Đã từ lâu, ở Việt Nam nói riêng và cả thế giới nói chung, hình thành một giới (có thể gọi vui mà đúng bản chất) là những “phi đội gà bay”, các lữ khách nghiện “xê dịch” và siêu lãng mạn, họ “bay lượn” theo từng cánh chim trời. Từng mùa chim di cư trên vỏ trái đất. Để chiêm ngưỡng và ghi lại những khoảnh khắc đắm say của chúng.
Những lữ khách nghiện “xê dịch”, “bay lượn” theo từng cánh chim trời đã có những đóng góp quyết liệt trong bảo tồn chim hoang dã, từ việc theo dõi, tố cáo các đường dây, các hình thức sai phạm lớn liên quan đến lĩnh này.
Những bức ảnh trác tuyệt, nhiều công trình sáng tạo để đời của họ đã khiến những kẻ bắt, bẫy, giết chóc, đưa chim trời vào thực đơn “Nhà hàng Đặc sản” đã phải giật mình nhìn lại: Các “sứ giả bầu trời” đẹp tiên cảnh như thế, mình đối xử tệ bạc thế, thì mình là loại gì?
Ở ĐÂU CÓ CHIM, Ở ĐÓ CÓ “PHI ĐỘI GÀ BAY”
Đôi lúc tôi vẫn tự nhủ, 30 năm làm báo, đồng sáng lập và điều hành nhiều dự án, diễn đàn báo chí về bảo vệ thiên nhiên, động vật hoang dã, có lẽ chuyến đi thực tế dài nhất cho một chủ đề của tôi đã xuất hiện: Chim trời! Trời ạ, hàng nghìn ngày qua, tôi đã gần như liên tục điều tra, kiến nghị, vận động chính sách lên đến các Bộ, ngành và Chính phủ, nhằm bắt giữ các trùm buôn bán, bẫy bắt, giết mổ, tàng trữ trái phép chim trời; rồi tôi vác các cỗ máy đắt tiền đi dọc Việt Nam và nhiều quốc gia để chụp ảnh các loài chim - tôi gọi là những “sứ giả bầu trời”.
Đi ngày, đi đêm, những chuyến đi nối tiếp nhau, hao tốn sức khoẻ và tiền bạc nhất trong suốt 30 năm làm báo, chúng tôi (nhóm quan tâm tới chim trời) đã tập hợp nhau lại, thành lập Chi hội Nghiên cứu và Bảo tồn Chim hoang dã Việt Nam.
Có thẻ cấp cho thành viên. Có điều lệ hoạt động ở tầm quốc gia, với nhiều chuyên gia với học hàm học vị đáng tự hào; với đông đảo các nghệ sỹ chụp ảnh chim thú hoang dã chắc chắn nằm trong top đầu Việt Nam. Các cuộc điều tra, kiến nghị, các cuộc triển lãm ảnh chim hoang dã của chúng tôi đều ở mức kỷ lục về quy mô và về... tính chất - lần đầu tiên được biết đến ở Việt Nam.
Và, như trên đã mô tả: Chúng tôi như những lữ khách nghiện xê dịch. Hơn 900 loài chim, 13 loài đặc hữu không ở đâu có ngoài lãnh thổ Việt Nam, hầu hết đã được chúng tôi chụp, tôn vinh. Và đó là những hành trình nhọc nhằn, tốn kém, thậm chí tiêu tốn cả tuổi trẻ, và nói không ngoa là, cả đời đam mê của nhiều điệu hồn khả kính. Rất nhiều người đã cảm thấy vô lý về sự thật này, đặc biệt là những kẻ chỉ coi chim trời các loài là đặc sản trên bàn tiệc.
Nhưng đó là sự thật.
Hễ ở đâu có chim, là “phi đội gà bay”, chúng tôi liền “tổ chức đại hội”. Tức là tất cả những người thu xếp được thời gian, tài chính và sức khoẻ đều có mặt, “chung vui” bữa tiệc ngắm/chụp ảnh chim hoang dã.
Có khi một đàn đại bàng đầu đầu nâu, rồi đại bàng đen... bay từ Tây Tạng về Bắc Giang, ven sông Lục Đầu Giang. Chúng to bằng con ngỗng trời. Chúng kiêu hãnh, kiêu hùng và quý phái đến từ nóc nhà thế giới Tây Tạng. Một vẻ đẹp kinh điển của chim săn mồi. Trong sương mờ lúc sáng sớm hoặc sẩm chiều, chúng tôi rình ở hai bên bờ sông Lục Nam, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang.
