Thương Gia xin đăng lại bài viết đầy cảm xúc của ông sau chuyến đi dự Festival này.
Nghe thông tin có festival văn hoá truyền thống Việt Nam 2019 tổ chức tại Hoàng Thành Thăng Long, tôi bèn rủ con gái lớp 6 và một người bạn nước ngoài mới sang Việt Nam du lịch đi dự.
Làm trong ngành du lịch, tôi luôn mong muốn và đề xuất các ban ngành và xã hội cần lưu giữ và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống Việt Nam mấy ngàn năm để giới thiệu cho du khách quốc tế. Nhưng xã hội hiện đại, cuộc sống hiện đại đã làm phai mờ nhiều giá trị truyền thống nên nhiều khi cũng khó giới thiệu cho du khách và cho thế hệ trẻ. Thôi thì những festival văn hoá truyền thống Việt Nam như thế này dù là phục dựng lại nhưng cũng tốt - tôi thầm nghĩ.
Nhưng thay vì có thể giới thiệu và tự hào với người bạn nước ngoài và dạy dỗ con gái về văn hoá truyền thống Việt Nam, những gì diễn ra tại festival văn hoá truyền thống Việt Nam 2019 tại Hoàng Thành Thăng Long thật đáng thất vọng.
Ngoài cái cổng mô hình ô quan chưởng và hoàng thành khá đẹp và một vài khu tiểu cảnh có trang trí rơm rạ, hoa lá để phục vụ chị em "chụp ảnh tự sướng", một khu nhà rơm có ông đồ viết chữ và bày rối nước, một cái đu tre, một dãy tranh chẳng phải loại truyền thống, phần còn lại của festival thật chẳng khác mấy một cái chợ.
Đến hơn 3/4 các gian hàng theo tôi ước tính là không liên quan gì đến văn hoá truyền thống. Trong hơn trăm gian hàng thì đã có mấy chục gian hàng của các hãng ghế massage với các nhân viên chèo kéo mời khác vào ngồi dùng thử rồi tỉ tê giới thiệu bán hàng. Bố mẹ vợ của tôi trong một lần đi hội chợ đã từng bị lừa mua một cái ghế như vậy, nghe giới thiệu có chương trình khuyến mãi tưởng mua được giá rẻ hàng xịn của Nhật – Hàn, về nhà mới biết toàn là hàng "Tàu" và bị mua đắt mấy lần.
Ở đầu khu gian hàng là cửa hàng bán đồ da phát loa ầm ĩ giới thiệu sản phẩm và mức giảm giá siêu khuyến mại. Ở giữa các gian hàng bán đồ quần áo hàng chợ treo biển: 5 cái quần lót (nữ) = 100 nghìn đồng, sịp nam = 50 nghìn đồng/chiếc. Đi sâu hơn là cửa hàng bán kính "hàng hiệu" giá siêu rẻ và nhân viên vắng khách đang... hát karaoke, cạnh đó là hàng bán đồ thông tắc vệ sinh, trong cùng là dãy hàng gia dụng đủ thứ hầm bà rằn đồng giá 39 nghìn đồng/món...
Thất vọng với các gian hàng trưng bày, tôi hướng con gái và anh bạn nước ngoài đi tới khu ẩm thực. Gì thì gì chứ ẩm thực Việt Nam thì quá tuyệt. Bao du khách nước ngoài hay cả tổng thống Mỹ đến Việt Nam cũng phải tấm tắc khen đồ ăn Việt ngon. Cả hội nghị thượng đỉnh Mỹ Triều ở Hà Nội vừa qua, cả gần 3.000 phóng viên nước ngoài cũng đã say mê với đồ ăn Việt được nước chủ nhà chiêu đãi miễn phí.
Tưởng rằng ẩm thực Việt sắp có cơ hội giới thiệu ra toàn cầu, khẳng định vị thế chẳng kém ẩm thực Nhật, Hàn, Thái, Tàu. Ấy vậy mà ở các gian hàng ẩm thực ở festival văn hoá truyền thống Việt Nam lại chủ yếu bày bán nào là cơm Gimbap chiên, lẩu bò Kimchi Hàn Quốc, Shushi của Nhật, xúc xích Đức, khoai tây chiên... Tìm mãi chỉ thấy lác đác vài món quà quê như bánh tẻ, bánh đậu xanh còn có nét thuần Việt. Thấy xa xa có gian hàng rất đông người, tưởng có đặc sản Việt gì ngon. Hoá ra là gian hàng của hãng công nghệ chuyển phát đồ ăn Now đang có chương trình khuyến mại cho người cài đặt ứng dụng lần đầu sẽ được tặng một cốc trà sữa Đài Loan. Cả khu vực ăn uống bàn ghế nhựa lộn xộn, đồ ăn thừa, giấy ăn vứt bừa bãi chưa ai kịp dọn trông thật nhếnh nhác.
Không ai ngờ Hà Nội sau hơn 10 năm mở rộng địa giới hành chính bao trùm nhiều vùng quê, nhưng có vẻ văn hoá làng quê luộm thuộm lại bao trùm Hà Nội, biến Hà Nội giống như một cái làng khổng lồ, thể hiện rõ ngay tại lễ hội văn hoá truyền thống Việt Nam giữa Hoàng Thành Thăng Long, thủ đô Hà Nội.
