tình hình vốn FDI của ngành bất động sản Việt Nam, theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tính đến 30/9, tổng vốn FDI gần 25 tỷ USD, tăng 11,6% so với cùng kỳ 2023. Trong tháng 9, tổng lượng vốn FDI đạt mức cao nhất trong các tháng từ đầu năm đến nay, với gần 4,3 tỷ USD.
Trong đó, lĩnh vực bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư gần 4,4 tỷ USD, chiếm gần 17,7% tổng vốn đầu tư đăng ký. Còn đứng đầu là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với hơn 15,6 tỷ USD, chiếm gần 63% tổng vốn đầu tư đăng ký.