Sau sắc lệnh của chính quyền liên bang về việc đóng cửa tất cả các trường học, cơ sở dịch vụ không cần thiết, các thành phố của Canada dường như ngay lập tức bước vào thời kỳ “ngủ đông” giữa mùa xuân.
Chiến đấu với kẻ thù vô hình
Tháng Tư là khoảng thời gian mà người dân ở xứ sở lá phong đã gần hết kiên nhẫn với cái lạnh kéo dài của mùa đông. Người ta bắt đầu hy vọng về những ngày xuân ấm áp, hoa nở tưng bừng và ngay sau đó là mùa hè rực rỡ… Vào thời điểm này hàng năm, người dân bắt đầu tung tăng đi bộ, dạo chơi, mua sắm. Các cửa hàng đã trưng bày hàng hóa xuân – hè, lấp lánh đủ loại sắc màu, đặc biệt là các giống hoa tươi có nhiệm vụ tô điểm vẻ đẹp mùa xuân lộng lẫy cho mỗi ngôi nhà.
Vậy mà nay, giữa đại dịch Covid-19, thành phố bỗng im lìm đến lạ. Trong những khu dân cư tĩnh lặng hầu như chỉ thấy những chiếc xe ô tô nằm lặng lẽ trước cửa những ngôi nhà. Thảng hoặc mới thấy một chiếc xe chạy trên đường do chủ nhân của nó có việc cần kíp lắm như đến chỗ làm, đi mua thuốc, thực phẩm hoặc có thể là người đi giao đồ ăn cho ai đó.
Trước khi lệnh đóng cửa biên giới đường bộ, đường không, đường thủy được thực hiện, chính phủ Canada đã kêu gọi người dân của mình từ nước ngoài trở về và hàng chục chuyến bay đã được phái đi để làm nhiệm vụ chuyên chở họ về nhà. Các biện pháp chống dịch mạnh tay khác được ban hành: Đóng các cửa hàng, dịch vụ không cần thiết; Chỉ duy trì các bệnh viện, cơ sở y tế, dược phẩm. Các cửa hàng cung cấp thực phẩm và vật dụng sinh hoạt cần thiết được phép hoạt động nhưng tuân thủ các quy định phòng dịch nghiêm ngặt như sát trùng, hạn chế lượng khách vào cửa hàng, giữ khoảng cách trên 2 mét giữa các khách hàng.
Tất cả các trường học, từ đại học, cao đẳng đến trường trung học, tiểu học; các cơ sở công cộng như thư viện, phòng tập thể dục… đều bị đóng cửa ít nhất trong hai tuần. Mọi người dân được yêu cầu ở yên trong nhà, liên tục nhận lệnh của chính phủ và tiểu bang về các biện pháp đối phó với dịch thông qua các phương tiện truyền thông và thông tin liên lạc. Phần lớn doanh nghiệp sản xuất cũng hoặc đóng cửa hoặc hoạt động cầm chừng chờ tình hình khá lên.
14 ngày hay 1 triệu USD và 1 năm tù? Người ta thường nhắc nhau về hình phạt mà chính quyền đưa ra dành cho đối tượng buộc phải tự cách ly hay cách ly tập trung để tránh những chuyện đáng tiếc xảy ra, từ đó có thể làm dịch bệnh bùng phát dẫn đến mất kiểm soát.
Không chỉ tập trung chống dịch như tất cả các nước trên thế giới, Canada còn phải lo đối phó với nguy cơ dịch từ bên kia bên giới tràn sang. Nước này có đường biên với Hoa Kỳ dài tới 8.850 km. Giữa hai nước có mối quan hệ đặc biệt, từ giao thương, sản xuất hàng hóa, du lịch, công ăn việc làm đến cư trú… Một bộ phận không nhỏ người Canada sở hữu nhà tại các vùng ấm áp của Hoa Kỳ làm nơi trú đông. Ngược lại, nhiều người Mỹ thích sang Canada ở trong mùa đông để thỏa mãn thú vui câu cá trên tuyết…
Tình hình dịch bệnh Covid-19 của Hoa Kỳ đang hết sức căng thẳng với các ca nhiễm tăng theo cấp số nhân từng ngày. Tính đến tối ngày 29 tháng Ba, tổng số ca nhiễm virus Covid-19 đã đạt tới con số 141 ngàn. Riêng ở thành phố New York, cứ 6 phút lại có 1 người chết vì nhiễm virus Covid-19. Điều đó khiến cho chính phủ Canada buộc phải nhanh chóng áp dụng các biện pháp khẩn cấp, cứng rắn để đối phó với dịch bệnh.
