CEO AZA Travel Nguyễn Tiến Đạt: Thay vì kêu than, hãy xây dựng kịch bản vượt qua khủng hoảng

Cũng gặp khó khăn như bao doanh nghiệp (DN) khác khi bắt đầu khởi nghiệp, nhưng có lẽ quá trình startup của CEO Nguyễn Tiến Đạt “đặc biệt” hơn khi “đứa con tinh thần” của ông mới chập chững biết đi thì gặp ngay “cơn gió chướng” quá mạnh - dịch Covid-19.

Trong khi các chuyên gia nhận định, ngành du lịch là ngành bị ảnh hưởng mạnh nhất bởi dịch bệnh này. Thế mới thấy, cái sự khởi nghiệp của ông gặp nhiều chông gai, trúc trắc đến cỡ nào.

Ông Nguyễn Tiến Đạt - CEO AZA Travel
 Ông Nguyễn Tiến Đạt - CEO AZA Travel

Tuy nhiên tôi tin người sáng lập ra AZA Travel sẽ tiếp tục thành công khi quyết định “ra ở riêng”. Bởi với kinh nghiệm hơn 20 năm trong nghề cùng nhiều sáng kiến, nhiều bài viết mà ông đã đóng góp cho sự phát triển ngành du lịch nước nhà, cộng với tinh thần luôn lạc quan, bình tĩnh trước khó khăn, khủng hoảng… thì sự tin tưởng của người viết đối với ông dĩ nhiên là có cơ sở.

Tôi cũng tin ông sẽ thành công với lần khởi nghiệp này bởi ông là một người rất chu toàn. Ngay chi tiết đặt tên khai sinh cho thương hiệu DN mình ông cũng đã mất khá nhiều thời gian suy nghĩ để chọn ra một cái tên làm sao có ý nghĩa nhất.AZA có nghĩa là “Đi thật xa (từ A đến Z) để trở về (Z đến A)” theo như tên một bài hát nổi tiếng của Sobin Hoàng Sơn. AZA sẽ đưa quý khách đến những vùng đất mới trên khắp năm châu bốn bể để tìm hiểu, khám phá, học hỏi, giao lưu với những con người và văn hóa, thiên nhiên. Và sau mỗi hành trình quý khách sẽ có thêm những kiến thức, những cảm xúc và những kỷ niệm không bao giờ quên trong đời” – ông Đạt hồ hởi cắt nghĩa.

CEO AZA Travel cho biết thêm: “AZA cũng được hiểu là dịch vụ từ A đến Z với chất lượng A. Có nghĩa AZA sẽ cung cấp đa dạng các dịch vụ du lịch như tour trong nước, tour quốc tế, tour khách lẻ, tour khách đoàn, tour MICEs, tổ chức sự kiện hội nghị hội thảo, dịch vụ đặt vé máy bay, đặt phòng khách sạn làm visa. Dịch vụ từ A đến Z cũng có nghĩa là dịch vụ rất chu đáo, chất lượng. Chúng tôi đã tuyên bố bản tầm nhìn, sứ mệnh, giá trị trong đó nhấn mạnh sẽ nỗ lực để cung cấp tới khách hàng những sản phẩm và dịch vụ chu đáo, tin cậy đến từng chi tiết để làm hài lòng khách hàng”.

Động lực nào khiến ông quyết định khởi nghiệp với việc thành lập AZA trong lúc tuổi đời không còn trẻ?

Tôi đã trải qua các vị trí quản lý ở các mảng kinh doanh khác nhau tại một công ty cũng về du lịch. Ở mảng nào tôi phụ trách, kết quả kinh doanh đều rất tốt, và thường tăng trưởng đột phá.

Tuy nhiên, từ khi còn mới vào nghề tôi đã có mong ước được làm chủ một DN của mình. Thế nên sau hơn 20 năm trong nghề, với kiến thức, kinh nghiệm được tích luỹ, tôi đã quyết định rời công ty mình gắn bó lâu năm để “tái khởi nghiệp”, nhằm thực hiện những ước mơ, những kế hoạch của riêng mình cũng như thoải mái đóng góp cho các hoạt động của ngành và xã hội. 

So với DN đã trưởng thành trước đó thì khi đứng ra chăm chút cho AZA - đứa con tinh thần thứ hai mới chập chững bước vào "làng du lịch" chắc không tránh khỏi khó khăn, vất vả, thưa ông?

