Becamex IDC tiếp tục bán số cổ phần bị “ế”

Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp – TNHH MTV (Becamex IDC) sẽ tổ chức bán tiếp 296,46 triệu cổ phiếu với mức giá khởi điểm là 31.000 đồng/cổ phần.

Đây là số cổ phần không bán hết trong đợt bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) diễn ra vào đầu tháng 12 vừa qua. Mức giá khởi điểm của lần bán này bằng với giá đấu thành công thấp nhất tại đợt IPO vừa qua.

Tuy vậy, phiên đấu giá chỉ dành cho những Nhà đầu tư đã tham gia đấu giá ngày 01/12/2017 mà không có sự tham dự của các nhà đầu tư mới.

Thời gian đăng ký, nộp tiền đặt cọc và bỏ Phiếu đăng ký mua tiếp cổ phần từ 08h00 ngày 26/12/2017 đến 16h00 ngày 29/12/2017. Thời gian tổ chức phiên bán tiếp số cổ phần không bán hết vào lúc 15h00 ngày 03/01/2018 tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE).

Trước đó, phiên IPO của Becamex IDC diễn ra vào ngày 01/12 đã thất bại khi chỉ bán được 6,1% trong tổng số hơn 311,2 triệu cổ phần ra đấu giá. Với giá khởi điểm 31.000 đồng/cổ phần, thương vụ IPO của Becamex IDC có quy mô lớn nhất trong năm 2017 và lớn thứ 2 từ trước đến nay sau Vietcombank.

Nhưng chỉ có có 158 nhà đầu tư đăng ký tham gia mua, trong đó có 149 cá nhân và 9 tổ chức tham gia đấu giá và mua chưa đến 19 triệu cổ phần với giá trúng thầu bình quân bằng giá khởi điểm.

Nguyên nhân đợt chào bán thất bại được nhiều nhà đầu tư cho rằng mức giá của Becamex IDC đưa ra là quá cao so với mặt bằng chung thị trường. Trong khi hoạt động kinh doanh còn khó khăn, tồn kho cao, vay nợ quá lớn...

Tổng tài sản của Becamex IDC tại thời điểm 31/12/2016 là 57.246 tỷ đồng thì có đến gần ½ là hàng tồn kho (chủ yếu là bất động sản). Tài sản dở dang dài hạn cũng được Becamex ghi nhận mức 20.222 tỷ đồng. Trong khi đó, nguồn vốn của Becamex IDC vẫn chủ yếu được tài trợ từ nợ vay đang tạo nên rủi ro lớn cho TCT. (Nợ phải trả của Tổng công ty tính đến 31/12/2016 chiếm hơn ¾ tổng nguồn vốn, đạt mức 44.197 tỷ đồng. Trong khi đó, vốn chủ sở hữu chỉ ở mức 13.050 tỷ đồng, chiếm chưa đến ¼ tổng nguồn vốn).

Báo cáo tài chính năm 2016 của Becamex IDC cho thấy với khoản nợ vay ngắn và dài hạn hơn 22,5 ngàn tỷ đồng, chi phí tài chính của Becamex lên đến 824 tỷ đồng, chủ yếu là lãi vay là khoản chi phí rất lớn mà Becamex phải trả hàng năm. Trong khi đó, với dòng tiền của Becamex thường xuyên ở trạng thái âm do nhu cầu vốn lưu động và đầu tư XDCB lớn so với nguồn thu từ doanh số và lợi nhuận mà Becamex đạt được.

>> Cổ phần Becamex IDC "ế ẩm" trước thềm IPO

Có thể bạn quan tâm