“Hiền” như người Canada
Nice, kind… là những tính từ nói về phẩm chất của người Canada nói chung. Tính cách đó là một trong những điểm hấp dẫn nhất thu hút nhiều dân nhập cư, sinh viên từ mọi nơi đến Canada học tập và kiếm việc làm. Ở đây, người nhập cư cảm thấy bình yên, ấm áp khi luôn nhận được sự giúp đỡ của chính quyền và người dân.
Nhìn chung, giữa người dân và chính quyền luôn có một sự thống nhất cao độ. Những gì mà người viết bài này chứng kiến trong đợt đại dịch Covid-19 lịch sử càng chứng minh cho nhận định đó.
Cũng như nhiều người phương Tây khác, người dân Canada cũng có cách sống tự do, phóng khoáng, thích đi du lịch… Ước tính trong thời gian qua, cả triệu người Canada đang du lịch, làm ăn ở nước ngoài. Sau một lệnh của chính phủ là họ lũ lượt trở về, từ các ngả đường bộ, đường hàng không… Họ thực hiện biện pháp tự cách ly tại nhà theo yêu cầu của chính phủ. Cũng chỉ vài ngày sau, một lệnh khác được ban ra, đường phố gần như ngay lập tức bước vào trạng thái “ngủ đông” như đã miêu tả ở trên.
Để mua một cốc cà phê tại các quán Tims Hortons, Mc Donal, Starbuck… bạn chỉ có thể ngồi trên xe, đặt hàng qua radio rồi lái xe đến một khung cửa nhỏ để trả tiền và nhận cà phê. Mỗi một động tác đều rất cẩn trọng với găng tay, nước rửa tay khô, cồn sát trùng. Tương tự, tại các siêu thị Cosco, Walmart… các biện pháp chống lây nhiễm được thực hiện triệt để. Siêu thị Cosco chỉ cho phép khoảng 50 người vào mua hàng. Cứ 5 người ra thì lại cho phép 5 người khác vào. Họ đeo khẩu trang, giữ khoảng cách từ 2 – 3 mét. Lượng nhân viên phục vụ được tăng cường để làm nhiệm vụ kiểm soát khách hàng, sát trùng xe đẩy hàng cho khách, bốc, xếp hàng hóa… Tất cả đều thực hiện quy trình phòng dịch nghiêm ngặt bởi chỉ một sai sót dẫn đến có ca nhiễm bệnh, toàn bộ siêu thị - cửa hàng sẽ phải đóng cửa ngay lập tức.
Không thăm viếng. Không tụ tập. Mọi người đều ở yên trong nhà mình, bình tĩnh theo dõi tình hình qua phương tiện truyền thông. Khi được hỏi về ý thức thái độ của người dân trong thực hiện lệnh của chính phủ, mọi người thường bày tỏ, việc thực hiện những yêu cầu đó là lẽ đương nhiên không cần phải bàn cãi. Người nào đi quá giới hạn ngay lập tức sẽ vấp phải cái nhìn thiếu thiện cảm của người khác trước khi bị pháp luật “sờ gáy”.
Bình tĩnh chờ đợi
Khó khăn là lẽ đương nhiên. Kinh tế lao dốc cũng đã được dự báo trước. Lượng người nộp hồ sơ xin trợ cấp thất nghiệp cuối tháng 3 đã tăng chóng mặt – hơn 1 triệu người.
Tuy nhiên, các biện pháp chống sốc cho người dân và nền kinh tế đã được kích hoạt nhanh chóng. Hoa Kỳ có số dân 330 triệu người, hiện tình hình dịch bệnh đang vượt khỏi tầm kiểm soát với gần 20 ngàn người nhiễm mới mỗi ngày… Chính phủ của Tổng thống Donal Trump đã tung gói 2.200 tỷ USD để chống dịch và hỗ trợ các doanh nghiệp, người dân. Canada đất rộng, người thưa. Dân số chỉ 36 triệu người, số người nhiễm virus Covid 19 vào khoảng 6.300 trường hợp, trong đó có hơn 60 người chết. Chính phủ Canada cũng tung gói cứu trợ khẩn cấp 107 tỷ USD.
Theo đó, những lao động bị mất việc, bị ốm, bị cách ly, phải chăm sóc người bị nhiễm virus Covid 19, các phụ huynh phải nghỉ việc đang làm để ở nhà chăm sóc trẻ bị ốm hay trẻ không thể đến trường vì các trường học đóng cửa sẽ được chính phủ hỗ trợ 2.000 USD /tháng trong bốn tháng tới, để giúp trang trải chi phí thuê nhà và sinh hoạt hàng ngày.
