Bị nhà phân phối bỏ rơi, BYD liệu có thể tiếp tục gia nhập thị trường Việt Nam?

Việc bất ngờ bị đối tác lớn nhất ra thông báo dừng hợp tác đã khiến hãng xe Trung Quốc BYD gặp nhiều bất lợi khi bước vào thị trường Việt trong tháng 6 tới…

Bị nhà phân phối bỏ rơi, BYD liệu có thể tiếp tục gia nhập thị trường Việt Nam?

BYD, một trong những thương hiệu xe ô tô điện bán chạy nhất tại Thái Lan trong năm 2023 khi bán được 30.500 xe. Tuy nhiên, con đường gia nhập vào thị trường Việt Nam của hãng xe Trung Quốc này khá gập ghềnh khi đối tác lớn nhất đã dừng toàn bộ việc đầu tư vào các đại lý BYD.

New Energy Holding (NEH) mới đây đã thông báo dừng toàn bộ đầu tư đại lý BYD tại Việt Nam. Hiện tại, NEH thuộc hệ thống phân phối ô tô đang có tới hơn 80 đại lý trên toàn quốc, chiếm 13% thị phần ô tô tại Việt Nam vào năm 2023 với nhiều kinh nghiệm trong việc triển khai bán hàng.

Theo thông báo, một số đại lý đang được hoàn thiện và chuẩn bị đi vào hoạt động. NEH cũng đã gấp rút tuyển dụng nhân sự để phục vụ cho việc phát triển đại lý BYD tại Việt Nam. Tuy nhiên, lý do dừng hợp tác được công ty này đưa ra là đơn vị chủ quản có điều chỉnh trong chiến lược kinh doanh, việc dàn trải nguồn lực sẽ khó đảm bảo cho dự án phân phối xe BYD.

Sau thông báo trên, BYD Việt Nam đã đưa ra phản hồi chấp thuận đề nghị rút khỏi dự án của NEH. BYD tại thị trường Việt cũng cho hay, ngoài NEH vẫn còn những đơn vị khác tham dự đầu tư, nhiều kế hoạch sắp tới của BYD hoàn toàn không bị ảnh hưởng.

Khi NEH rút lui, Bitcar Việt Nam trở thành nhà phân phối chính thức lớn nhất của hãng xe điện Trung Quốc. Bitcar dự kiến sẽ mở hệ thống các đại lý trực thuộc và các đại lý liên minh tại Việt Nam.

Về phía BYD, hãng này có kế hoạch sẽ mở 50 đại lý trong năm đầu tiên tại Việt Nam. Con số này khá lớn so với bất kỳ hãng xe nào mới ra nhập vào thị trường Việt. Nếu không có một đối tác đủ mạnh, nhiệm vụ mở 50 đại lý sẽ rất khó khăn.

4-1600.png

Trước vài ngày NEH công bố rút lui, BYD tiết lộ dự định sẽ trình làng thị trường Việt các sản phẩm xe điện gồm có BYD Atto 3, Seal, Dolphin, Han, Sealion, Denza D9 và Yang Wang U8 vào tháng 6 năm nay.

Việc NEH rút lui không phải lần đầu tiên BYD vướng phải khó khăn khi triển khai hoạt động tại thị trường Việt Nam. Hãng ô tô điện Trung Quốc từng có dự định đề xuất dự án xây dựng nhà máy sản xuất nhưng dự án này bị trì hoãn vô thời hạn do những thay đổi trong chiến lược của BYD.

Mặc dù thành công vượt trội ở thị trường Đông Nam Á, nhất là Thái Lan, nhưng BYD có nhiều rào cản khiến hãng xe này khó có thể hoạt động thành công tại Việt Nam.

Ngoài những trở ngại trong tâm lý người dùng và vấn đề về chất lượng xe thì hạ tầng trạm sạc cho xe điện trải dài khắp đất nước là những điều khiến dòng xe ô tô điện Trung Quốc khó có thể tiếp cận và nhận được cái gật đầu của khách hàng Việt.

2-1548.png

Khách hàng yêu thích và muốn mua ô tô điện tại Việt Nam thường là những người mê công nghệ và họ thấy được nhiều lợi ích về phần chi phí sử dụng ô tô điện. Khi thiếu đi hệ thống đại lý làm cơ sở ban đầu, sẽ rất khó để người mua có thể lựa chọn BYD thay cho hãng xe ô tô điện quốc dân VinFast.

Hiện, ngoài VinFast không có hãng xe điện nào sở hữu hệ thống trạm sạc đủ lớn để phục vụ khách hàng. BYD cũng khó có thể tận dụng hệ thống trạm sạc của VinFast. Ngày 7/5, dòng xe VF 3 chính thức được chốt giá ở mức 235 triệu đồng, mức giá này đã hạ gục mọi đối thủ cạnh tranh hiện nay trong mảng xe điện tại thị trường Việt.

3-7442.png

Không ít khách hàng Việt dè chừng khi nghe tới xe có xuất xứ từ Trung Quốc. Những ám ảnh về chất lượng xe Trung trong quá khứ, cũng như chi phí sử dụng quá tốn kém đã khiến những thương hiệu xe từ thị trường này không được người Việt lựa chọn.

Hãng xe Trung Quốc chưa tổ chức hoạt động trưng bày hay lái thử nên người dùng chưa thể xem xét chất lượng xe. Thế nhưng, tại các thị trường khác trên thế giới, hãng xe ô tô điện xứ Trung liên tiếp vướng vào lùm xùm về chất lượng. Điều này ít nhiều sẽ khiến người mua Việt Nam càng thêm "rụt rè" với BYD.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm