Chỉ số Cạnh tranh Công nghiệp của Việt Nam xếp thứ 42 toàn cầu

Theo Báo cáo Chỉ số Cạnh tranh Công nghiệp của UNIDO , Việt Nam xếp thứ 42 trên toàn cầu và thứ 5 trong nhóm các nước Nam và Đông Nam Á.
Chỉ số Cạnh tranh Công nghiệp của Việt Nam xếp thứ 42 toàn cầu

Theo Báo cáo Chỉ số Cạnh tranh Công nghiệp (CIP) của Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hiệp quốc (UNIDO), năm 2018, Việt Nam xếp thứ 42 trên toàn cầu và thứ 5 trong nhóm các nước Nam và Đông Nam Á.

Chỉ số này cho thấy sự cải thiện đáng kể của Việt Nam từ vị trí thứ 69 vào năm 2006. Tuy nhiên giá trị gia tăng của ngành chế biến chế tạo của Việt Nam trong năm 2016 chỉ chiếm 14,3% tổng giá trị quốc nội (GDP), giảm so với năm 2006 (19,4%) trong khi tỷ lệ này của khu vực Đông Nam Á là 20,9%.

Trên cơ sở đó, ngày 22/10, Bộ Công Thương lần đầu tiên giới thiệu Sách trắng về Công nghiệp Việt Nam năm 2019. Đây là một trong những nỗ lực của Bộ nhằm hướng tới thực hiện Nghị Quyết số 23-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Cụ thể, Sách trắng Công nghiệp Việt Nam đã phân tích và đánh giá hiện trạng của ngành công nghiệp chế biến chế tạo và chỉ ra những nút thắt, các vấn đề bất cập cần phải khắc phục ở cấp vĩ mô và cấp ngành.

Thứ Trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho rằng: “Sách trắng giúp các nhà hoạch định chính sách, các nhà nghiên cứu, cộng đồng doanh nghiệp có được thông tin hữu ích về các ngành công nghiệp Việt Nam và là công cụ hữu hiệu trong quá trình phân tích, hoạch định chính sách công nghiệp.”

Sách trắng này được xây dựng trong khuôn khổ Dự án “Hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong việc xây dựng chiến lược ngành công nghiệp và các chính sách liên quan thông qua xây dựng năng lực thể chế,” do Hàn Quốc tài trợ, Bộ Công Thương và UNIDO thực hiện từ năm 2016.

Trước đó, Dự án cũng giới thiệu và tập huấn cách sử dụng bộ công cụ “Tăng cường Chất lượng Chính sách Công nghiệp” – EQuIP (do UNIDO và GIZ của Đức xây dựng). EQuIP đưa ra các phương pháp chuẩn đoán công nghiệp và thiết kế chiến lược; cung cấp bộ công cụ phân tích dữ liệu công nghiệp, có tính đến cả khía cạnh xã hội và môi trường để xây dựng chính sách công nghiệp năng động dựa trên bằng chứng.

“Chúng tôi hy vọng rằng bộ công cụ EQuIP và Nền tảng Phân tích Dữ liệu Công nghiệp (IAP) của UNIDO sẽ được các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam tiếp tục sử dụng để xây dựng các chính sách và chiến lược phát triển công nghiệp bền vững và bao trùm, đánh giá hiệu quả thực hiện dựa trên bằng chứng,” bà Lê Thị Thanh Thảo chia sẻ, Đại diện quốc gia văn phòng UNIDO tại Việt Nam chia sẻ.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm