Bộ KH&ĐT ủng hộ đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam
Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) vừa có văn bản trả lời Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) về phương án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.
Theo KH&ĐT, năng lực vận tải của hệ thống giao thông, đặc biệt là trên trục Bắc - Nam hiện nay đang có sự mất cân đối lớn. Đường bộ chiếm 72% khách và 59% hàng; đường thuỷ 40% hàng; hàng không 22% khách nhưng thị phần vận tải của đường sắt chỉ chiếm khoảng 6% khách và 1,4% hàng.
Sự mất cân đối của hệ thống giao thông vận tải nước ta cùng với vận tải đường bộ chiếm ưu thế làm phát sinh các hệ lụy đối với nền kinh tế xã hội như gây ra ùn tắc, nguy cơ tai nạn, xâm hại môi trường dẫn đến sự tiêu hao lớn về nguồn lực quốc gia, ảnh hưởng tới sức mạnh cạnh tranh của hàng hóa và của nền kinh tế.
Trong khi vận tải đường sắt luôn giữ vai trò chủ đạo tại các quốc gia có nền kinh tế phát triển bền vững như Nhật Bản, Bắc Âu, Bắc Mỹ. Đặc biệt tại Trung Quốc, đường sắt được ưu tiên phát triển tạo ra một năng lực vận tải lớn, chiếm trên 65% về vận tải hàng hoá và hơn 80% về vận tải hành khách.
Do đó, Bộ KH&ĐT khẳng định cần thiết phải thực hiện đầu tư một tuyến đường sắt mới, tốc độ cao, vận tải khách và hàng trên trục Bắc - Nam, để hình thành trục vận tải khối lượng lớn trên đất liền, giúp tăng trưởng đồng đều giữa các vùng miền, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước.
Mô hình thực hiện dự án theo hình thứ đối tác công - tư. Quy mô đầu tư khổ đường đôi 1.435mm, khai thác hỗn hợp; tốc độ thiết kế tối đa 250km/h cho tàu khách và tàu hàng cao tốc, 180km/h cho tàu khách liên vùng và tàu hàng container; tiêu chuẩn châu Âu. Tổng chiều dài tuyến khoảng 1.508,6km (điểm đầu Ngọc Hồi, điểm cuối Thủ Thiêm). Cùng đó sẽ có khoảng 50 ga hành khách và 20 ga hàng hoá. Tổng mức đầu tư, Bộ này đề nghị làm rõ cơ sở xác định và chuẩn xác lại cho phù hợp.
Dự án sẽ có tổng mức đầu tư 61,67 tỷ USD, chia thành 3 giai đoạn.
Giai đoạn 1 (2025-2031), giải phóng mặt bằng toàn bộ dự án. Xây dựng đoạn tuyến Thủ Thiêm - Nha Trang với tổng chiều dài 361 km (23,94% chiều dài dự án). Tổng mức đầu tư 16,58 tỷ USD.
Giai đoạn 2 (2031-2038), xây dựng đoạn Hà Nội - Đà Nẵng dài 677,2 km (44,91% chiều dài dự án). Tổng mức đầu tư 26,44 tỷ USD.
Giai đoạn 3 (2038-2041), xây dựng đoạn tuyến Đà Nẵng - Nha Trang dài 468,85 km (31,15% tổng chiều dài dự án) để thông toàn tuyến. Tổng mức đầu tư là 18,65 tỷ USD.
Về tổng mức đầu tư dự án theo dải vận tốc 250 km/h, Bộ KH&ĐT đề nghị Bộ GTVT tiếp tục nghiên cứu, làm rõ cơ sở tính toán để xác định lại cho phù hợp.
Bộ KH&ĐT đề nghị Bộ GTVT tiếp thu kết quả đánh giá tư vấn thẩm tra
Bộ KH&ĐT đánh giá thêm, Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc -Nam đi qua 20 tỉnh/thành phố là TP Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hoà, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, và TP Hồ Chí Minh.
Đây là một trong những dự án rất quan trọng, góp phần vào sự phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng giao thông, tạo cơ sở cho ngành đường sắt phát huy lợi thế, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước.
Tuy nhiên, để bảo đảm chặt chẽ cũng như có đủ thông số, dữ liệu làm sáng tỏ tính khả thi dự án, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị Bộ GTVT tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu các kết quả đánh giá của tư vấn thẩm tra để hoàn thiện.