Chắc chắn rồi. Khi ra làm riêng thì tiềm lực tài chính cũng bị hạn chế hơn công ty trước và thương hiệu mới cũng khó thuyết phục khách hàng hơn. Chưa kể thị trường du lịch ngày càng cạnh tranh. Năm 2015 cả nước có 1.573 DN lữ hành quốc tế thì năm 2019 con số này đã là 2.719 DN. AZA Travel sẽ phải tìm hướng đi cho mình để dần khẳng định tên tuổi và chuẩn bị cho giai đoạn phát triển sau đó.

Tuy mới thành lập còn nhiều khó khăn nhưng tôi đã sớm xây dựng được bộ máy là những người giỏi, có nhiều năm kinh nghiệm làm du lịch, marketing online, hành chính, kế toán…Tôi đã cùng với bộ máy mới này bắt tay vào set up công ty, xây dựng quy trình, sản phẩm, website, kế hoạch marketing và bán hàng… Do đã có nhiều năm kinh nghiệm nên chúng tôi ít bị lúng túng trong giai đoạn khởi động này. Thế nên các tour du lịch do chúng tôi tổ chức đã nhận được nhiều lời khen ngợi của khách hàng dù họ đã từng đi nhiều công ty lớn trước đó.

Nhưng ông có thấy rằng quá trình khởi nghiệp của ông rất đặc biệt khi AZA Travel đang như mầm non mới nhú thì gặp ngay “luồng gió chướng” quá mạnh bởi bệnh viêm phổi do Covid-19 gây ra. Điều đó đã ảnh hưởng như thế nào tới AZA?

Đúng là đặc biệt thật (cười). Chúng tôi đã xong giai đoạn set up, đang bán tốt và đang vào đà chuẩn bị cất cánh thì gặp đại dịch. Dịch Covid-19 bất thình lình xuất hiện và đã giáng một đòn đánh mạnh vào du lịch toàn cầu và Việt Nam. Tất cả các công ty du lịch lớn bé đều bị ảnh hưởng nặng. Lớn chết kiểu lớn mà bé chết kiểu bé. AZA Travel cũng đã phải hủy cả hàng chục đoàn tour và thiệt hại cả tỷ đồng. Sau Trung Quốc, dịch bệnh đã lan ra hàng chục quốc gia trên thế giới và tới các thị trường trọng điểm của Việt Nam như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đông Nam Á, châu Âu. Chưa biết bao giờ dịch bệnh mới chấm dứt trong khi công ty vẫn phải trả lương nhân viên, chi phí thuê địa điểm và các chi phí khác hàng trăm triệu đồng mỗi tháng. Đây cũng là khó khăn chung của các công ty du lịch.

Rồi ông xử lý như thế nào trước “khó khăn chồng chất khó khăn” này, thưa ông?

Thuyền to thì sóng lớn. AZA còn nhỏ nên có tính linh hoạt cao hơn, dễ ứng phó hơn. Ngay sau Tết khi dịch bệnh mới bắt đầu tại Việt Nam, tâm lý mọi người rất hoang mang. Tôi đã họp công ty để cùng đánh giá những tác động của dịch bệnh và cách ứng phó. Nhờ kịp thời phản ứng nên chúng tôi đã giảm được hơn một nửa thiệt hại. Chúng tôi cũng thực hiện cắt giảm các chi phí không cần thiết nhưng cố gắng vẫn bảo đảm chế độ cho cán bộ nhân viên trong công ty.

Chúng tôi cũng đổi hướng thay vì tập trung bán những sản phẩm tour du lịch nước ngoài đang bị sụt giảm mạnh vì người dân lo sợ dịch bệnh, chúng tôi phát triển bán sản phẩm tour nội địa kích cầu với các gói combo du lịch linh hoạt giảm giá tới 70% do hàng không và khách sạn đang có khuyến mại rất tốt.

Chúng tôi cũng tranh thủ thời gian này để đào tạo nội bộ, thiết kế sản phẩm mới, nâng cấp hệ thống IT, nghiên cứu áp dụng các công cụ marketing online… Nhờ vậy mà nhân viên công ty vẫn luôn bận rộn trong mùa dịch. Chúng tôi cũng đang tuyển dụng thêm nhân viên để phục vụ cho nhu cầu phát triển sắp tới của công ty vì thời gian này mới dễ tuyển những nhân sự du lịch có chất lượng. Chúng tôi cũng đang lên kế hoạch để thúc đẩy bán tour sau thời gian dịch bệnh.

Lúc khó khăn thì bản lĩnh của người đứng đầu rất cần thiết. Thay vì kêu than, lãnh đạo DN cần bình tĩnh, tự tin, tìm cơ hội trong lúc khó khăn và xây dựng kịch bản vượt qua khủng hoảng. Tôi tin, sau cơn mưa, trời lại sáng.

