Theo phản ánh của nhiều cư tri trong buổi tiếp xúc với Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi và tổ đại biểu Quốc hội TP.HCM đơn vị 9, thị trường bất động sản hiện nay đang diễn biến phức tạp. Có hiện tượng các "đại gia", cò đất dùng các thủ đoạn, chiêu trò nhằm “bơm bong bóng” cho thị trường này, cung cấp nhiều thông tin sai lệch gây nhiễu loạn thị trường, đẩy giá đất lên cao.
Chưa kể việc sau khi trúng thầu, thị trường nhiễu loạn, giá đất ở các khu được đẩy lên cao bất thường, tạo ra hiện tượng sốt ảo, thiết lập mặt bằng giá cao, ảnh hưởng quá trình triển khai các dự án khác, gây ảnh hưởng đến kinh tế, an ninh, xã hội, cho thấy bất cập trong việc đấu giá đất.
Thông tin về việc các huyện sẽ lên quận hoặc lên thành phố cũng được giới bất động sản tận dụng, "thổi phồng" để đẩy giá đất và thực tế, nhiều nơi đã xảy ra hiện tượng sốt nóng khi giá đất tăng chóng mặt.
Trả lời các cử tri, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi khẳng định sẽ yêu cầu địa phương tuyên truyền, quản lý đất đai, không để huyện chưa lên quận đã sốt đất, gây khó cho triển khai dự án sau này. Bởi huyện chưa lên quận, giá đất đã tăng cao sẽ gây khó cho công tác quy hoạch, thu hồi để thực hiện công trình công cộng.
Ông cho biết: Đề án chuyển 5 huyện Nhà Bè, Hóc Môn, Bình Chánh, Củ Chi và Cần Giờ lên quận hoặc thành phố đang được Sở Nội vụ soạn thảo, dự kiến trình HĐND TP.HCM vào kỳ họp giữa năm nay.
Dựa vào 30 tiêu chí như dân số, diện tích, kinh tế - xã hội, hạ tầng đô thị..., Sở Nội vụ đánh giá Bình Chánh đạt nhiều tiêu chí nhất (26), tiếp đến là Nhà Bè, Củ Chi (23), Hóc Môn (22) và Cần Giờ (19).
Tuy nhiên, theo Chủ tịch Phan Văn Mãi, việc xây dựng đề án là định hướng phát triển tương lai của thành phố, không phải năm nay ban hành, năm sau huyện lên quận và thành phố ngay. Việc thực hiện cần có kế hoạch, lộ trình và phải cập nhật vào quy hoạch, có giải pháp cụ thể.
Ông đề nghị lãnh đạo huyện Nhà Bè và Q.7 quan tâm tuyên truyền thông tin về quản lý đất đai và gợi ý học tập kinh nghiệm của Củ Chi ban hành chỉ thị về kế hoạch liên quan lĩnh vực này. Bên cạnh đó, địa phương cần công khai phương án sử dụng đất năm 2022 mà UBND TP.HCM đã phê duyệt để người dân biết, thực hiện đúng và giám sát.
Cũng tại buổi tiếp xúc, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết tình trạng dự án chưa có nhưng người đã rao bán nhà, hoặc thông tin không chính xác về dự án để đẩy giá tăng hiện đã được sở kiểm soát thông qua kế hoạch sử dụng đất từng năm được TP.HCM phê duyệt.
Theo đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường, ngoài pháp lý, thành phố cũng đưa ra bảng giá đất và hệ số điều chỉnh việc thu hồi đất làm công cụ quản lý, người dân sẽ có cơ sở so sánh. Nhà đầu tư không thể đưa ra mức giá "vượt hết mọi mặt bằng", chưa đúng giá thực tế của dự án, khiến người mua thiệt thòi.
Như năm 2022 huyện Nhà Bè được thành phố duyệt 86 dự án thì các công trình này mới đủ điều kiện pháp lý để triển khai. Như vậy, bất kỳ tổ chức, cá nhân nào thông tin dự án đã đủ điều kiện bán, người dân có thể đối chiếu qua kế hoạch sử dụng đất này kiểm tra tính hợp pháp.
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cũng cho biết Hội nghị Trung ương 5 khoá XIII đã tổng kết nghị quyết về đất đai, cho các chủ trương lớn nhằm quản lý tốt và sử dụng có hiệu quả nguồn lực đất đai, đảm bảo quyền lợi của người dân.
Đoàn Đại biểu Quốc hội, UBND TP và các sở, ngành đã có những kiến nghị cụ thể cho Trung ương liên quan đến việc này. Sau Hội nghị Trung ương 5, Trung ương sẽ tập trung sửa đổi dự án Luật Đất đai và các luật có liên quan.
“Đây là vấn đề rất lớn, rất phức tạp nên lộ trình sẽ mất thêm thời gian. Được biết, việc này sẽ được bàn qua ba kỳ họp Quốc hội, cuối năm nay, giữa năm sau và nếu chuẩn bị tốt thì có thể sẽ thông qua Luật Đất đai sửa đổi vào cuối năm 2023”- ông Mãi nhấn mạnh.