Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng trò chuyện với lãnh đạo Liên đoàn Lao động TP trong buổi làm việc - Ảnh: Thuận Thắng
Tại cuộc họp, ông Đỗ Phi Hùng báo cáo giá trần nhà ở xã hội tại TP.HCM là 15 triệu đồng/m2. Trong năm qua đã triển khai một số dự án có giá 8,6 triệu đồng/m2.
Bí thư Đinh La Thăng cho rằng 15 triệu đồng/m2 là giá như nhà thương mại, thậm chí gần đây có doanh nghiệp chào hàng TP hơn 3.000 căn hộ thương mại, giảm giá còn 13 triệu đồng/m2.
5 - 6 triệu/m2 được không?
“Nhà thương mại còn có giá 13 triệu đồng/m2 thì không lý gì nhà ở xã hội mà giá đến 15 triệu đồng/m2. Giá đó quá đắt, người lao động không thể với tới” - ông Thăng nói và đề nghị phải tìm cách giảm giá nhà ở xã hội xuống còn khoảng 5 - 6 triệu đồng/m2.
Giảm giá bằng cách nào? Bí thư Thành ủy cho rằng Nhà nước phải chịu toàn bộ chi phí đất, và phải là đất sạch. Doanh nghiệp sẽ bỏ tiền xây dựng. Nhưng không thể bắt doanh nghiệp cuối cùng (xây nên căn nhà đó) gánh các chi phí tiết giảm mà phải liên kết doanh nghiệp các khâu: vật liệu, thi công, thiết kế... lại với nhau để mỗi nơi chịu giảm giá đi một phần.
“Phải có chuỗi như vậy thì mới ra được sản phẩm cuối cùng có giá rẻ, thu đủ chi và có lời hợp lý” - bí thư Thành ủy nói tính toán khi đó giá thành nhà ở xã hội chỉ còn khoảng 4 - 5 triệu đồng/m2. Mỗi căn nhà sẽ có giá khoảng 400 triệu, trả dần trong vòng 20 năm, mỗi tháng khoảng 2 triệu thì vừa tầm tay người lao động TP.HCM.
Cùng với xây nhà ở xã hội, bí thư Thành ủy cũng yêu cầu phải tạo nguồn lực, khuyến khích người dân làm nhà cho công nhân thuê, theo tiêu chuẩn mới của TP, đáp ứng nhu cầu của một TP văn minh, hiện đại. Giúp giảm áp lực xây nhà ở xã hội tại TP.
Gút vấn đề, ông Đinh La Thăng yêu cầu Liên đoàn Lao động TP.HCM phải ngồi lại với các sở Xây dựng, Tài chính, Kế hoạch - đầu tư... bàn cho ra cơ chế. Vì nếu không nhanh, dự kiến đến năm 2020 TP có 500.000 doanh nghiệp, mỗi doanh nghiệp 10 lao động, một nửa trong số đó có nhu cầu nhà ở.
“Vậy thì bao nhiêu người cần nhà? Không chủ động thì chúng ta cứ chạy theo và lúc nào cũng thiếu” - Bí thư Đinh La Thăng nói.
Học tập nhưng không rập khuôn Bình Dương
“TP.HCM sẽ có cách làm riêng của mình. Nhưng chúng ta cần học Bình Dương trước tiên là quyết tâm rất cao. Bình Dương quyết tâm để làm bằng được nhà ở xã hội cho người dân và TP.HCM cũng phải thế” - bí thư Thành ủy nói.
Cách làm riêng của TP.HCM sẽ ra sao? Ông Đinh La Thăng nói chỉ riêng chuyện giá đất đã khác nhau. Đất Bình Dương xây nhà ở xã hội trước đây là rừng cao su, đất trống, giá khá rẻ, TP.HCM rất khó kiếm đất như thế.
Về thiết kế nhà ở xã hội của TP.HCM phải có diện tích rộng hơn 45 - 60m2, để đủ chỗ cho vợ chồng, con cái, người giúp việc hay ông bà. Chứ không phải là 25 - 30m2 như ở Bình Dương.
Ông Thăng cho rằng Sở Xây dựng nên tổ chức thi thiết kế nhà ở xã hội cho phù hợp với nhu cầu người dân TP.HCM. Có nhiều mô hình nhà, với công năng, giá tiền khác nhau để người dân lựa chọn, công khai với người dân.
“Mình phải nghĩ cách, lấy ý kiến người dân, lấy ý kiến chuyên gia thì mới ra được. Tôi tin chúng ta quyết tâm thì sẽ làm được” - bí thư Thành ủy nói.
Theo ông Thăng, nguồn lực trong dân còn nhiều, nếu huy động tốt thì vẫn có nguồn vốn để đáp ứng nhu cầu xây dựng nhà ở xã hội cho những người có nhu cầu tại TP.
Rà soát quỹ đất, ưu tiên cho nhà ở xã hội
Bí thư Thành ủy yêu cầu Sở Xây dựng phải khẩn trương thống kê toàn bộ quỹ đất dành cho nhà ở xã hội của các dự án bất động sản; quỹ đất Nhà nước đang quản lý nhưng sử dụng không hiệu quả, dành để làm nhà ở xã hội.
Ông cũng gợi ý có rất nhiều dự án nhà ở thương mại đang ế, cần bàn với chủ đầu tư giảm giá, hỗ trợ vốn cho người lao động để mua.
“Vì để hoang thì dù là tài sản của doanh nghiệp cũng rất lãng phí xã hội. Chưa kể đó là tiền doanh nghiệp vay ngân hàng, bán không được lại hình thành nợ xấu. Giải quyết được thì gỡ được cho doanh nghiệp, cho người lao động, thúc đẩy kinh tế phát triển” - ông Đinh La Thăng nói.
Theo Viễn Sự/Tuổi trẻ
>> Chủ đầu tư Văn Phú Invest: Bán nhà không có đường vào?