Bất động sản du lịch bùng nổ: Thách thức lớn, cơ hội nhiều!

Sự tham gia ồ ạt của các doanh nghiệp, kể cả các doanh nghiệp “tay ngang” trước đây chỉ làm bất động sản nhà ở nay cũng “tham chiến” đầu tư bất động sản du lịch, tạo nên một thị trường sôi động. Tuy
Bất động sản du lịch bùng nổ: Thách thức lớn, cơ hội nhiều!

Thị trường bất động sản du lịch sôi động với nhiều dự án lớn

“Diễn đàn Bất động sản du lịch 2019” với chủ đề “Triển vọng thị trường và thách thức nguồn nhân lực” do Tạp chí điện tử The Leader tổ chức sáng 6/4 vừa qua tại TP.HCM với sự tham gia của nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế, cùng rất nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư. Thương Gia là một trong những đối tác truyền thông của sự kiện.

Bùng nổ đầu tư vào bất động sản du lịch

TS.Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, cho biết: Du lịch Việt Nam thời gian qua chứng kiến tốc độ tăng trưởng cực kỳ ấn tượng, có năm lên tới 30%. Trong 3 năm 2015 – 2018, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đã tăng gấp 2 lần.

Năm 2018, Việt Nam đón 15,5 triệu lượt khách quốc tế, tăng 20% so với năm 2017, cùng với 80 triệu lượt khách nội địa thì quy mô kinh tế du lịch chiếm tỷ trọng đáng kể trong nền kinh tế với tổng thu du lịch đạt trên 620.000 tỷ đồng, đóng góp trên 8% GDP.

“Sự lớn mạnh của ngành du lịch đã kích thích đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng, hệ thống sản phẩm, dịch vụ, mạng lưới phân phối... tạo ra những tác động đột phá đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, trong đó có đầu tư vào bất động sản du lịch. Chỉ trong thời gian ngắn, số lượng cơ sở lưu trú, chủ yếu là khách sạn, resorts, biệt thự nghỉ dưỡng, căn hộ khách sạn, nhà phố thương mại du lịch đã tăng lên nhanh chóng”, TS.Hà Văn Siêu cho biết, đồng thời dẫn số liệu của Grand Thornton cho thấy, đầu tư 1m2 bất động sản du lịch mang lại giá trị gia tăng vượt trội hơn hẳn các loại hình bất động sản khác.

Thực tế, từ năm 2014 đến nay, trên phạm vi cả nước đã xuất hiện cơn sốt đầu tư phát triển bất động sản du lịch. Các dự án được đầu tư, mở bán rầm rộ tại các thành phố lớn, các khu vực trọng điểm về phát triển du lịch như Quảng Ninh, Thanh Hóa, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Nha Trang, Phú Quốc, Đà Lạt... Kể cả các thị trường bất động sản du lịch mới nổi như Bình Thuận, Vũng Tàu... cũng trở lên sôi động.

Ngoài những tên tuổi lớn đã khá quen thuộc như Vingroup, Sun Group, FLC, CEO Group, thị trường bất động sản du lịch đón nhận hàng loạt các tên tuổi mới như Novaland, Hưng Thịnh Corp, Văn Phú Invest, Hải Phát Invest, Địa ốc Phú Long, Tập đoàn BRG...

Novaland vốn được biết đến là nhà phát triển những dự án căn hộ cao cấp với khoảng 40 dự án tại TP.HCM nhưng gần đây đã công bố chiến lược phát triển giai đoạn 2 của mình hướng trọng tâm đến bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng.

Hệ sinh thái của chiến lược này đã được Novaland công bố gồm 3 thương hiệu: NovaHills, NovaBeach và NovaWorld. Kèm theo đó là các dịch vụ du lịch mang thương hiệu NovaTourism).

Những thành phố có tiềm năng du lịch lớn như Phú Quốc, Cần Thơ, Bà Rịa - Vũng Tàu, Phan Thiết - Bình Thuận, Ninh Thuận, Cam Ranh - Khánh Hòa đều đang nằm trong “tầm ngắm” của tập đoàn này.

