Cải cách tiền lương là nguyên nhân chính khiến số chi chuyển nguồn ngân sách nhà nước tăng cao

Theo đại biểu Quốc hội, số liệu báo cáo dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 còn có sự chênh lệch lớn cả về số thu và chi ngân sách. Đặc biệt, số quyết toán chi ngân sách nhà nước giảm 407.317 tỷ, số bội chi ngân sách nhà nước giảm 49.317 tỷ....

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc phát biểu tại phiên họp ngày 7/6
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc phát biểu tại phiên họp ngày 7/6

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 7 ngày 7/6, Quốc hội đã thảo luận về "Phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2022".

Phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết sẽ tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội tại các phiên thảo luận tổ, thảo luận tại hội trường để hoàn thiện các giải pháp quản lý, điều hành ngân sách tốt trong thời gian tới, hoàn thiện hơn nữa công tác quyết toán ngân sách.

Về số liệu thực hiện ngân sách năm 2022 so với số liệu quyết toán, tại kỳ họp tháng 10 năm 2022, Bộ Tài chính đã có báo cáo tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2022, dự báo việc thực hiện dự toán ngân sách của năm 2022. Trong đó, số liệu có chênh lệch so với báo cáo quyết toán.

Khi dự báo, trong tình hình thực hiện dự toán ngân sách, Bộ căn cứ vào số thực hiện tại thời điểm báo cáo. Bộ Tài chính có thể lấy số liệu đó một cách chính xác trong vòng chậm nhất một giờ. Tuy nhiên, phần dự báo liên quan đến nhiều vấn đề phát sinh vào dịp cuối năm nên số liệu có sự chênh lệch.

Về nguyên nhân dẫn tới chi chuyển nguồn ngân sách tăng cao năm 2022, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc dẫn số liệu chuyển nguồn ngân sách từ năm 2022 sang năm 2023.

Cụ thể, phần thực hiện cải cách tiền lương chiếm 37,7%, chi đầu tư phát triển chiếm 27,3%, tăng thu tiết kiệm chi chiếm 25%, các khoản chi dự toán được cấp có thẩm quyền bổ sung sau ngày 30/9 chiếm 1,8%, kinh phí giao tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp, các cơ quan nhà nước chiếm 0,87%.

Như vậy, chi chuyển nguồn cao chủ yếu do các nguồn lực được chuyển theo quy định pháp luật, đặc biệt là nguồn tích lũy qua các năm để thực hiện cải cách tiền lương đóng vai trò lớn.

Đồng thời, những nhiệm vụ đã được ký hợp đồng và được thực hiện trong năm nhưng chưa được thanh toán sẽ được chuyển nguồn sang năm sau theo quy định của pháp luật. Bộ trưởng Phớc cho rằng, đối với vấn đề chuyển nguồn, Bộ Tài chính cùng các bộ, ngành, địa phương cần cố gắng thực hiện thanh toán ngay trong năm để số chuyển nguồn giảm đi.

Đối với các khoản chi thấp như chi đầu tư, do quy trình triển khai thủ tục đầu tư, các khoản chi đầu năm thường ở mức thấp, con số của những tháng cuối năm thường tăng cao.

Về vấn đề dự toán không sát, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho rằng, những tháng đầu năm 2022 còn chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19, tăng trưởng thấp. Quý 3/2022 bắt đầu có sự tăng trưởng nhảy vọt nên cuối năm tăng trưởng đạt 8,02%. Đây là sự nỗ lực lớn trong thúc đẩy sản xuất, kinh doanh để tăng trưởng GDP giúp thu ngân sách tăng lên.

Về chi ngân sách cho các địa phương, theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước, ngân sách trung ương chỉ đảm nhiệm nhiệm vụ chi của ngân sách trung ương. Với các tuyến đường quốc lộ do Bộ Giao thông vận tải quản lý, phí sửa chữa, duy tu, bảo dưỡng được Bộ Tài chính phân bổ cho Bộ Giao thông vận tải.

Với những tuyến đường Bộ Giao thông vận tải phân cấp về cho tỉnh, Bộ Tài chính sẽ phân bổ lại cho các tỉnh để sửa chữa. Những tuyến đường thuộc nhiệm vụ chi của Bộ Giao thông vận tải thì Bộ Tài chính chuyển nguồn cho Bộ Giao thông vận tải để thực hiện kiểm soát và chi tiêu.

Có thể bạn quan tâm