Bí ẩn nợ vay và tai tiếng của HDTC sau cổ phần hóa

Khoản tiền 400 tỷ đồng mà HDTC có để giải chấp “sổ đỏ” của dự án The Mark được vay của Công ty Việt Anh.
Bí ẩn nợ vay và tai tiếng của HDTC sau cổ phần hóa

Dự án The Mark nơi phát sinh khoản nợ 400 tỷ đồng của HDTC bị "đắp chiếu" nhiều năm

CTCP Phát triển và Kinh doanh nhà (HDTC) trước đây là Công ty TNHH MTV Phát triển và Kinh doanh Nhà - doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước thuộc Tổng Công ty Địa ốc Sài Gòn - Resco. Năm 2016, pháp nhân của ông Đinh Trường Chinh và các cá nhân liên quan tới doanh nhân này đã chi hơn 1.600 tỷ đồng để thâu tóm 70% cổ phần khi nhà nước bán vốn tại HDTC.

Cổ phần hóa thành công đánh dấu một bước ngoặt mới trong sự phát triển của HDTC, kỳ vọng sẽ đưa công ty vượt lên mạnh mẽ, nhưng thực tế đang diễn ra chỉ cho thấy sự ảm đạm bao trùm, trái với kỳ vọng.

Các dự án tai tiếng…

Trước đó, trong định hướng phát triển kinh doanh giai đoạn 3 năm sau cổ phần hóa của HDTC (2016-2018) đặt mục tiêu sẽ nâng tổng doanh thu từ 1.000 tỷ đồng lên gần 1.500 tỷ đồng mỗi năm, nâng tỷ lệ chia cổ tức hàng năm từ 5% lên 7%. Thậm chí, Ban quản trị mới của HDTC còn có sẵn chiến lược phát triển đồ sộ để đưa công ty trở thành một trong những đại gia bất động sản của TPHCM

Nhưng thực tế lại là ngược lại, sau khi cổ phần hóa, thay vì nổi tiếng về kết quả kinh doanh, "tên tuổi" HDTC lại gắn liền với những cuộc kiện với các doanh nghiệp đã từng là đối tác hợp tác, và những tai tiếng trong kinh doanh.

Đầu tiên phải kể đến vụ 3 công ty bao gồm Công ty TNHH Tân Long (Tân Long), CTCP Đầu tư và Địa ốc Sài Gòn Chợ Lớn (SGCL), CTCP Địa ốc 8 (Địa Ốc 8) cùng lúc tố HDTC “bội tín” tại Dự án Khu đô thị An Phú - An Khánh (Quận 2).

Mới đây nhất, dự án Laimian City (tên cũ là Raemian Galaxy City, nằm trong trung tâm khu đô thị An Phú - An Khánh) đã bị UBND quận 2,TP.HCM đã ra quyết định xử phạt 40 triệu đồng về hành vi xây dựng khi không có giấy phép xây dựng.

UBND quận 2 yêu cầu HDTC phải dừng thi công xây dựng công trình dự án Laimian City, làm thủ tục đề nghị cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng chung cư CC04 (tại ngã giao đường Trần Lựu và đường Vành đai Tây, đường số 37), thuộc khu D, dự án khu đô thị An Phú – An Khánh (131ha), phường Bình An, quận 2, TP.HCM.

Lên tiếng về quyết định xử phạt của UBND quận 2, ông Đinh Trường Chinh cho biết, Laimian City thuộc trường hợp miễn Giấy phép xây dựng. Lý do, dự án có quy mô 131 ha này đã được Thủ tướng Chính phủ giao đất vào năm 1999. 

Tuy nhiên, vị đại gia này cũng vẫn phải thừa nhận hiện nay dự án chưa được Bộ Xây dựng phê duyệt thiết kế cơ sở. Theo thông tin riêng của Thuonggiaonline.vn có được, Bộ Xây dựng đã tiếp nhận hồ sơ của HDTC và phải một thời gian ngắn nữa dự án này mới được phê duyệt thiết kế cơ sở. Vì thế, việc HDTC hiểu quy định nhưng vẫn cố tình vi phạm có thể do doanh nghiệp này còn nhằm vào mục đích khác. Có thông tin do đã thỏa thuận với đối tác nước ngoài và nhằm đánh bóng dự án để thu hút vốn đầu tư thứ cấp, HDTC đã quyết định khởi công dự án dù biết rõ sẽ vi phạm quy định. Tuy nhiên, đây là tin chưa xác thực.    

Trong suốt nhiều năm sau cổ phần hóa đồng hành với kiện tụng, vụ tranh chấp Dự án The Mark (quận 7) HDTC cũng là "nhân vật chính". Cụ thể, tại liên doanh VK Housing, HDTC nắm 20% cổ phần (góp vốn bằng quyền sử dụng 29.310m2 đất của dự án).

Tại thời điểm đó, do gặp khó khăn về tài chính trong quá trình triển khai dự án, HDTC với tư cách là thành viên nên đã thế chấp quyền sử dụng đất nói trên để bảo lãnh khoản vay 400 tỷ đồng của liên doanh tại DWS Star Bridge Co., Ltd (DWS).

