Bất động sản khu công nghiệp Việt Nam trước “cú đòn” Mỹ áp thuế

Không chỉ là đòn với hoạt động sản xuất – xuất khẩu, thuế đối ứng từ Mỹ có thể trở thành “cú đánh” khiến bất động sản khu công nghiệp Việt Nam mất đi lực hút vốn ngoại...

1605668762253-0-95-802-1379-crop-1605668767740-63741317249550.jpg
Thị trường bất động sản khu công nghiệp bị ảnh hưởng nếu Mỹ áp thuế cao

Ngày 2/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố thuế đối ứng nhiều nền kinh tế trên thế giới. Trong đó, Việt Nam nguy cơ chịu mức 46%, mức cao thứ 3, chỉ sau Campuchia 49% và Lào 48%.

Ngày 9/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết sẽ tạm dừng kế hoạch áp thuế đối ứng trong 90 ngày đối với hơn 75 nước vì đã không trả đũa và liên lạc để đàm phán. Việc gia hạn là một điều tích cực trong thời gian này, tuy nhiên, Việt Nam vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn trong giai đoạn tới.

Theo giới chuyên gia, bất động sản khu công nghiệp là phân khúc sẽ bị ảnh hưởng đầu tiên và rõ rệt nhất, nếu Mỹ áp thuế đối ứng cao cho Việt Nam.

TRONG THẾ KẸT GIỮA

Theo Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) việc Mỹ áp thuế cao cho Việt Nam, cũng là động thái tác động xuyên táo tới một số nền kinh tế. Khi mà thực tế có khá nhiều nhà đầu tư chọn Việt Nam “làm tổ” như một cách lách mức thuế bị áp. Như vậy, vô hình chung, Việt Nam đang trong thế “kẹt giữa”.

Là một phần của nền kinh tế, nếu mức thuế đối ứng như đã công bố được áp dụng, chắc chắn thị trường bất động sản cũng sẽ đứng trước nhiều thách thức. Trong đó, bất động sản công nghiệp, vốn được coi là ngôi sao hy vọng, luôn giữ vững đà tăng trưởng tốt trong suốt thời gian qua, là phân khúc nằm ngoài hiện trạng khó khăn chung của thị trường bất động sản, sẽ bị ảnh hưởng rõ rệt nhất.

VARS lý giải, nhiều nhà đầu tư vì mục đích “né thuế”, ưu tiên chọn Việt Nam là bến đậu sẽ cân nhắc lại chiến lược phát triển. Thay vì giữ nguyên hoặc mở rộng quy mô, sẽ cân nhắc đến phương án thu hẹp quy mô và tìm kiếm một bến đậu phù hợp hơn trong dài hạn.

Một số doanh nghiệp dự kiến đầu tư vào Việt Nam, cũng sẽ cân nhắc, hoặc là tạm ngừng kế hoạch vào Việt Nam, hoặc là cần thêm thời gian để “cân, đo, đong đếm”, so sánh Việt Nam với các quốc gia khác phù hợp hơn.

Điều này sẽ ảnh hưởng thiếu tích cực tới kế hoạch triển khai, phát triển các khu công nghiệp mới, các giai đoạn tiếp theo của các khu công nghiệp đã đi vào hoạt động.

thi-truong-bds-cong-nghiep-viet-nam-1-min.jpg
Bất động sản khu công nghiệp sẽ đối mặt thách thức

Chưa kể đến việc tăng thuế, sẽ khiến giá bán của các sản phẩm, hàng hóa thuộc diện bị áp thuế tăng lên, làm giảm sức cạnh tranh của sản phẩm nhập khẩu từ Việt Nam.

Từ đó, khiến cho kết quả xuất khẩu bị ảnh hưởng. Kéo theo đó là hàng loạt hệ lụy như các nhà máy, xí nghiệp phải giảm quy mô hoạt động, một lượng lớn người lao động bị mất việc làm. Điều này vô hình chung cũng khiến bất động sản đô thị gắn với các khu công nghiệp cũng sẽ hứng chịu các hệ quả tương đương.

