Bình Chánh: Cực tăng trưởng mới tại cửa ngõ phía Tây Nam TP.HCM

Trong các huyện của TP.HCM được định hướng lên quận/thành phố trong giai đoạn tới, Bình Chánh là huyện đạt nhiều tiêu chí nhất với 26/30 tiêu chí. Bí thư Huyện ủy Bình Chánh Trần Văn Nam cho hay: Bình Chánh sẽ quyết tâm để “phía Đông có TP.Thủ Đức, phía Tây Nam có TP.Bình Chánh vào năm 2025”.
Bình Chánh - Cửa ngõ phía Tây Nam của TP.HCM
Bình Chánh - Cửa ngõ phía Tây Nam của TP.HCM

TP. HCM đã ban hành Kế hoạch xây dựng đề án đầu tư các huyện thành quận hoặc thành phố thuộc TP. HCM giai đoạn 2021 – 2030. Đây là đề án được Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025, đề ra. Theo đề án này, 5 huyện còn lại của TP. HCM đều được định hướng trở thành quận/thành phố trong tương lai gồm: Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè, Củ Chi và Cần Giờ.

Xét về tiêu chí, Bình Chánh là huyện đạt nhiều tiêu chí nhất với 26/30 tiêu chí, vì vậy huyện cửa ngõ phía Tây Nam TP.HCM được xác định là sẽ lên quận hoặc thành phố thuộc TP.HCM sớm nhất vào năm 2025.

Quyết tâm này cũng được thể hiện tại hội nghị, gặp gỡ đối thoại giữa lãnh đạo huyện Bình Chánh (TP.HCM) với doanh nghiệp cuối năm ngoái. Khi đó, ông Trần Văn Nam, Bí thư Huyện ủy Bình Chánh, khẳng định "quyết tâm đưa huyện Bình Chánh trở thành quận hay thành phố vào năm 2025".

Theo ông Nam, Bình Chánh đã rà soát các tiêu chí để lên thành phố, cơ bản đạt nhiều, hiện chỉ còn một số tiêu chí, nếu từ nay đến năm 2025 phấn đấu sẽ đạt được. "Hướng của ban thường vụ là ở phía Đông thì có TP. Thủ Đức và làm sao cố gắng phía Tây Nam có TP. Bình Chánh", ông Nam nói.

Nằm ở cửa ngõ phía Tây Nam, Bình Chánh sẽ là trung tâm kinh tế, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương nghiệp, dịch vụ đầu mối giao thông và hạ tầng kỹ thuật của TP. HCM và ĐBSCL. Với vị trí này, Bình Chánh đóng vai trò là mạch nối quan trọng của TP. HCM với vùng.

Cụ thể, mạng lưới liên kết vùng hoàn thiện với các tuyến huyết mạch như: Quốc lộ 1A, Tỉnh lộ 10, Quốc lộ 50, Cao tốc TP. HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận…. Dự án mở rộng tuyến Quốc lộ 50 sắp được triển khai. Ngoài ra, còn có dự án tuyến Metro 3A (Bến Thành - Tân Kiên), tuyến buýt nhanh BRT số 1 kết nối trung tâm Q.1 tới phía Đông và Tây thành phố, tạo thuận lợi cho việc di chuyển TP. HCM đến các tỉnh ĐBSCL.

Để hoàn thành mục tiêu lên quận/thành phố, Bình Chánh đang rà soát lại các tiêu chí để xác định phân kỳ đầu tư trong 4 năm tới, ước tính sơ bộ kinh phí đầu tư xây dựng cơ bản như giao thông, trường học… khoảng 44.000 tỉ đồng. Để huy động nguồn lực “khổng lồ” trên, Bình Chánh xác định điều quan trọng nhất là điều chỉnh quy hoạch phù hợp và tạo ra cơ chế để thu hút đầu tư xã hội hóa, khai thác nguồn lực quỹ đất nông nghiệp.

Phát triển đô thị với nền tảng hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội đồng bộ đang là cơ sở vững chắc để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội của Bình Chánh, trong đó tác động mạnh nhất là thị trường bất động sản.

Cũng giống như khi thành lập TP. Thủ Đức, hiện nay thông tin huyện Bình Chánh sẽ lên quận/thành phố đã tác động mạnh đến thị trường bất động sản tại đây. Theo ghi nhận, chỉ trong một thời gian ngắn, giá đất trung bình tại đây đã tăng khá nhanh. Các sản phẩm đất nền/căn hộ tại Bình Chánh đã tăng từ 15-20% kể từ thời điểm cuối năm 2021 đến nay, thậm chí nhiều khu vực đã tăng 25 - 35%.

Lượng giao dịch thành công cũng tăng lên nhanh chóng, cho thấy các nhà đầu tư đã “đánh hơi” được tiềm năng phát triển lâu dài và bền vững của Bình Chánh. Bà Nguyễn Trần Hoàng Uyên, Giám đốc Chợ Tốt Nhà khẳng định: Thị trường nhà đất ở huyện Bình Chánh luôn là một trong những nơi nhộn nhịp và nhận được sự quan tâm gần đây.

Có thể bạn quan tâm