Các nhà thầu cam kết hoàn thành cao tốc Bắc – Nam trong năm 2022

Ngày 16/4, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã đi kiểm tra thực địa tuyến cao tốc Mai Sơn-Quốc lộ 45, thuộc dự án cao tốc Bắc-Nam phía Đông và chủ trì cuộc họp kiểm điểm tiến độ 4 dự án dự kiến hoàn thành trong năm 2022.
Các nhà thầu cam kết hoàn thành cao tốc Bắc – Nam trong năm 2022

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã đi kiểm tra toàn tuyến dài hơn 63km, từ tỉnh Ninh Bình đến tỉnh Thanh Hóa, trong đó có 2 hầm xuyên núi. Sau đó, tại tỉnh Thanh Hóa, Phó Thủ tướng đã có cuộc làm việc với các nhà thầu, đơn vị thi công rà soát, kiểm điểm tiến độ triển khai 4 dự án cao tốc phải hoàn thành trong năm 2022 như yêu cầu đề ra. Đó là đoạn Mai Sơn-Quốc lộ 45 (dài 63,37km), đoạn Cam Lộ-La Sơn (dài 98,3km), đoạn Vĩnh Hảo-Phan Thiết (dài 100,8km) và đoạn Phan Thiết-Dầu Giây (dài 99km).

Theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải, 4 dự án nêu trên, với tổng chiều dài của 361,47km, hiện sản lượng trung bình đạt 52,35% giá trị hợp đồng, chậm 2,5%. Do đó, để đảm bảo hoàn thành trong năm 2022, các ban quản lý, nhà thầu trên công trường phải hết sức nỗ lực để bù tiến độ, chạy đua với thời gian.

Đoạn Mai Sơn-Quốc lộ 45 có sản lượng thực hiện đến nay đạt 57,5% giá trị hợp đồng, đáp ứng tiến độ yêu cầu. Thuộc dự án này, công trình cầu Núi Đọ, cầu trên cao tốc Bắc-Nam vượt sông dài nhất tỉnh Thanh Hóa, do Liên danh Vinaconex-Trung Nam thi công đã hoàn thành 68,6%, vượt tiến độ 21 ngày, đã được hợp long nhịp chính vào 9/4/2022.

Theo thiết kế, cầu Núi Đọ rộng 23,5m, gồm 4 làn xe cơ giới, hai làn dân sinh hỗn hợp dẫn về các hướng đường gom. Hiện nay, 4/5 gói thầu đang vượt kế hoạch đã đăng ký từ 1,8% đến 5,3% giá trị hợp đồng, 1/5 gói thầu cơ bản đáp ứng kế hoạch đề ra. Với tiến độ như hiện nay, dự án sẽ hoàn thành đúng kế hoạch.

Đoạn Cam Lộ-La Sơn, khởi công ngày 16/9/2019, kế hoạch hoàn thành dự án ngày 30/9/2022. Sản lượng thực hiện đến nay đạt khoảng 81,8% giá trị hợp đồng, cơ bản đáp ứng kế hoạch.

Đoạn Vĩnh Hảo-Phan Thiết, khởi công tháng 9/2020, kế hoạch hoàn thành tháng 12/2022. Sản lượng thực hiện đến nay đạt 32,2% giá trị hợp đồng, chậm khoảng 13,13% giá trị hợp đồng (khoảng 2 tháng) so với kế hoạch. Nguyên nhân chủ yếu gây chậm tiến độ là do khó khăn về nguồn vật liệu đất đắp nền đường và chủ quan từ nhà thầu trong việc tổ chức triển khai thi công.

Bộ Giao thông Vận tải đã tập trung chỉ đạo các nhà thầu cam kết tiến độ hoàn thành dự án theo các mốc thời gian: đến ngày 15/4/2022 sản lượng thi công của dự án phải đạt 34,5% (2.094 tỷ đồng) và đến ngày 30/6/2022 phải đạt 50,8% (3.081 tỷ đồng).

Các nhà thầu đã có những chuyển biến tích cực, tổ chức tăng ca, kíp thi công. Tuy nhiên, đến ngày 10/4, sản lượng mới đạt 32,2% hợp đồng, chậm khoảng 92 tỷ đồng (tương đương 8 ngày thi công) so với tiến độ cam kết.

Bộ Giao thông Vận tải đã chỉ đạo Ban Quản lý dự án 7 thực hiện cắt chuyển khối lượng tổng cộng 16,5km của 3 nhà thầu và 7 tổ đội thi công yếu kém; yêu cầu tiếp tục theo dõi, đôn đốc tiến độ thực hiện của các nhà thầu đảm bảo đến ngày 30/4/2022 phải đạt được sản lượng thi công là 36% giá trị hợp đồng và đến ngày 30/6/2022 phải đạt được sản lượng thi công 50,8% giá trị hợp đồng; hoàn thành lớp móng cấp phối đá dăm vào tháng 9/2022…

Nếu các nhà thầu đáp ứng các mốc tiến độ, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Thuận tháo gỡ khó khăn về nguồn vật liệu đắp nền đường dứt điểm trong tháng 4/2022 (hiện còn 0,9 triệu m3 vật liệu đất đắp chưa được cấp phép khai thác và 1,34 triệu m3 vật liệu đất đắp đã cấp phép nhưng chưa khai thác được), Dự án sẽ hoàn thành đúng tiến độ yêu cầu.

