Chuyên gia chỉ cách nhận biết giá đỗ sạch và giá đỗ "ngậm" hóa chất

Giá đỗ chứa hóa chất không chỉ làm giảm chất lượng và hương vị tự nhiên của món ăn, mà còn tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với sức khỏe của người tiêu dùng...

Giá đỗ là thực phẩm phổ biến bán ở chợ và các siêu thị
Giá đỗ là thực phẩm phổ biến bán ở chợ và các siêu thị

Công an tỉnh Nghệ An vừa triệt phá một đường dây sản xuất 3.500 tấn giá đỗ ngâm hóa chất. Vụ việc khiến người tiêu dùng không khỏi lo lắng về vấn đề an toàn thực phẩm.

Cụ thể, ngày 20/4, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế và buôn lậu Công an tỉnh Nghệ An cho biết, đang tiếp tục điều tra vụ việc vi phạm quy định về an toàn thực phẩm tại 4 cơ sở sản xuất giá đỗ trên địa bàn thành phố Vinh.

Trước đó, ngày 11/4, lực lượng chức năng đã đồng loạt kiểm tra 4 cơ sở sản xuất, phát hiện và thu giữ gần 2.000 thùng chứa khoảng 25 tấn giá đỗ; 25 lít dung dịch “nước kẹo” (chất 6-Benzylaminopurine) nguyên chất; 150 lít dung dịch đã pha chế cùng nhiều tang vật liên quan.

Tính từ tháng 6/2024 đến nay, tổng sản lượng giá đỗ ngâm hóa chất được các cơ sở này đưa ra thị trường ước tính khoảng 3.500 tấn, chủ yếu tiêu thụ tại các chợ đầu mối và chợ dân sinh ở Nghệ An, Hà Tĩnh.

“Nước kẹo” chứa 6-Benzylaminopurine không thuộc danh mục được phép sử dụng trong sản xuất thực phẩm và danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam. Đây là chất kích thích tăng trưởng tế bào (cytokinin), đưa vào cơ thể gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, có thể gây tử vong khi ăn lượng lớn.

Trước tình trạng này, Phó giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện Công nghệ sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội đã chỉ cách chọn giá đỗ tự nhiên, phân biệt với giá đỗ có hóa chất.

Theo đó, giá đỗ sạch lấy chất dinh dưỡng tự thân, không có chất kích thích nên gầy, thân mảnh, phát triển không đều. Rễ cây dài khoảng 3-7 cm, lông tơ nhiều. Lá mầm nhỏ, màu xanh nhạt, thường dính vào vỏ đậu.

Ngược lại, giá đỗ ngâm hóa chất thường bắt mắt hơn, to tròn, mập mạp, đều đặn, không bị cong do sử dụng chất kích thích để tăng trưởng. Loại này rễ ngắn, thân màu trắng tinh, trắng bệch, nhìn không tự nhiên, mọng nước. Còn giá sạch có màu trắng ngà hoặc hơi xanh nhạt tự nhiên, có mùi đậu.

Khi ăn, giá ngâm hóa chất thường xốp, khô, không thơm, thậm chí có mùi hắc, ít mùi đậu tự nhiên, không ngọt, ra rất nhiều nước khi chế biến. Giá ngâm hóa chất có thể để ngoài trời nhiều ngày, ở nhiệt độ thường, không lo bị hỏng. Còn giá sạch dễ úng, nhanh hỏng hơn sau 1-2 ngày để bên ngoài. Khi xào nấu, giá có mùi thơm, ngọt, thanh hơn.

"Tuy nhiên, thủ đoạn làm giả ngày càng tinh vi, khi đã chế biến thì rất khó phân biệt", phó giáo sư nói.

Theo ông Thịnh, người tiêu dùng có thể dựa vào giá cả, loại ngâm hóa chất thường rẻ hơn. Ngoài ra, còn có một số mẹo phân biệt khác như cắt thân giá đỗ, nếu bên trong có nhiều nước và xốp bất thường có thể đã dùng thuốc kích thích tăng trưởng. Bạn có thể ngâm nước muối loãng vài phút để quan sát màu, mùi.

Bên cạnh đó, giá sạch có nhiều rễ tơ, ngoại hình xấu. Nếu không thấy rễ, nên cảnh giác.

Liên quan đến vấn đề này, bác sĩ Chuyên khoa 1 Hồ Thanh Lịch, Phó khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn khuyến nghị, nên ưu tiên mua giá đỗ ở những địa chỉ uy tín để đảm bảo chất lượng và an toàn như siêu thị, cửa hàng rau sạch có nguồn gốc rõ ràng. Mua giá đỗ tươi từ các nguồn đáng tin cậy sẽ giảm thiểu nguy cơ nhiễm bẩn.

Quan sát kỹ hình dáng, màu sắc và cảm nhận độ giòn của giá. Khi mua giá đỗ tươi, hãy tìm loại giá đỗ giòn và trắng với độ trong mờ nhẹ. Tránh bất kỳ loại giá đỗ nào trông nhớt hoặc có mùi hăng, vì đây là dấu hiệu hư hỏng. Không chọn mua giá đỗ có thân quá mập, trắng phau, không có rễ hoặc lá mầm xòe rộng bất thường. Khi có bất kỳ nghi ngờ nào, tốt nhất không nên sử dụng.

Có thể bạn quan tâm

Một giấc ngủ ngon là gốc của một cơ thể khỏe mạnh

10 thực phẩm tự nhiên tốt cho người mất ngủ

Bổ sung những thực phẩm giàu dưỡng chất và vitamin vào chế độ ăn hàng ngày không chỉ giúp cơ thể thư giãn mà còn là bí quyết tuyệt vời để bạn dễ dàng chìm vào giấc ngủ ngon và sâu...

Bác sĩ cảnh báo về phương pháp súc miệng dầu dừa

Bác sĩ cảnh báo về phương pháp súc miệng dầu dừa

Súc miệng dầu dừa, hay còn gọi là “oil-pulling” đang được chia sẻ rầm rộ trên mạng xã hội như một phương pháp chăm sóc răng miệng ngon-bổ-rẻ, nhưng nhiều chuyên gia trong ngành lại đặt câu hỏi về lợi ích thực sự của phương pháp này…