Vì không có chức năng hoạt động ngân hàng, DWS đã ủy thác cho Ngân hàng Woori TP.HCM (Woori Bank) nhận và quản lý phần tài sản thế chấp của HDTC, có trả phí hàng năm.

Tuy nhiên, sau cổ phần hóa, nắm quyền điều hành HDTC, ông Đinh Trường Chinh đã đạt được thỏa thuận với Woori Bank để giải chấp khoản vay 400 tỷ này, nhận lại chứng nhận quyền sử dụng đất của dự án. 

…đến những khoản vay bí ẩn

Theo BCTC 6 tháng đầu năm 2018 – là BCTC mới nhất mà HDTC công bố, công ty có gần 402 tỷ đồng vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn. Trong đó có 400 tỷ đồng là khoản vay theo Hợp đồng tín dụng ngày 29/12/2016 với Công ty TNHH sản xuất Thương mại Việt Anh với mục đích kỹ quỹ đảm bảo nợ vay tại ngày 31/12/2016 của công ty tại Ngân hàng TNHH MTV Woori (Woori Bank) chi nhánh TP.HCM để giải chấp việc thế chấp quyền sử dụng đất 29.310m2 tại phường Tân Phú, quận 7, TP.HCM (khu đất xây dựng dự án The Mark) theo thỏa thuận bảo lãnh 4/12/2009 cho khoản vay của Công ty TNHH Quy hoạch và Phát triển Nhà Việt Nam – Hàn Quốc (giá trị 15 tỷ Won, tương đương hơn gần 273,8 tỷ đồng tính theo tỷ giá ngày 21/10/2011), thời hạn vay là 12 tháng kể từ ngày 29/12/2016, lãi suất 9%/năm.

Từ đây có thể hiểu rằng, số tiền 400 tỷ đồng mà HDTC có được để trả cho Woori Bank là được vay từ công ty Việt Anh. Thực tế, HDTC có chi trả cho công ty Việt Anh 55,62 tỷ đồng chi phí lãi vay, ghi nhận tại BCTC bán niên 2018.

Đáng chú ý, theo thuyết minh của BCTC, tài sản đảm bảo cho khoản vay tại công ty Việt Anh là quyền sử dụng đất 44.862,5m2 đất gồm các thửa đất 302, 303,304,305,306 tờ bản đồ số 17 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số BA489719 ngày 28/1/2010 tại phường Tân Phú (quận 7.TP.HCM). Phụ lục hợp đồng vay ngày 15/12/2017 gia hạn thời hạn vay đến ngày 30/6/2018, lãi suất điều chỉnh thành 9,27/năm cho toàn bộ thời gian vay.

Do HDTC mới chỉ cập nhật BCTC 6 tháng đầu năm 2018, nên không rõ khoản vay này đã được thanh toán hay chưa? Không rõ công ty Việt Anh có liên quan gì tới ông Đinh Trường Chinh và các cổ đông lớn của HDTC ?

Theo thông tin của chúng tôi, tình hình nợ vay mới nhất của HDTC từ tháng 1/2019 đến tháng 5/2019 tăng mạnh từ 395,6 tỷ đồng lên 805,83 tỷ đồng, với 2 hợp đồng tín dụng thời hạn 5 năm tại Sacombank Bắc Ninh.

Cũng liên quan đến một khoản nợ đã kéo dài của HDTC, tháng 5 vừa qua, Toàn án nhân dân TP.HCM (TAND) đã giải quyết phúc thẩm vụ án tranh chấp hợp đồng hợp tác đầu tư HDTC và Eximbank liên quan đến các lô đất thuộc sở hữu của ngân hàng tại dự án khu đô thị An Phú - An Khánh.

Theo nội dung vụ việc, Eximbank và HDTC đã ký kết một hợp đồng đền bù và hoán đổi đất thông qua hợp đồng đầu tư. Cụ thể, Eximbank giao diện tích 4.132,6 m2 đất cho HDTC và 3,7 tỷ đồng đầu tư hạ tầng, đổi lại HDTC giao 12 nền đất loại 100 m2/nền với tổng diện tích 1.200 m2 cho 6 khách hàng theo yêu cầu của ngân hàng.

Tuy nhiên, quá thời hạn cam kết mà HDTC vẫn không thực hiện nghĩa vụ khiến Eximbank khởi kiện ra tòa bắt đầu từ năm 2011. Sau nhiều lần định giá lại đất đai, tới phiên tòa mới nhất, cơ quan tố tụng vừa tuyên buộc HDTC phải thanh toán 106 tỷ đồng cho nhóm 6 khách hàng của Eximbank.

 >> Sau Hưng Lộc Phát đến lượt HDTC “xây chui” dự án Laimian City

Có thể bạn quan tâm

Trung tâm thương mại hút khách thuê

Trung tâm thương mại hút khách thuê

Giá thuê trung bình tăng tới 16,2% tại Hà Nội và 15,4% tại TP.HCM, khẳng định sức hút ngày càng lớn của trung tâm thương mại đối với các nhà đầu tư và thương hiệu…