Các doanh nghiệp nhỏ được vay 40,000 USD tại ngân hàng với mức tiền lời bằng không cho năm đầu tiên.
Và trong một số điều kiện nào đó, chính phủ sẽ đảm bảo một khoản vay không hoàn trả lên đến 10,000 USD. Ngoài ra là các chính sách giãn nợ, chậm nộp thuế… bảo đảm cho các doanh nghiệp và người dân có thể yên tâm đợi dịch đi qua.
Mỗi tỉnh bang lại có thêm chính sách của riêng mình. Ontario đã công bố gói cứu trợ khẩn cấp "chỉ mới là bước đầu" trị giá 17 tỷ USD nhằm hỗ trợ người dân, các doanh nghiệp và ngành y tế của tỉnh này chống lại đại dịch đang diễn biến xấu đi. Theo đó, các gia đình có con từ 12 tuổi trở xuống sẽ được nhận thêm khoản trợ cấp từ 200 – 250 USD cho mỗi đứa con. Người già có thu nhập thấp được tăng gấp đôi tiền trợ cấp…
Với những chính sách hỗ trợ kịp thời và hiệu quả, người dân Canada có vẻ vì thế mà khá yên chí để stay home long time.
Du học sinh gặp khó
Cũng như du học sinh tại các quốc gia khác, du học sinh tại Canada hiện gặp rất nhiều khó khăn. Việc học bị gián đoạn hoặc hạn chế; việc thuê nhà gặp nhiều rủi ro vì chủ nhà có thể từ chối cho thuê để giữ an toàn trong mùa dịch. Cũng có thể du học sinh muốn về nước nhưng bị vướng mắc hợp đồng thuê nhà cả năm, không thể phá vỡ. Đặc biệt, việc làm thêm kiếm tiền trang trải học phí và sinh hoạt bị dừng đột ngột khiến các em mất đi một khoản thu nhập căn bản. Chi phí thuê nhà, chi phí sinh hoạt… tính sơ sơ mỗi tháng cũng ngốn của các em hơn ngàn USD (tạm thời chưa tính tiền học phí).
Thanh Huyền, một du học sinh của trường Gieorgan College đã mất trắng khoản thu nhập từ việc làm nail và nhân viên bán bánh mì trong hệ thống cửa hàng Mr Sup, vì con virus quái ác. Em hiện khá lo lắng vì nếu tình trạng này kéo dài, em sẽ phải nhận sự hỗ trợ từ gia đình ở Việt Nam mà theo em nói, mọi người cũng đang rất khó khăn vì dịch Covid trong nước cũng đang diễn tiến phức tạp.
Tương tự như Huyền, Trí – một sinh viên vừa tốt nghiệp, đã nộp đơn xin việc, mới được một công ty chấp nhận buộc phải nghỉ ở nhà mà không có sự hỗ trợ nào từ phía chính phủ, vì em không phải là người Canada. Với khả năng tiếng Anh tốt, lái xe thạo… Trí đang tính chuyện xin một chân đi đưa đồ ăn trong thành phố. “Nhu cầu đặt đồ ăn tăng cao do mọi người hạn chế ra ngoài. Vì vậy em thấy đây là công việc tốt và em sẽ phải nhanh chóng bắt lấy. Nếu không em cũng chưa biết làm thế nào để duy trì cuộc sống trong những ngày này” - Trí chia sẻ.
Em cũng cho rằng, những du học sinh đã nhanh chóng trở về nước trước khi lệnh cấm bay được thực hiện, giờ đã yên vị ở nhà hay đang thực hiện cách ly là những người may mắn vì được ở bên gia đình, người thân. Còn với những du học sinh đang phập phồng chờ đợi ở nơi đây, không ai biết ngày mai sẽ ra sao? Bao giờ dịch chấm dứt? Bao giờ việc học trở lại bình thường và quan trọng nhất là, bao giờ có thể tiếp tục đi làm thêm để có tiền trang trải cuộc sống? Những câu hỏi đó vẫn còn bỏ ngỏ cũng như tương lai của các em hiện chưa thể đoán định.
Vì những khó khăn khi chưa phải là cư dân của xứ lá phong nên không ít du học sinh sau ngày tốt nghiệp đã cố gắng xin được một cái giấy phép lao động, từ đó xin định cư dài hạn và về lâu dài có thể được nhập quốc tịch nước sở tại.
Canada là một trong những quốc gia “có tiếng” là đảm bảo chế độ an sinh xã hội tốt nhất thế giới. Khó khăn của đại dịch Covid 19 là một phép thử để chứng minh cái sự “có tiếng” ấy là đúng hay sai? Và đúng tới cỡ nào?!
Phương Anh
Từ Toronto, Canada