Đoạn Phan Thiết-Dầu Giây, kế hoạch hoàn thành tháng 12/2022, hiện có sản lượng đạt 38,5% giá trị hợp đồng, chậm khoảng 1,4% giá trị hợp đồng so với kế hoạch. Nguyên nhân chính dẫn đến chậm tiến độ do một số nhà thầu thiếu hụt kinh phí, chưa kịp thời huy động đủ thiết bị mở thêm các mũi thi công và ảnh hưởng mưa trái mùa đầu tháng 4/2022.

Các nhà thầu đã cam kết tổ chức thi công bù sản lượng theo kế hoạch ngay trong tháng 4/2022 và hoàn thành công trình trong năm 2022 với các mốc: Cơ bản hoàn thành đắp nền đường chính tuyến trong tháng 5/2022, hoàn thành hạng mục đào đá nền đường trong tháng 7/2022, hoàn thành móng cấp phối đá dăm trong tháng 9/2022... Hiện nay, các nhà thầu đang nỗ lực huy động bổ sung thiết bị, tích cực triển khai thi công. Với tiến độ như hiện nay, dự án sẽ hoàn thành đúng kế hoạch.

Phát biểu tại cuộc làm việc, các nhà thầu đều khẳng định cam kết sẽ hoàn thành 4 dự án cao tốc trong năm nay. Bên cạnh đó, các nhà thầu nêu ra một số khó khăn về nguồn vật liệu đắp nền đường, biến động giá vật liệu, thời tiết bất lợi, dịch COVID-19… Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng cho rằng cần kiểm tra dấu hiệu đầu cơ, tăng giá bất hợp lý đối với vật liệu đắp nền.

Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Đình Thọ, hằng tháng, theo thẩm quyền, các địa phương cần công bố giá cả vật liệu.

“Nếu cần thiết, thì Bộ Giao thông Vận tải phối hợp với Bộ Xây dựng lập tổ công tác kiểm tra địa phương có thực hiện công bố giá và giá có sát với thực tế hay không," Thứ trưởng Lê Đình Thọ nhấn mạnh.

Phát biểu tại họp, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho biết sau khi kiểm tra thực địa thì thấy tiến độ, không khí thi công trên công trường rất tốt. Phó Thủ tướng tin tưởng với sản lượng thực hiện đạt 57,5% và 81,8%, 2 đoạn cao tốc Mai Sơn-Quốc lộ 45 và Cam Lộ-La Sơn chắc chắn sẽ hoàn thành trong năm 2022.

Đối với hai đoạn còn lại là Vĩnh Hảo-Phan Thiết và Phan Thiết-Dầu Giây (đạt sản lượng 32,2% và 38,5%) có nhiều chuyển động trong những tháng qua, tuy nhiên, vẫn còn nhiều băn khoăn, các nhà thầu cần cố gắng hơn nữa.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là phải kiên quyết hoàn thành 361km cao tốc trong năm nay. Mục tiêu này đã được đưa vào Nghị quyết của Chính phủ, đã được các nhà thầu, đơn vị thi công cam kết, không thể thất hứa với nhân dân.

"Phải tạo không khí thi đua sôi nổi, thiết thực đưa các dự án về đích đúng hẹn. Phải nói thật, làm thật," Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Nếu như mặt bằng và nguồn vốn thường là vấn đề khó khăn nhất với ngành xây dựng thì hiện nay, các dự án cao tốc đang gặp rất nhiều thuận lợi, “tiền không thiếu đồng nào, giải phóng mặt bằng cơ bản xong."

Hiện chỉ còn một số vướng mắc, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành khẳng định sẽ giải quyết triệt để đồng thời cho biết trong vài ngày tới sẽ ban hành công điện thúc đẩy tiến độ các dự án, xử lý dứt điểm các tồn tại, vướng mắc. Về biến động giá cả vật liệu, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng có hướng dẫn càng sớm càng tốt.

Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục phát huy cách làm như vừa qua, bám sát công trường, phối hợp chặt chẽ với địa phương. Đồng thời, tiếp tục đánh giá, theo dõi chặt chẽ việc thực hiện cam kết của nhà thầu, nếu nhà thầu chậm thì Ban Quản lý dự án điều chuyển khối lượng, thay nhà thầu. Các Ban quản lý dự án cũng phải nỗ lực hết sức để thực hiện bằng được cam kết với Bộ Giao thông Vận tải.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nêu rõ đây là công trình trọng điểm quốc gia, chất lượng công trình là hàng đầu, nhất quyết không vì tiến độ mà ảnh hưởng đến chất lượng. Thời gian từ nay đến 31/12 không còn nhiều (khoảng 8 tháng), phải quyết liệt hơn nữa; phải tổ chức thi công 3 ca để bù lại tiến độ.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Có hiện tượng người tham gia đấu giá trả giá cao bất thường, có dấu hiệu thổi giá trong đấu giá đất

Thủ tướng yêu cầu chấn chỉnh hoạt động đấu giá đất

Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường tăng cường kiểm tra, thanh tra hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất đối với những trường hợp có biểu hiện bất thường, kịp thời phát hiện các bất cập trong quy định pháp luật để tham mưu, đề xuất cấp thẩm quyền sửa đổi, bổ sung cho phù hợp...

Giải bài toán nhà ở: Cần "di dời" sức cầu ra vùng ven

Giải bài toán nhà ở: Cần "di dời" sức cầu ra vùng ven

Với mức giá bất động sản hiện tại, những người có thu nhập rất khó sở hữu một căn nhà. Tuy nhiên, các chuyên gia bất động sản chỉ ra rằng, giải pháp không nằm ở nội đô chật chội mà ở các khu vực ven đô đang phát triển…