Chân dung bà Minh Phương, ‘nữ hoàng logistics’ sắp hợp tác với Samsung

Bà Đặng Thị Minh Phương, CEO của MP Logistics, không chỉ được báo CNBC (Mỹ) ca ngợi là “nữ hoàng logistics” mà còn được chính giới doanh nhân Việt phong danh “nữ doanh nhân của giải thưởng".
Chân dung bà Minh Phương, ‘nữ hoàng logistics’ sắp hợp tác với Samsung

Theo tờ Korea Times (Hàn Quốc), MP Logistics đang triển khai hợp tác với Samsung SDS, một công ty con của Tập đoàn Samsung. Cụ thể, MP Logistics sẽ hợp tác với Samsung SDS dưới hình thức liên doanh. Thương vụ này xuất hiện trong bối cảnh Việt Nam đang là một trong những trung tâm sản xuất có chi phí thấp nhất nhưng đầy tiềm năng tăng trưởng.

Đại diện phía Samsung SDS cho biết: “Thị trường logistics Việt Nam đạt mức tăng trưởng hàng năm 15 – 20% và được thúc đẩy bởi các hiệp định thương mại tự do với Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản và Liên minh châu Âu (EU)”.

Việc hợp tác này nằm trong kế hoạch “bành trướng” hoạt động của Tập đoàn Samsung tại các trung tâm sản xuất mới nổi ở châu Á. Trước đó, Samsung SDS đã “bắt tay” với các doanh nghiệp logistics lớn tại Trung Quốc và Thái Lan.

Chính bà Minh Phương, CEO của MP Logistics cũng đã lên tiếng xác nhận thông tin ký kết hợp tác với Samsung SDS để cùng phát triển thị trường logistics đường bộ. Thông tin hợp tác giữa Samsung cùng một trong những đơn vị logistics lớn nhất Việt Nam gây nhiều xôn xao trong tháng 7 này. Vậy, người phụ nữ được mệnh danh là “nữ hoàng logistics Việt Nam”, bà chủ sắp hợp tác với Samsung, là ai?

Không an phận làm một người mẹ, người vợ

Bà Minh Phương, tên đầy đủ là Đặng Thị Minh Phương, thuộc thế hệ 7x, tốt nghiệp khoa Quản trị kinh doanh trường Đại học Thương Mại. Ngay từ trên ghế nhà trường, bà đã ấp ủ định hướng trở thành một doanh nhân.

Tuy nhiên, thị trường lao động thời điểm đó tương đối khó khăn. Một năm sau khi tốt nghiệp, bà Phương vẫn lật đận trong việc tìm kiếm một công việc phù hợp. Đến năm 1993, bà bắt đầu làm việc tại một công ty thuộc lĩnh vực xuất nhập khẩu (XNK) tại TP Hồ Chí Minh với vai trò là nhân viên kinh doanh. Mặc dù thời gian làm việc còn ít, nhưng bà Phương đã nhanh chóng được thăng tiến thành quản lý bộ phận kinh doanh tại công ty này, với mức lương 2.000 USD/tháng.

Cảm nhận được làn sóng đầu tư mạnh mẽ của các công ty nước ngoài thuộc lĩnh vực XNK vào Việt Nam sau khi Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm vận, tháng 7/1995, bà Phương quyết định tự đứng ra thành lập công ty TNHH Minh Phương. Hơn 20 năm hình thành và phát triển, Minh Phương Logistics hiện đang đứng đầu trong số các công ty giao nhận tại Việt Nam cùng phương châm: “Mất tài sản, không mất gì cả. Mất uy tín là mất tất cả”.

Ngành logistics vốn phủ hợp với nam giới bởi đòi hỏi sự năng động, nói nhiều, đi nhiều khiến bà chủ MP Logistics buộc phải nỗ lực và quyết đoán nhiều hơn. Tuy nhiên, bà Minh Phương đã khẳng định vị thế nữ doanh nhân thành đạt với nhiều giải thưởng lớn và quan trọng như “Sao vàng Đất Việt”, “Giải thưởng Doanh nhân trẻ xuất sắc TP Hồ Chí Minh 2006”,… Đặc biệt, hiện tại bà Phương còn đang nắm giữ vai trò Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc hãng taxi Saigon Air sau khi mua lại 67% cổ phần và còn là Chủ tịch Câu lạc bộ CEO tại TP Hồ Chí Minh.

