Bỏ túi 6 cách nhận biết sữa giả, sữa kém chất lượng

Sữa giả không đơn thuần là sản phẩm không có giá trị dinh dưỡng, chúng còn ẩn chứa nhiều nguy cơ khôn lường đối với sức khỏe...

Sữa giả có thể dẫn đến những hiểm họa khôn lường đối với sức khỏe

Đường dây sản xuất, kinh doanh gần 600 loại sữa giả vừa bị phát hiện đã gây xôn xao dư luận. Vụ việc khiến người tiêu dùng hoang mang, bởi hình thức sữa giả ngày càng khó nhận biết. Trong khi đó, hậu quả của việc sử dụng sữa công thức không đạt chuẩn có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa ra cảnh báo: "Sữa công thức giả hoặc không đạt chuẩn an toàn vẫn hiện diện tại nhiều quốc gia, đặc biệt tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nơi việc kiểm soát thương mại điện tử còn nhiều kẽ hở".

Một nghiên cứu của Viện An toàn thực phẩm và Dinh dưỡng Australia đã chỉ ra, trẻ uống sữa bột không đạt chuẩn trong thời gian dài có nguy cơ tổn thương gan, thận, suy giảm miễn dịch, chậm phát triển thể chất và trí tuệ.

Thậm chí, nếu sữa bị nhiễm khuẩn chéo, chứa tạp chất, hoặc có chất cấm như melamine - như vụ việc rúng động ở Trung Quốc năm 2008 - hậu quả có thể nghiêm trọng đến mức gây tử vong.

Liên quan đến vụ việc, Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Duy Thịnh, nguyên cán bộ Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội, nhìn nhận việc phân biệt sữa thật - giả bằng mắt thường không dễ. Trừ những trường hợp sữa làm giả "lộ liễu", người tiêu dùng mới có thể nhận biết bằng mắt thường qua màu sắc hay mùi vị, còn lại hầu hết các sản phẩm bị làm giả rất tinh vi, giống như thật.

Người tiêu dùng cần nhận diện qua mã vạch sản phẩm, mỗi quốc gia sẽ có một mã khác nhau. Với sản phẩm nhập khẩu, cần có tem phụ và hướng dẫn tiếng Việt của nhà phân phối chính thức, người tiêu dùng có thể tự tra cứu sản phẩm này nguồn gốc xuất xứ ở đâu. Sữa thật thường có hạn sử dụng được in dập nổi, rõ ràng. Ngược lại, sữa giả có thể bị tẩy xóa, in chồng hoặc mờ nhòe hoặc hình ảnh mờ, tem nhãn thiếu thông tin.

Khi mua cần lựa chọn sữa ở các công ty chuyên sản xuất kinh doanh sữa và các sản phẩm từ sữa có thời gian kinh doanh nhiều năm, các công ty có thương hiệu ưu tín trong nước cũng như thế giới, tránh trường hợp mua trôi nổi trên mạng. Nhiều phụ huynh khi mua sữa vẫn có thói quen "nghe giới thiệu" thay vì kiểm tra kỹ nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ, hoặc chọn sản phẩm có giá thấp bất thường. Điều này tạo kẽ hở để sữa bột giả len lỏi vào thị trường và đến tay người tiêu dùng.

Một vài cách nhận biết khác như sữa thật có mùi thơm dịu, bột mềm mịn, màu vàng nhạt, trong khi sữa giả có thể có mùi lạ, bột bị vón cục, màu sắc bất thường. Tuy nhiên, những yếu tố này chỉ mang tính tương đối, bởi nhiều loại sữa giả giống như thật, hoặc khi bạn pha sai cách cũng có thể khiến bột bị vón cục, gây nhầm lẫn. Người sử dụng cần theo dõi phản ứng sau khi dùng, nếu thấy tiêu chảy, nôn trớ, không tăng cân hay sụt cân cần lập tức kiểm tra sức khỏe.

Tương tự, Cơ quan Tiêu chuẩn và An toàn Thực phẩm Ấn Độ gợi ý một số cách sau có thể giúp phát hiện sữa kém chất lượng:

Kiểm tra pha trộn tinh bột

Đối với thử nghiệm này, đun sôi 2-3 ml sữa và để nguội. Thêm 2-3 giọt dung dịch iốt vào sữa. Nếu sữa nguyên chất, màu sắc sẽ không thay đổi hoặc chỉ chuyển hơi vàng; nếu chuyển sang màu xanh lam thì sữa đã bị pha trộn với tinh bột.

Kiểm tra pha trộn chất tẩy

Lấy 5 ml sữa vào ly thủy tinh trong suốt và thêm một lượng nước tương đương. Lắc đều. Sữa nguyên chất sẽ không có hoặc có rất ít bọt nổi; còn sữa bị pha trộn với chất tẩy rửa sẽ có lớp bọt hoặc váng bền vững.

Kiểm tra sữa tổng hợp

Thêm 5 ml sữa và 5 ml nước vào ống nghiệm rồi lắc đều. Nếu không tạo ra lớp bọt bền vững, sữa là nguyên chất; nếu hình thành lớp bọt dai lâu tan, sữa đã bị pha tạp chất tẩy tổng hợp.

Kiểm tra pha trộn nước

Đối với kiểm tra này, nhỏ một giọt sữa lên một bề mặt bóng và nghiêng. Nếu giọt sữa giữ nguyên vị trí hoặc chảy chậm, để lại vệt trắng phía sau, sữa là nguyên chất. Nếu giọt chảy nhanh mà không để lại vệt, sữa đã bị pha trộn nước.

Kiểm tra pha tạp urê

Với cách kiểm tra này, hãy lấy 5 ml sữa cho vào ống nghiệm. Thêm vào đó một lượng bằng nhau bột đậu nành hoặc bột đậu arhar. Lắc kỹ và để yên trong 5 phút. Nhúng một giấy quỳ đỏ vào hỗn hợp. Nếu giấy quỳ đỏ vẫn giữ màu đỏ, sữa là nguyên chất; nếu chuyển sang màu xanh, sữa đã bị pha tạp urê.

Kiểm tra sự có mặt của formalin

Lấy 10 ml sữa trong ống nghiệm, thêm 2-3 giọt axit sulfuric đậm đặc dọc theo thành ống nghiệm mà không lắc. Nếu màu của sữa không thay đổi, sữa là nguyên chất; nếu xuất hiện vòng màu tím hoặc xanh, sữa đã bị pha tạp formalin.

Có thể bạn quan tâm