Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4/2025, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Quốc Phương đã phân tích các nhân tố khiến số lượng doanh nghiệp mới thành lập trong 3 tháng đầu năm tăng.
Theo số liệu của Cục thống kê, Bộ Tài chính, tính chung trong quý 1/2025, cả nước có 36,4 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, với tổng vốn đăng ký gần 356,8 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký gần 228,2 nghìn người.
Bộ Tài chính đánh giá, so với năm 2024, số liệu này là tương đương. Tuy nhiên so với giai đoạn trước (2017 – 2023), đã tăng khoảng 1,2 lần. Đặc biệt là phần vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới cũng tăng cao, tăng khoảng 1,5% so với cùng kỳ năm 2024.
Cùng với đó, số lượng doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong quý 1/2025 đạt hơn 36,5 nghìn, tăng mạnh 54,8% so với cùng kỳ năm 2024. Điều này đã nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động trong quý 1/2025 lên hơn 72,9 nghìn, tăng 18,6% so với cùng kỳ năm 2024. Bình quân mỗi tháng có hơn 24,3 nghìn doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường.
Trước sự bùng nổ bùng nổ trong đăng ký doanh nghiệp mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong quý 1, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Quốc Phương nhận định, thực trạng này xuất phát từ một số yếu tố sau:
Thứ nhất, niềm tin của doanh nghiệp vào môi trường sản xuất, kinh doanh của Việt Nam cũng như triển vọng tăng trưởng kinh tế của nền kinh tế chúng ta tốt hơn. Nền kinh tế ngày càng được củng cố và nâng cao, thể hiện qua các kết quả, đặc biệt là qua công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Niềm tin này cũng chịu sự chi phối và tác động rất nhiều của các tiến trình đang diễn ra trong nền kinh tế như: Quá trình hoàn thiện thể chế pháp luật trong năm 2024 và những tháng đầu năm 2025, sắp tới đây là Kỳ họp thứ 9 của Quốc hội. Điều này cho thấy công tác đổi mới về thể chế đã tạo niềm tin rất lớn cho cộng đồng doanh nghiệp về sự cởi mở tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong các quy định pháp luật để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.
Thứ hai là niềm tin của doanh nghiệp vào các quyết sách chỉ đạo, điều hành của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các dự án hiện đang vướng mắc. Điều này rất quan trọng vì các dự án đang chờ các giải pháp cụ thể để tháo gỡ, tiếp tục hoạt động. Các nhà đầu tư mới, các dự án lớn đang có niềm tin vào chính sách của Nhà nước và nỗ lực của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Thứ ba, triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế thông qua các quyết sách của Đảng và Nhà nước như quyết tâm tăng trưởng kinh tế 8% trong năm 2025 và định hướng trong những năm tới tăng trưởng hai con số. Đây là quyết tâm rất lớn của Đảng và Nhà nước. Kèm theo đó là một loạt giải pháp, chính sách có thể củng cố thêm niềm tin cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Thứ tư, yếu tố đóng vai trò hết sức quan trọng là mới đây, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 68-NQ/TW về thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân. Nghị quyết này hết sức quan trọng. Chúng ta thấy rõ chủ trương lớn của Đảng trong phát triển kinh tế khu vực tư nhân, coi trọng vai trò của kinh tế tư nhân trong nền kinh tế.