Việc mua gom cổ phần thoái vốn tại các công ty thua lỗ của Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam nhằm mục đích gì?
Từ bán vốn ì ạch…
Cuối năm 2014, Bộ GD-ĐT đã phê duyệt Đề án tái cơ cấu Công ty TNHH MTV Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (100% vốn Nhà nước) giai đoạn 2014-2016, định hướng đến năm 2020 nhằm thực hiện sắp xếp, cơ cấu lại theo hướng “tinh gọn” và thoái vốn Nhà nước tại hàng chục công ty thành viên của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. Sau 10 năm cổ phần hoá, tiến độ thoái vốn Nhà nước tại các công ty của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đang diễn ra khá chậm chạp, có nơi bán cổ phần “ế ẩm”, phát sinh nhiều vướng mắc, tranh chấp pháp lý kéo dài…
Trong năm 2017-2018 Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam phải thực hiện thoái vốn tại 31 công ty thành viên. Đây chủ yếu là các công ty in sách giáo khoa, công ty sách và thiết bị trường học hiện vẫn nắm độc quyền” in ấn, phát hành sách ở nhiều địa phương trải dài từ Bắc vào Nam. Tổng giá trị sổ sách phải thoái của 31 đơn vị này hiện là hơn 229,23 tỷ đồng.
Các đơn vị có giá trị thoái vốn lớn tính đến cuối quý 1/2017 như CTCP Tập đoàn Tân Mai (82,87 tỷ đồng), CTCP In sách giáo khoa Hà Nội (gần 10 tỷ đồng), CTCP Thiết bị giáo dục 1 (18,2 tỷ đồng), CTCP Sách – thiết bị trường học Hà Tây (4 tỷ đồng), CTCP Sách - thiết bị Hà Tĩnh (9,98 tỷ đồng), CTCP Sách và thiết bị trường học Hoà Bình (5,1 tỷ đồng), CTCP Sách và Thiết bị Bình Định (6,3 tỷ đồng)…
Theo báo cáo của Bộ GD-ĐT, việc thoái vốn của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam tại một số đơn vị đã vấp phải khó khăn. Đơn cử, việc thoái phần vốn nhà nước trị giá 18,2 tỷ đồng tại CTCP Thiết bị giáo dục 1 đã thực hiện xong các thủ tục đấu giá song chưa thể chuyển nhượng hơn 1.198.500 cổ phần do vướng kiện tụng tranh chấp giữa các cổ đông mà Toà án Nhân dân TP Hà Nội thụ lý hồi năm 2017.
Hay như khoản thoái vốn lớn nhất 82,87 tỷ đồng vẫn “mắc kẹt” tại CTCP Tập đoàn Tân Mai nhiều năm. Hồi tháng 8/2016, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã chào bán đấu giá 7,2 triệu cổ phần Tân Mai (chiếm tỷ lệ 8,1% vốn điều lệ) với giá 11.500 đồng/CP nhưng đã bị thất bại do “không có nhà đầu tư đăng ký mua”. Có lẽ nhà đầu tư cũng kém mặn mà khi công ty Tân Mai làm ăn thua lỗ nhiều năm, với số lỗ luỹ kế đến cuối năm 2015 tới 300 tỷ đồng, trong khi tổng nợ phải trả vượt hơn 2.069 tỷ đồng…
Cổ phần Sách và Thiết bị Hoà Bình lại “đắt hàng”
Thế nhưng, cũng có công ty thành viên của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam lại được thoái vốn rất nhanh chóng. Mới đây, ngày 6/11/2018, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã bán đấu giá 510.000 cổ phần sở hữu tại CTCP Sách và Thiết bị trường học Hoà Bình (vốn điều lệ 50 tỷ đồng) với giá khởi điểm 10.500 đồng/CP. Phiên đấu giá này đã thu hút 6 cá nhân và 4 tổ chức tham gia “tranh mua” với tổng khối lượng đăng kí mua tới 3.100.000 cổ phần, vượt gấp 6 lần lượng chào bán.
Sức “nóng” của phiên đấu giá còn ở mức giá đấu thành công lên tới 16.500 đồng/CP, cao hơn 65% giá chào bán của Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam, giúp công ty này thu về 8,4 tỷ đồng tiền thoái vốn.
Hai nhà đầu tư đã ôm trọn lô cổ phần CTCP Sách và thiết bị trường học Hoà Bình cũng không hề xa lạ, chính là CTCP Sách và Thiết bị giáo dục miền Bắc (mua 310.000 CP) và Tổng giám đốc công ty này - ông Dương Đình Thọ (mua 200.000 CP).
Được biết, CTCP Sách và thiết bị Miền Bắc hiện vẫn còn sở hữu vốn Nhà nước 46% và là đơn vị chủ lực đóng góp doanh thu lớn (năm 2017 là 353 tỷ đồng doanh thu và lợi nhuận 10,2 tỷ đồng).
Câu hỏi đặt ra là, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam thực hiện thoái vốn rốt ráo tại một đơn vị thành viên nhưng bên mua lại chính là một công ty trong hệ thống có vốn nhà nước chiếm 46%, thì việc thoái vốn này có mang tính hình thức khi chỉ đảo vốn “từ tay trái sang tay phải” không?
Hơn nữa, vì sao CTCP Sách và thiết bị Miền Bắc cùng Tổng giám đốc Dương Đình Thọ chấp nhận trả giá mua cổ phần cao hơn 65% giá trị sổ sách cổ phần CTCP Sách và thiết bị trường học Hoà Bình?
Việc bán đấu giá cổ phần cạnh tranh sẽ giúp Nhà nước thu hồi vốn với giá trị tối ưu nhất, thế nhưng, bên mua cổ phần lại dùng chính “tiền nhà nước” thông qua pháp nhân doanh nghiệp để trả giá cao ngất… đang là điều khó hiểu?
Điều lạ nữa là, doanh thu của CTCP Sách và thiết bị Miền Bắc hàng năm rất “khủng” hơn 342 -353 tỷ đồng (2016-2017), song lợi nhuận lại “khiêm tốn” chỉ 7-8 tỷ đồng. Vậy mà lãnh đạo công ty dành tới 50% lợi nhuận năm qua để mua cổ phần công ty sách khác, liệu có hợp lý?
Không chỉ vậy, CTCP Sách và thiết bị Miền Bắc còn tiếp tục mua gom cổ phần của CTCP Sách – thiết bị Hà Giang… đang đặt ra câu hỏi lớn về bản chất các cuộc thoái vốn, thâu tóm lại cổ phần doanh nghiệp này là gì?