Ngoài hai dự án đã trình làng là NovaHills Mũi Né và NovaBeach Cam Ranh, Novaland sắp tung ra siêu dự án NovaWorld Phan Thiết có quy mô lên đến hơn 1.000ha. Ngay trong năm 2019, tập đoàn này dự kiến đưa ra thị trường là 2.400 sản phẩm bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng.

Từ thái độ đến trình độ

Là một người từng trải nghiệm rất nhiều các khách sạn, khu nghỉ dưỡng cả trong nước và quốc tế, ông Nguyễn Trần Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, không khỏi băn khăn về sự phát triển bùng nổ của bất động sản du lịch.

“Khi tôi và đoàn công tác đến các khách sạn, resort 4 sao, 5 sao đều được chào đón với thái độ rất niềm nở, lễ phép nhưng đến khâu phục vụ thì lại bộc lộ sự thiếu chuyên nghiệp. Đoàn có cả bộ trưởng, thứ trưởng nhưng bày biện đồ ăn rất lộn xộn”, ông Nguyễn Trần Nam kể và nhận định, đây chỉ là một ví dụ nhỏ nhưng cho thấy sự thiếu chuyên nghiệp trong khâu quản lý, vận hành của các chủ đầu tư bất động sản du lịch.

“Nhiều doanh nghiệp đầu tư xây dựng các khách sạn, resort rất nhanh, rất hoành tráng nhưng khi đưa vào hoạt động thì gặp trục trặc, không trơ tru”, ông Nam nói tại Diễn đàn Bất động sản du lịch 2019 vừa qua.

Giải pháp được nhiều chủ đầu tư lựa chọn hiện nay là kết hợp, thuê các đơn vị quản lý vận hành có thương hiệu của nước ngoài. Tuy nhiên, theo ông Nam, các doanh nghiệp cần tự nâng cao chất lượng đào tạo nhân sự thông qua các hoạt động đào tạo nội bộ. Đối với lãnh đạo cấp cao trong các doanh nghiệp Việt, việc nâng cao các kỹ năng mềm và cập nhật các kiến thức về pháp luật, thị trường bất động sản là điều cần được chú trọng trong giai đoạn này.

Bất động sản du lịch bùng nổ: Thách thức lớn, cơ hội nhiều! ảnh 1

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực du lịch là yêu cầu cấp thiết

Đồng quan điểm, TS.Hà Văn Siêu cũng cho rằng nguồn nhân lực là một yếu tố quan trọng trong lĩnh vực du lịch. Đó là sự chuyên nghiệp, thân thiện và tinh thần sẵn sang phục vụ. “Chúng tôi hay nói vui, nụ cười cũng là một nguồn tài nguyên vô giá trong ngành du lịch”, ông Siêu nói và cho rằng: Muốn có sản phẩm du lịch chất lượng cao, có giá trị gia tăng cao thì nhất thiết phải có được nguồn nhân lực chất lượng cao.

Ông Siêu cũng khuyến nghị các chủ đầu tư dự án cần nghiên cứu kỹ về thị trường du lịch, thị trường bất động sản, sử dụng tư vấn chuyên nghiệp, xác định tầm nhìn dài hạn, có ý tưởng riêng biệt về sản phẩm...

Lại nhìn du lịch Việt Nam từ... Thái Lan!

Cũng như nhiều vị chuyên gia nước ngoài khi nói về du lịch Việt Nam, ông Adam Bury, Phó chủ tịch cấp cao của JLL, lại mang Thái Lan ra để so sánh.