Cụ thể về kế hoạch để thúc đẩy bán tour sau thời gian dịch bệnh mà ông mới nói tới là gì, thưa ông?

Từ khi AZA Travel mới đi vào hoạt động, tôi đã viết bản tuyên bố về tầm nhìn, sứ mệnh, giá trị của AZA và coi đó là kim chỉ nam xuyên suốt trong hoạt động của công ty. AZA Travel có mục tiêu trong vài năm nữa sẽ trở thành DN lữ hành hàng đầu Việt Nam, chinh phục khách hàng bằng sản phẩm và dịch vụ tốt với mức giá cạnh tranh nhất.

AZA Travel ban đầu sẽ tập trung phát triển các sản phẩm phục vụ người Việt đi du lịch trong nước và quốc tế. Các sản phẩm đa dạng từ du lịch trọn gói đến du lịch linh hoạt F&E, đặt khách sạn, vé máy bay, visa, tổ chức sự kiện hội nghị hội thảo, team building, gala…

Chúng tôi cũng phát triển kênh bán B2B (bán cho đại lý) và  B2C (bán tới khách hàng trực tiếp) bằng công nghệ marketing online hiện đại và dịch vụ chuyên nghiệp.

Chúng tôi cũng tăng cường liên kết dọc với các đơn vị hàng không, khách sạn, nhà hàng, chuyên chở… và liên kết ngang giữa các DN lữ hành với nhau để có thể giới thiệu các sản phẩm hoàn chỉnh với chất lượng cao và giá hợp lý cũng như tăng cường sức mạnh và chia sẻ rủi ro.

Hơn 20 năm kinh nghiệm và là người rất tâm huyết với ngành du lịch, ông cũng là người đưa ra nhiều ý tưởng hữu ích đối với ngành công nghiệp không khói khi khởi xướng chiến dịch “Văn minh du lịch” được du khách, toàn ngành và xã hội hưởng ứng. Với tình yêu mãnh liệt với ngành du lịch như vậy, ông có thể chia sẻ, để thành công trong lĩnh vực này, các bạn trẻ cần hội đủ những yếu tố gì?

Tôi nghĩ nghề du lịch là nghề của nhiều cảm xúc cho phép bạn được gặp nhiều người, cơ hội được đi nhiều nơi cả trong nước và thế giới. Tuy nhiên, nghề du lịch cũng là nghề khá vất vả, nghề làm dâu trăm họ. Thu nhập từ nghề du lịch có thể giúp có cuộc sống khá giả nhưng khó thành đại gia được. Người ta bảo chỉ có đại gia mới đi làm du lịch chứ ít ai làm du lịch và trở thành đại gia. Cũng giống như nông nghiệp, nghề du lịch bỏ ra rất nhiều công sức nhưng thành công nhiều khi lại phụ thuộc vào “ông trời”. Ngành du lịch là ngành dễ bị tổn thương do những yếu tố khách quan như thiên tai, dịch bệnh, bất ổn chính trị, suy thoái kinh tế…

Các bạn trẻ khi muốn làm du lịch cần tránh ảo tưởng với bức tranh màu hồng về nghề du lịch và phải chịu khó không ngừng học hỏi và làm việc có trách nhiệm.

Nếu không có sự say mê với nghề du lịch thì sẽ khó vượt qua những khó khăn của nghề. Hãy biến những niềm vui của khách hàng sau mỗi chuyến đi thành công thành niềm vui của mình. Ngoài ra, nếu có thể thì nên cùng chung tay đóng góp vào sự phát triển của ngành du lịch và cho xã hội.

Xin cảm ơn ông!

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Toàn cảnh Diễn đàn Kinh tế TP.HCM 2024

Nam A Bank chung tay cùng TP.HCM phát triển bền vững

Trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế TP.HCM (HEF) lần thứ 5 năm 2024 diễn ra từ ngày 24 - 27/9, Nam A Bank tiếp tục chung tay cùng các doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia đóng góp các giải pháp, sáng kiến hướng đến mục tiêu phát triển bền vững cho Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng...

Ông Đàm Nhân Đức, Kinh tế trưởng đại diện MB nhận giải thưởng Financial Large Cap có hoạt động IR được Nhà đầu tư yêu thích nhất

MB nhận ‘cú đúp’ giải thưởng tại IR Awards 2024

Nhờ triển khai hoạt động quan hệ nhà đầu tư (IR) theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả và áp dụng các thông lệ tốt về công bố thông tin minh bạch, Ngân hàng TMCP Quân đội được vinh danh ở hạng hai mục giải thưởng danh giá tại IR Awards 2024...