Những “phi đội gà bay”đã hết lòng yêu thiên nhiên hoang dã, tác phẩm của họ có sức truyền cảm hứng bảo vệ thiên nhiên, có sức công phá chống lại tội phạm môi trường.
Bản thân họ, với hoạt động xã hội tích cực của mình, đã góp phần không nhỏ nâng cao nhận thức, vận động chính sách, tất cả đã tạo nên những hiệu ứng đáng tự hào cho đa dạng sinh học của địa cầu.
Và vì một cộng đồng tốt đẹp hơn. Bởi, thiên nhiên hoang dã, sự bền vững của môi trường sống, chính là tay nôi nhân ái nhất, là tấm áo giáp kỳ diệu nhất, bảo vệ sự sống cho hành tinh này.
Đại bàng săn mồi thì quá lão luyện trong việc đi rình các loài khác. Một con chuột nhắt lẩn lút ở đám cỏ hôi lúp xúp, cách chỗ đại bàng đậu 400m, từ nhành cây không cao lắm, chúng còn phát hiện ra, huống hồ các ông vác máy ảnh nặng ngót chục cân, ống kính chĩa lên như nòng pháo. Thế là một lần chim bay từ xóm mạc ở bờ sông Lục Nam bên này, vèo cái sang cánh đồng hoang vắng bên kia: cánh nghệ sỹ lại phải xe máy, ô tô, men theo các bờ ruộng, chân đê, đi vòng gần 20km - vượt qua cây cầu ọp ẹp vừa cho tàu hoả và các loại loại phương tiện đi qua - mà... tìm (tìm em như thể tìm chim!).
Mùa cày ải, đang trong cuộc tìm kiếm loài chim tinh ranh bay hàng chục nghìn cây số di cư ghé qua đất Việt, chúng tôi lại nhận tin từ Thánh Chim (người có biệt tài tìm chim vừa ở TP.HCM bay ra) là có loài cú lửa từ Siberia (Viễn Đông nước Nga) mới ghé thăm huyện Việt Yên, cũng tỉnh Bắc Giang. Cách chỗ chụp “đại bàng Tây Tạng” chỉ vài chục cây số. Tiện thể... đi luôn.
Bới đất lật cỏ là công việc nhọc nhằn của người nông dân miền quê quan họ (xưa 2 tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh thuộc chung một tỉnh Hà Bắc). Cày xong, màu đất trùng khít với màu lông và màu mắt của cú lửa - vị khách phương xa mang vẻ đẹp hiệp sỹ, đồng thời là một bậc thầy nguỵ trang.
Chim cú ban ngày lơ mơ ngủ. Máy cày chạy bành bạch nhả khói đen kịt xung quanh, cú lửa cũng chả thèm bay. Một gã nhỏ thó như tôi, gào thét hay xua đuổi, có khi dẫm suýt trúng cú lửa, cũng chả phát hiện ra được. Khó tìm và khó chụp lắm.
Thế là tất cả chúng tôi bàn nhau: Tập hợp thành đội, dàn hàng ngang, đi tìm chim cú. Vạch cỏ, rình mò, dẫm lên đất đổ ải. Sải đôi cánh vàng ươm, đôi mắt chim cú như cục lửa vừa cháy vừa bay, ngoái lại quan sát sau khi bị đánh thức bất chợt... Các cỗ máy một lần bấm máy hiện ra 30 hoặc 50 ảnh cùng đồng thanh chớp lấy từng khoảnh khắc vi diệu nhất.“Phi đội gà bay”hỉ hả mở tiệc ven bờ cỏ: sự thành công của bất cứ thành viên nào cũng có đóng góp của những người còn lại.
Hoạt động hội nhóm nhiều khi là không thể thiếu khi chụp ảnh chim trời trên các ngọn núi cao hoang vu hoặc những địa bàn xuyên quốc gia. Các chuyến đi Mù Cang Chải (tỉnh Yên Bái), hoặc nóc nhà vùng Đông Bắc, núi Phia Oắc (huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng); rồi vùng giáp biên giới Việt Lào, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An; núi Ngọc Linh vời vợi (tỉnh Kon Tum)...
Họ phải đi rất xa, bằng máy bay, ô tô, xe máy, đi bộ leo núi. Có khi, người của 3 miền Bắc Trung Nam hẹn nhau ở một sân bay nào đó, thuê xe, thuê lều bạt, leo núi, sống trong sương mù của vùng biên ải Kỳ Sơn cả tuần. Đi nhóm thì chi phí cũng sẽ được “Căm pu chia” rẻ hơn nhiều; đồng thời hỗ trợ nhau leo trèo và cứu giúp nhau khi gian khó.