Ông cho biết: Năm 2018, tăng trưởng khách du lịch Việt Nam là 18%, thu hút được 15 triệu lượt khách, trong khi con số này của Thái Lan là 38 triệu lượt. Thái Lan hiện nay chỉ có 3 sân bay ở Bangkok, Phuket và Kohsamui. Trong đó, sân bay Kohsamui gặp rất nhiều hạn chế và khả năng hoạt động, phần lớn khách du lịch đến Thái Lan chỉ thông qua 2 sân bay là Bangkok và Phuket. Đây cũng là những điểm đến chính của khách du lịch khi đến Thái Lan.

"Nếu so sánh với Việt Nam, có thể thấy chúng ta có nhiều điểm đến hơn rất nhiều. Việt Nam có 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM, cùng với đó là 3 điểm đến du lịch là Nha Trang, Phú Quốc, Đà Nẵng, chưa kể còn nhiều điểm đến tuyệt vời khác. Vậy tại sao, Việt Nam lại đứng sau Thái Lan?”, ông Adam Bury đặt câu hỏi.

Theo ông Adam Bury, Việt Nam vẫn còn nhiều giới hạn về thủ tục, logistics. Dễ thấy nhất là vấn đề visa. Du khách làm visa đến Thái Lan rất đơn giản, trong khi Việt Nam khó khăn hơn nhiều, đặc biệt là với người nước ngoài. Nhiều người nước ngoài đến Việt Nam khi quay lại vẫn gặp khó khăn về thủ tục.

“Việt Nam đã đầu tư nhiều sân bay, nhưng logistic sân bay vẫn còn nhiều việc phải làm. Nếu cứ mỗi lần vào Việt Nam lại mất cả tiếng đồng hồ thì không ai muốn quay lại”, ông Adam Fury chia sẻ.

Bất động sản du lịch bùng nổ: Thách thức lớn, cơ hội nhiều! ảnh 2

Các chuyên gia nước ngoài trao đổi về bất động sản du lịch tại Việt Nam

Tương tự, ông Kai Marcus Schroter, Tổng giám đốc Hospitality Tourism Management (HTM), cũng chỉ ra những điểm yếu mà Việt Nam cần khắc phục. Trong đó, dễ thấy nhất là hoạt động làm thương hiệu cho điểm đến. Vị Tổng giám đốc HTM cho rằng, Việt Nam có rất nhiều hình ảnh đẹp, nhưng vì hoạt động quảng bá, xúc tiến chưa tốt, nên nhiều khách du lịch chưa biết nhiều tới Việt Nam.

Ngoài ra, cơ sở hạ tầng nói chung phục vụ cho hoạt động du lịch ở Việt Nam, theo ông Kai Marcus Schroter vẫn còn nhiều hạn chế. Các chính sách cho người nước ngoài, khách du lịch chưa thực sự thuận lợi, điển hình như chính sách VISA cần linh động hơn.

Cũng theo lãnh đạo này, hoạt động quy hoạch, quản lý các điểm đến của Việt Nam vẫn chưa thực sự đồng bộ, các sản phẩm nghỉ dưỡng thiếu tính khác biệt, độc đáo.

Ông Kai Marcus Schroter cũng lưu ý đến vấn đề môi trường khi hàng loạt các dự án bất động sản nghỉ dưỡng lần lượt ra đời hiện nay.

“Tôi thấy người Việt Nam tỏ ra khá tự hào về các dự án bất động sản nghỉ dưỡng tại Phú Quốc, nhưng lại khá dè dặt khi nói về mặt trái của vấn đề môi trường. Theo tôi, Việt Nam phải cân bằng giữa đầu tư tư nhân và các hạ tầng công. Đó không nhất thiết là sân bay, cao tốc, mà có thể là hệ thống xử lí nước thải, rác thải… hướng tới môi trường nói chung”, Kai Marcus Schroter khuyến cáo.

Có thể bạn quan tâm

Trung tâm thương mại hút khách thuê

Trung tâm thương mại hút khách thuê

Giá thuê trung bình tăng tới 16,2% tại Hà Nội và 15,4% tại TP.HCM, khẳng định sức hút ngày càng lớn của trung tâm thương mại đối với các nhà đầu tư và thương hiệu…