Tuy nhiên, chuyên gia VARS cho rằng, đây là cơ hội vàng để Việt Nam thanh lọc hoạt động đầu tư sản xuất với phương thức coi Việt Nam là một nơi chỉ để gia công, lắp ráp thành phẩm.

Đồng thời, tạo động lực khai thác thị trường mới bên cạnh thị trường Mỹ; kêu gọi đầu tư chất lượng và giá trị cao, từ ngay chính nước Mỹ. Những mặt hàng mà Mỹ không khuyến khích đầu tư trong nước.

“Nắm bắt cơ hội thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp nội địa, trên cơ sở lắp ráp vào chỗ trống của các doanh nghiệp nước ngoài, khi họ rút khỏi Việt Nam. Nhằm nâng cao khả năng sản xuất và hiệu quả cho doanh nghiệp nội”, VARS cho hay.

NHẬN DIỆN SỚM RỦI RO

Chia sẻ với báo chí, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết, dù ngành bất động sản không trực tiếp tham gia vào hoạt động xuất khẩu, nhưng nếu Mỹ thực sự áp mức thuế cao, những tác động lan tỏa, đặc biệt là về trung và dài hạn là điều khó tránh khỏi.

Phân khúc đầu tiên chịu ảnh hưởng sẽ là bất động sản công nghiệp. Thực tế, các khu công nghiệp của Việt Nam đang thu hút lượng lớn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Nếu các doanh nghiệp FDI cắt giảm đầu tư hoặc rút khỏi thị trường Việt Nam, nhu cầu thuê đất, nhà xưởng sẽ sụt giảm đáng kể. Đây là mối lo lớn bởi bất động sản công nghiệp vốn được xem là điểm sáng của thị trường trong nhiều năm gần đây.

Ông Châu cho rằng, doanh nghiệp nhận diện sớm rủi ro là một lợi thế. Theo đó, doanh nghiệp không nên hoảng loạn mà cần tiếp tục triển khai các kế hoạch đã định, đồng thời giữ vững sự linh hoạt, chủ động quan sát thị trường và tìm hướng đi phù hợp cho chính mình.

Không chỉ khu công nghiệp, các khu vực gần khu công nghiệp cũng bị tác động lớn. Trong báo cáo vừa công bố, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cũng nhận định, bất động sản quanh khu công nghiệp có mức độ ảnh hưởng cao từ thuế quan Mỹ.

Trong ngắn hạn, thuế đối ứng cao khiến các doanh nghiệp FDI có tỷ trọng xuất khẩu sang Mỹ cao sẽ xem xét rút khỏi Việt Nam để tránh làm tăng chi phí. Họ sẽ chuyển hướng sang các nước có mức thuế quan đối ứng thấp hơn. Điều này sẽ khiến nhu cầu nhân công giảm, đồng thời kéo theo cả hệ sinh thái dân cư và nhà ở xung quanh.

Về dài hạn, thị trường suy yếu rõ nếu FDI trong tương lai giảm mạnh và không có dòng vốn thay thế; lực lượng nhân công và chuyên gia ít đi, khiến nhu cầu ở thực giảm đáng kể.

anh-man-hinh-2025-04-11-luc-115105.png

VDSC cho rằng, phân khúc quanh khu công nghiệp bắt đầu chịu tác động sớm và sẽ bắt đầu trở nên rõ rệt từ năm 2026, khi các hợp đồng thuê mới suy giảm, các doanh nghiệp FDI có xu hướng dịch chuyển dần sang các quốc gia khác có lợi thế thuế hơn.

Từ đó kéo theo suy giảm nhu cầu tuyển dụng lao động mới và nhu cầu chỗ ở tại các khu vực lân cận khu công nghiệp, ảnh hưởng đến tỷ lệ hấp thụ của các dự án dân cư quanh khu công nghiệp.

Xem thêm

Tìm “cửa” giúp người trẻ sớm có nhà

Tìm “cửa” giúp người trẻ sớm có nhà

Người trẻ cần nhà ở, nhưng các dự án nhà giá rẻ gần như vắng bóng, nếu không có giải pháp kịp thời, thế hệ trẻ có nguy cơ bị gạt khỏi thị trường bất động sản....

Có thể bạn quan tâm