NHỮNG NGƯỜI ĐƯỢC THIÊN NHIÊN HOANG DÃ “BỎ BÙA”
Tôi nhiều lần đi chụp chim ở Tây Nguyên, Tây Bắc với nhiều “cụ” cao niên, từng vào sinh ra tử đánh Đế quốc Mỹ bảo vệ non sông. Có cụ 87 tuổi vẫn vác máy ảnh nặng như đá đeo ngày nọ qua ngày kia theo chân đám lực điền vâm váp chúng tôi.
Tất nhiên, các thành viên trong đoàn luôn kính trọng và giúp đỡ các cụ. Trưa, ăn cơm hộp đựng trong túi nhựa, chiều, bật cái bếp ga gấp gọn bé bằng nắm tay lên đun nước rồi thả vào cốc mỳ tôm giấy. Tối, đi chụp chim cú, trời tối đen như mực, vác chân máy và máy nặng như đá đeo.
Tôi cứ thắc mắc, đôi mắt vốn đã cận lại vào tuổi “lão” của tôi, đọc một cái tin trong điện thoại phải di nó xa con mắt bốn chục xăng ti mét như kiểu hội trưởng các cụ đọc sớ trên đình làng.
Vậy mà các cụ “nghiền chim” vẫn chụp chim ban ngày, chụp cú ban đêm choanh choách. Có cụ làm rơi máy, phải bay về Hà Nội sửa rất tốn tiền. Nhiều cụ tai điếc phải đeo máy trợ thính, lúc đi ô tô mới thuê (xe lạ), máy sắp hết pin nó kêu váng trời, tất cả hoang mang không hiểu điều gì đang xảy ra. Cứ nghĩ cái xe đời mới mà nó sắp nổ, bảo nhau gọi cho nhà xe thắc mắc. Cụ thì điếc nên không nghe được tiếng kêu ấy. Tất cả được phen hoảng hồn.
Có khi, rình cả ngày con chim quý và hiếm mới về vùng Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng. Giữa rừng tĩnh mịch, ai nấy tim nhảy nhót trong lồng ngực như con chim nhí nhảnh, khi mà đột ngột vợ chồng chim xinh đẹp xuất hiện. Chúng tôi ra hiệu, đừng chụp vội, kẻo tiếng cò máy lách tách làm chim nó sợ.
Rất nhiều lần đi chụp ảnh, quay phim các loài chim quý, chúng tôi đã gặp vô thiên lủng những lớp lưới mờ giăng mắc, trên đó vô số xác chim quý bị chết khô.
Cánh bắt chim, thấy các con chim lạ nhỏ bé quá (bất biết là chim quý mà cả thế giới đang bảo vệ) nên chả thèm mang đi bán, họ chờ loài nào đó to hơn, bị bắt nhiều hơn thì tiện thể đi gỡ lưới (mới đáng đồng tiền bát gạo).
Để chim nó ra cành cây đẹp hẳn hoi đi. Vừa ra hiệu, ông cụ điếc bèn bô bô: “Thôi, tối rồi, chim chả về thì ta về. Tối hôm qua ăn bánh mỳ que ngon quá!”. Rồi “cụ điếc” (chúng tôi vẫn gọi vui thế một cách thương mến) cười vang rừng... Rất may đang mùa bắt cặp, đôi chim dù tinh ranh cỡ nào,“cơn say nắng” vẫn làm chúng chả để ý tới ai xung quanh nữa.
Có khi ngay ở Hà Nội, đàn chim về ven sông Hồng, khu vực Yên Mỹ (huyện Thanh Trì), Lĩnh Nam (quận Hoàng Mai), chúng tôi tụ hội nhiều tỷ đồng tiền máy ảnh xếp la liệt và im lặng chờ chim chóc.
Có khi một ngôi đền ở Hồ Trúc Bạch, có khi một rặng cây bồ đề có quả chín vàng thu hút chim Tu hú với lớp lông đen trắng xếp hình vảy tuyệt đẹp ở Tứ Hiệp, có khi chim thiên đường trắng lảng vảng ở khu vực Lĩnh Nam, lúc thì chim hút mật ngực tím về rặng cây hoa ban ở cổng chùa Yên Mỹ. Thế là tất cả các “hiệp sỹ” mê chim trời có mặt, trừ những người quá bận, hay sức khoẻ kém.