Trên sân khấu trước Hoàng Thành rất hoàng tráng tối 5/4 đã có buổi chương trình văn hoá nghệ thuật “Hồn Việt” được truyền hình trực tiếp trên truyền hình Hà Nội có các vị lãnh đạo thành phố đến dự, đêm qua (7/3) tiếp tục có chương trình biểu diễn chủ đề: “Thăng Long bừng sáng”. Tiếng đạo diễn oang oang đang chỉ đạo hướng dẫn các bé gái trong trang phục rất tiếc không phải là áo dài Việt Nam mà là váy tây bồng bềnh.
Cách đây gần 3 năm, chính tại Hoàng Thành này, tôi được tham dự festival áo dài Hà Nội 2016. Đó quả là một lễ hội thật sự đẹp và ấn tượng với các gian hàng trưng bày áo dài của các NTK thời trang nổi tiếng cả nước. Trên sân khấu là những bộ sưu tập áo dài theo các chủ đề khác nhau rất đẹp, lôi cuốn và mang đậm truyền thống dân tộc. Để festival áo dài thành công, trưởng BTC - NTK Minh Hạnh tâm sự với tôi, thách thức lớn nhất không phải là bao ngày sáng tạo của chị và các đồng nghiệp, không phải khó khăn gian khổ và cầu kỳ tỉ mỉ trong dàn dựng, thi công và trình diễn mà chị phải suốt ngày đi đuổi các loại hàng rong lẻ vào lễ hội áo dài để bán hàng. Hàng rong đủ loại dễ dàng lọt qua các cửa bảo vệ các lễ hội ở Hoàng Thành hay bất kỳ lễ hội văn hoá công cộng nào ở Việt Nam, kéo theo đó là sự nhếch nhác. Rất tiếc là lễ hội này mới đầu định 2 năm diễn ra một lần nhưng đến nay sau 3 năm vẫn chưa thấy động tĩnh gì.
Có lẽ đa số mọi người đến Hoàng Thành hôm nay cũng vẫn không cảm thấy vấn đề bởi đơn giản chỉ cần một nơi để đi chơi cuối tuần ở Hà Nội chật chội đông đúc, vốn thiếu không gian công cộng. Trẻ con chỉ cần bãi cỏ để có chỗ chạy nhảy. Mấy nam thanh nữ tú thì đã có mấy chỗ chụp ảnh tự sướng sống ảo và đồ ăn kiểu nước ngoài lạ miệng. Mấy bà lớn tuổi hơn thì có chỗ mua sắm đỡ phải ra chợ. Tôi cũng cố tỏ ra vui vẻ nhưng niềm vui giả tạo đấy bị biến mất ngay khi con gái tôi vùng vằng: “Bố ơi về thôi, con chẳng thấy ở chỗ này có gì hay cả mà bố cứ bắt con đi để học hỏi văn hoá truyền thống dân tộc”. Tôi liếc sang người bạn nước ngoài và gặp ánh mắt ngạc nhiên. Thấy tôi bối rối, anh dường như hiểu tôi đang nghĩ gì nên an ủi: “Oh, Vietnamese traditional culture is so open (Ồ, văn hoá truyền thống của Việt Nam rất là cởi mở)”.
Chẳng biết là cởi mở hay là sự tuỳ tiện đến mức vô trách nhiệm đến phản văn hoá ở một lễ hội văn hoá truyền thống giữa hoàng thành Thăng Long - di sản văn hoá Unesco thế giới - ở thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến. Hơn nữa theo BTC, lễ hội này còn được tổ chức để kỷ niệm ngày sinh vua Lý Thái Tổ - vị vua dời đô về Hà Nội và cho xây dựng Hoàng Thành Thăng Long.
Thật may là tôi mới chỉ dẫn một người bạn nước ngoài chứ không phải dẫn cả một đoàn khách du lịch cả trăm người đến đây như lời kêu gọi của các vị lãnh đạo nhà nước về phát triển du lịch gắn với sự kiện văn hoá. Tuy nhiên, hàng ngày vẫn có trăm ngàn khách du lịch quốc tế đến Hoàng Thành. Không hiểu họ thấy cảnh này thì nghĩ gì về văn hoá truyền thống Việt Nam.
Không biết có ai lại lắm ưu tư như tôi. Hay tôi lại không được coi là “cởi mở”, là thoáng? Tôi cũng có thể thoáng và chấp nhận được nếu ban tổ chức dỡ cái biển treo “Festival văn hoá truyền thống Việt Nam 2019” và thay vào đó là biển “Chợ và lẩu văn hoá tại Việt Nam 2019” hoặc có thể đổi tên sự kiện này là “Hội chợ tiêu dùng Hà Nội mở rộng” như lời của ông Phó TTK hiệp hội lữ hành Việt Nam đưa ra.
Nguyễn Tiến Đạt
Phó Giám đốc công ty du lịch TransViet