Bà Minh Phương

Bà Đặng Thị Minh Phương (thứ 3 từ trái sang) cùng quan khách tại buổi lễ kỷ niệm 20 năm thành lập MP Logistics

Khi được hỏi về ưu nhược điểm của một nữ doanh nhân, bà Phương chia sẻ, “những ưu thế của nữ CEO trong việc quản lý doanh nghiệp là cẩn trọng, chú ý chi tiết, kiên nhẫn, giàu sức chịu đựng… Đây cũng là những nhân tố quan trọng giúp cho doanh nghiệp vững vàng trước những khó khăn. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có những hạn chế nội tại như sự mất tập trung, dễ bị chi phối bởi trách nhiệm gia đình…, mà để khắc phục được điều này các chị em rất cần sự hậu thuẫn, hỗ trợ, chia sẻ từ phía gia đình và cả xã hội”.

Hơn nữa, theo bà Phương, phụ nữ thời hiện đại có khả năng làm được nhiều điều tuyệt vời hơn bên cạnh vai trò chỉ là một người mẹ, một người vợ: “Mọi người luôn nghĩ là phụ nữ thì nên làm mẹ, làm vợ. Khi bước ra ngoài làm kinh doanh, chúng tôi khó có thể chu toàn tất cả vai trò đó. Tôi cho rằng nếu cứ tiếp tục làm nội trợ, tôi sẽ không thể thành công như ngày nay”.

Bên cạnh đó, bà Minh Phương cũng nhận được nhiều sự tin tưởng từ phía các đồng nghiệp, nhân viên và đối tác, bà luôn quan niệm: “Khi tin tưởng ai đó, bạn cũng sẽ nhận lại được điều tương tự. Tôi cho rằng đó là động lực đưa tất cả chúng tôi lại gần nhau. Và họ vẫn sát cánh bên tôi cho đến ngày hôm nay”. Thậm chí, bà còn nhận được nhiều sự yêu mến đến mức một số nhân viên trong công ty còn lấy Minh Phương đặt tên đệm cho con của họ. Mặc dù không tự nhận mình là một người lãnh đạo tốt, nhưng bà Phương luôn sẵn sàng lắng nghe và tiếp thu ý kiến từ đồng nghiệp và cấp dưới.

Bản lĩnh và quyết đoán trên bàn đàm phán

Bà Minh Phương được nhiều đối tác và đồng nghiệp ca ngợi “nức nở” nhờ khả năng đàm phán giỏi. Mặc dù là một người phụ nữ, nhưng bà cho rằng, trên thương trường nếu cứ “đi nhẹ nói khẽ” thì khó mà thành công. Sự quyết đoán và bản lĩnh trên bàn đàm phán của bà Phương được thể hiện rõ qua câu chuyện hợp tác với một công ty lớn của Nhật.

Năm 2010, MP Logistics liên doanh với một đối tác lớn cùng ngành đến từ Nhật Bản, trong đó, phần góp vốn của công ty Nhật là 49% và của MP Logistics là 51%. Nhưng khi bàn đến tên của doanh nghiệp, đối tác Nhật lại kiên quyết đặt tên mình trước tên Minh Phương, bởi thương hiệu của họ đang có uy tín trên toàn cầu.

Không chịu sức ép từ phía công ty lớn, bà Phương thẳng thắn từ chối. Sau nhiều tháng đàm phán không có kết quả, đối tác Nhật đồng ý để tên Minh Phương lên trước, nhưng chỉ viết tắt là “MP”.

Lần này, bà Phương cũng không ngại từ chối khéo léo: “Nếu vậy, lần sau khi đến làm việc, hãy gọi tôi là bà MP, đừng gọi là bà Minh Phương nữa”. Trước sự kiên trì không lùi bước của nữ doanh nhân, phía Nhật Bản đồng ý “chiều” theo ý bà lần nữa, đặt tên Minh Phương lên đầu và không viết tắt. Chia sẻ về lần đàm phán này, bà Phương cho biết: “Chúng tôi mất gần 1 năm chỉ để đàm phán cái tên. Thực tế, trên thương trường, có những cái không cần thiết phải nhượng bộ”.

“Minh Phương Logistics không ngại cạnh tranh và có thể cạnh tranh ngang ngửa với công ty nước ngoài tại Việt Nam. Vì chúng tôi là doanh nghiệp nội địa, chúng tôi hiểu văn hóa địa phương. Trong quá trình làm việc, chắc chắn có những vấn đề trục trặc thì sự am hiểu văn hóa địa phương chính là sự khác biệt đáng kể so với các đối thủ ngoại”, bà Phương chia sẻ quan điểm về vấn đề cạnh tranh giữa doanh nghiệp logistics ngoại và nội.

Theo VNF

Có thể bạn quan tâm

Top 15 gia đình đa thế hệ giàu nhất châu Á năm 2023

Top 15 gia tộc giàu nhất châu Á năm 2023

Với tổng tài sản hơn 400 tỷ USD, 15 gia tộc có nhiều thế hệ giàu nhất châu Á đã định hình và phát triển mạnh mẽ nền kinh tế của châu lục này...