Dự án được thực hiện tại phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam, trên diện tích khu đất khoảng 202,88 ha. Tổng chi phí dự kiến thực hiện là hơn 9.135 tỷ đồng, chi phí bồi thường hỗ trợ tái định cư là 489,9 tỷ đồng.
Đến thời điểm hiện tại, chỉ duy nhất có một nhà đầu tưnộp hồ sơ đăng ký thực hiện dự án, đó là Công ty Cổ phần Mặt trời Hà Nam. Điều đáng nói, công ty này chỉ mới được thành lập năm 2022 - cùng thời điểm Dự án Khu đô thị thời đại và đổi mới sáng tạo (PL-ĐT12.22) được lên kế hoạch và triển khai.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, Công ty Cổ phần Mặt trời Hà Nam đã có số vốn điều lệ lên tới 1.010 tỷ đồng. Số vốn chủ sở hữu này đã gần bằng số vốn tỉnh Hà Nam yêu cầu nhà đầu tư thực hiện dự án tối thiểu là 1.443,8 tỷ đồng (tối thiểu chiếm 15% tổng mức đầu tư).
Người đại diện pháp lý của doanh nghiệp này là ông Trịnh Xuân Nam - người từng được biết đến là Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tasco (HUT). Ngoài ra, ông Nam còn đại diện cho 4 doanh nghiệp khác, đó là: Công ty TNHH MTV Tasco 6, Công ty Cổ phần Tasco Nam Thái, Công ty TNHH MTV Tasco Quảng Bình, Công ty TNHH MTV Tasco Nam Định.
Được biết, Công ty Cổ phần Mặt trời Hà Nam có 7 cổ đông lớn, trong đó chiếm tỷ lệ phần trăm lớn nhất thuộc về một doanh nghiệp, đó là Công ty Cổ phần Địa Cầu (chiếm 45,5% vốn điều lệ).
Công ty Cổ phần Địa Cầu hoạt động chính trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, xây dựng và vật liệu với vốn điều lệ hơn 1.236 tỷ đồng, và người đại diện pháp luật là ông Trần Khanh. Trong đó, Công ty Cổ phần Tập đoàn Mặt trời (Tập đoàn Sun Group) là cổ đông sáng lập và nắm giữ gần 15% vốn.
Đây cũng là doanh nghiệp nắm giữ hàng loạt dự án lớn tại Đà Nẵng và đã phát hành nhiều đợt trái phiếu trong những năm qua. Điều đáng nói, Tập đoàn Sun Group thông qua hai công ty trực thuộc là Công ty TNHH Mặt Trời Hạ Long và Công ty cổ phần Địa Cầu đã xây dựng và trình lên chính quyền thành phố Hà Nội đề án “Đầu tư dự án Nhà hát Opera và Khu văn hoá thể thao đa năng Quảng An”.
Hiện, Công ty cổ phần Địa Cầu hiện có địa chỉ tại Tòa nhà Olalani, Lô A5 A8 A9, đường Trần Hưng Đạo, phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng.
Như vậy, dù chỉ mới thành lập được có một năm và chưa triển khai thực hiện được bất kỳ dự án nào, nhưng Công ty Cổ phần Mặt trời Hà Nam gần như đã đáp ứng khá đủ các điều kiện cơ bản từ vốn, kinh nghiệm mà tỉnh Hà Nam đưa ra đối với dự án này?
Theo tìm hiểu của ThuonggiaOnline, dự án đầu tư xây dựng Khu đô thị thời đại và đổi mới sáng tạo (PL-ĐT12.22) được đầu tư nhằm hình thành một khu đô thị mới hiện đại, đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội...
Theo kế hoạch, dự án sẽ đầu tư xây dựng toàn bộ các căn nhà tại các lô đất ở mới với tổng diện tích sử dụng đất khoảng 40,51ha, mật độ xây dựng 60-90%, tầng cao xây dựng 3-5 tầng. Đầu tư nhà ở xã hội khoảng 7,9ha, mật độ xây dựng 60-90%, tầng cao xây dựng từ 3-9 tầng.
Đất tái định cư diện tích khoảng 1,37ha. Sau khi hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật theo quy hoạch nhà đầu tư bàn giao cho cơ quan nhà nước quản lý để bố trí tái định cư theo quy định.
Đất hỗn hợp có chức năng ở (chung cư) kết hợp thương mại dịch vụ có diện tích khoảng 10,6ha, chiều cao từ 6-9 tầng, mật độ xây dựng 40-60%. Đất hỗn hợp không có chức năng ở (là công trình thương mại, dịch vụ, văn phòng, khách sạn,…) có diện tích khoảng 33,6ha, tầng cao từ 06-09 tầng và 10-20 tầng, mật độ xây dựng 40-60%.
Thời gian hoạt động của dự án là 50 năm. Dự kiến dự án sẽ được thực hiện từ năm 2022-2028 và tỉnh Hà Nam sẽ lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án theo hình thức đấu thầu.
Hà Nam yêu cầu nhà đầu tư thực hiện dự án phải có vốn chủ sở hữu tối thiểu 1.443,82 tỷ đồng (tối thiểu chiếm 15% tổng mức đầu tư) và vốn vay tối đa phải huy động là 8.181,65 tỷ đồng (tối đa chiếm 85% tổng mức đầu tư).