Và thi thoảng lại có một “cơn sốt” ngoài đời thực của giới mê chim chóc cả nước, cũng như cơn sốt trên mạng xã hội của cộng đồng chụp chim và người hâm mộ. Có khi, mở mạng xã hội mà bạn (người mê chim hoang dã) kết nối ra: ngày qua ngày chỉ một loài chim được chụp bởi những người khác nhau. Con Nhát hoa về vùng Bà Rịa, con Phượng hoàng đất (giẻ cùi) làm tổ ở Thảo Cầm Viên, một chú Nuốc đỏ áo xống xênh xang mớ ba mớ bảy nuôi con ở Đồng Nai hay chao liệng của tán rừng ở Di Linh.
Hà Nội cũng góp mặt với chú chim Tu hú đẹp sang trọng về ngụ cư ít ngày ở cây bồ đề rồi cây đa ở Tứ Hiệp, ven cái quán bia sạch sẽ của con hồ sinh thái lãng mạn.
Chim Thiên đường trắng làm điên đảo giới mộ điệu, nó về theo cặp, lông đuôi dài như một dải lụa trắng ở cách sân bay Phù Cát, tỉnh Bình Định vài giờ đi ô tô và hai giờ đi bộ. Chim hút mật họng tím về ven sông Hồng.
Thế cũng đã đủ để các con đường đỗ thẳng hàng tới vài chục cái ô tô của giới mê chim. Bất chấp mưa gió, các “tao nhân mặc khách”, các cỗ máy đắt tiền cùng chĩa lên theo sát từng cú nhảy, vỗ cánh hay cái liếc mắt lo toan của bạn chim bao năm bị cầm tù, nay vừa được phóng thích.
Có người đi tìm chim mang theo loa, theo vài con sâu gạo ngo ngoe. Có người mang theo cả một con rết to bằng ngón tay cái, treo nó lên cành cây cao; có người chuẩn bị sẵn bộ lòng gà đã bốc mùi (mà phải bốc mùi mới được).
Có chị ngày nào cũng mang cá, tôm, và đặc biệt là trạch đồng ra để chăm lũ chim nước ngoài khu hồ xanh lơ ở Hoài Đức, Hà Nội (trong khi ông chồng thèm một nồi trạch kho thì bao năm chị vẫn khất lần). Bởi không cho chim cò ăn một lần thì nó có thể bỏ đi luôn, còn ông xã thì nửa thế kỷ vẫn còn đó, lo gì.
CHÀO NHỮNG “CÁNH ÉN MÙA XUÂN”
Mùa chim di cư năm 2024 bắt đầu, nhiều nơi, các “phi đội gà bay” tổ chức triển lãm ảnh, hội nghị, hội thảo “chào đón chim di cư”, ít lâu sau lại “tạm biệt chim di cư” như một nghi lễ. Họ làm tất cả, tự tâm, không khoa trương và phi lợi nhuận.
Tại các “bến đỗ chim di cư” nổi tiếng như Vườn Quốc gia Xuân Thuỷ (tỉnh Nam Định) hay vùng Gò Công (tỉnh Tiền Giang)... dân chụp ảnh và quan sát chim có khi lội bùn cả buổi, đem cả săm xe ô tô bơm đầy hơi ra làm phao đặt máy ảnh và người chụp bám vào để nổi ven bờ nước, nhằm rình bắt được những khoảnh khắc tuyệt vời của loài chim cả thế giới chỉ có vài trăm cá thể.
Tôi cùng lão nghệ sỹ nhiếp ảnh nổi tiếng Tăng A Pẩu; Chuyên gia bảo tồn Nguyễn Hoài Bảo (Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia TP.HCM); Nhà báo, Đạo diễn Nguyễn Tài Văn (VTV2, Truyền hình Việt Nam, Văn và ê kíp mang theo cả ống kính máy quay siêu zoom trị giá 1 tỷ đồng) từng “dầm bùn” ở Gò Công, tỉnh Tiền Giang... để ngắm chim di cư.
Và cứ như thế, mỗi năm vào những ngày này, khi nhiều miền đất chìm trong băng giá thì những đàn chim như những vị khách phương xa lại sà về đây, cho những “phi đội gà bay”, “nghiện xê dịch” lịch kịch kéo nhau lên đường.
Còn đó, các thiên đường hoang dã ở Úc, ở Mỹ, ở Trung Mỹ, Papua New Guinea, Tây Tạng và Bắc Âu lại vẫy gọi... (chuyện sẽ kể vào một dịp khác).