Bộ Giao thông Vận tải muốn kéo dài niên hạn đầu máy, toa xe đường sắt

Bộ Giao thông vận tải đồng ý với đề xuất kéo dài thời gian vận hành đầu máy, toa xe đến hạn để tháo gỡ khó khăn cho Tổng Công ty đường sắt…
đường sắt

Bộ Giao thông vận tải vừa có văn bản gửi tới Văn phòng Chính phủ về việc điều chỉnh quy định niên hạn đầu máy toa xe đường sắt do Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đề xuất.

Theo Nghị định số 01/2022/NĐ-CP2 sửa đổi Nghị định số 65/2018/NĐ-CP quy định điều chỉnh lộ trình niên hạn của phương tiện giao thông đường sắt bắt đầu áp dụng từ ngày 31/12/2020 được kéo dài đến ngày 31/12/2023.

Chiếu theo quy định này, đến 1/1/2024, ngành đường sắt còn lại 202 đầu máy, 856 toa xe khách và 3.927 toa xe hàng hoạt động. Đến năm 2050 chỉ còn 20 đầu máy, 158 toa xe khách và 1.292 toa xe hàng.

So với nhu cầu tối thiểu để thực hiện nhiệm vụ vận tải, đến năm 2025 sẽ thiếu 38 đầu máy, các năm tiếp theo sẽ thiếu nhiều hơn. Từ năm 2024, ngành đường sắt bắt đầu thiếu toa xe phục vụ vận tải và sẽ thiếu trầm trọng trong các năm tiếp theo.

Trong khi đó, nếu đầu tư mua mới, thay thế sẽ cần nguồn vốn rất lớn (một đầu máy diesel của Trung Quốc nếu mua mới cũng phải mất 1,2 triệu USD, tương đương 30 tỷ đồng). Trong khi đó, để thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26, thì đến năm 2050, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam phải chuyển đổi 100% đầu máy, toa xe phát điện đường sắt sử dụng nhiên liệu sạch, nhiên liệu tổng hợp (không phát thải khí nhà kính).

Như vậy, nếu thay thế, toàn bộ các đầu máy toa xe mới chạy diesel chỉ có thời gina vận hành là 26 năm. Thời gian này chưa được khai thác để trả đủ lãi và nợ vay (dự kiến cần 30 năm), nên chưa đem lại hiệu quả kinh tế đã phải dừng sử dụng.

Việc này sẽ gây lãng phí rất lớn về nguồn lực đầu tư và tạo ra gánh nặng tài chính về trả nợ, lãi vay cho Tổng công ty Đường sắt Việt Nam.

Trong khi đó, nhiều nước trên thế giới không quy định về niên hạn phương tiện giao thông đường sắt (như: Anh, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc,...) mà chỉ yêu cầu đơn vị vận hành đảm bảo an toàn trong quá trình hoạt động.

Tại Việt Nam, đường sắt quốc gia vẫn đang sử dụng các phương tiện giao thông đường sắt có thời gian khai thác vận hành trên 40 năm, công tác bảo dưỡng, kiểm định phương tiện giao thông đường sắt theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy định hiện hành và các phương tiện phương tiện giao thông đường sắt này vẫn đảm bảo an toàn trong quá trình vận hành khai thác.

Với những lý do nêu trên, Bộ Giao thông vận tải cho rằng đề xuất của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và Tổng Công ty đường sắt Việt Nam về sửa đổi nội dung liên quan đến niên hạn là có cơ sở và cần thiết phải xem xét, điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, Bộ Giao thông vận tải đã đưa nội dung về khó khăn bất cập liên quan đến quy định về niên hạn phương tiện giao thông đường sắt vào dự thảo Báo cáo tổng kết Luật Đường sắt trình Chính phủ trong thời gian tới.

Trên cơ sở các nội dung nêu trên, Bộ Giao thông vận tải kiến nghị Chính phủ trong thời gian đang tiến hành tổng kết, đánh giá và sửa đổi Luật Đường sắt cần xem xét chỉnh sửa quy định tại Nghị định 65/2018/NĐ-CP, Nghị định 01/2022/NĐ-CP theo hướng điều chỉnh thời điểm áp dụng niên hạn đối với phương tiện giao thông đường sắt cho đến khi Quốc hội thông qua Luật Đường sắt sửa đổi (dự kiến Bộ Giao thông Vận tải đề xuất Chính phủ đưa Luật Đường sắt sửa đổi vào chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2025).

Có thể bạn quan tâm