HoREA đề xuất Thủ tướng Chính phủ sử dụng công cụ thuế để “đặc trị” sốt đất

Theo HoREA, thủ phạm chính của các đợt sốt đất là giới “đầu nậu, cò đất, doanh nghiệp bất lương” thực hiện các thủ đoạn tung tin đồn để “thổi giá”, trục lợi bất chính và trong một số trường hợp đã có sự móc nối, tiếp tay, “chống lưng” của cán bộ cơ sở.

Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất một số giải pháp để “đặc trị” cơn sốt đất đang bùng phát ở nhiều địa phương. Theo HoREA, kể từ năm 2017, thị trường bất động sản lặp đi lặp lại nhiều đợt sốt đất, nhất là cơn sốt đất xảy ra liên tiếp trên diện rộng hiện nay, gây ra nhiều hệ quả tiêu cực.

Đáng quan ngại là khi cơn sốt đất xẹp xuống, nhiều nhà đầu tư cá nhân lướt sóng theo đám đông do thiếu vốn phải vay với lãi suất cao, lại không có đủ thông tin và kỹ năng, nên đã sập bẫy, bị thua lỗ nặng nề, thậm chí lâm vào cảnh nợ nần chồng chất, “trắng tay”. Nhiều khu đất trở thành hoang hóa.

Giá đất ở một số địa phương bị đẩy lên quá cao so với giá trị thực, thiết lập mặt bằng giá mới, tác động tiêu cực đến môi trường đầu tư, gây khó khăn trong việc thu hút các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư lớn.

HoREA nhận định: Ngoài “thủ phạm chính” là giới đầu cơ, cò đất, doanh nghiệp bất lương, còn có nguyên nhân là tình trạng sụt giảm mạnh về nguồn cung dự án nhà ở, thiếu sản phẩm nhà ở, nhất là rất thiếu căn hộ có giá vừa túi tiền (tầm trên dưới 35 triệu đồng/m2; giá căn hộ 2 phòng ngủ khoảng trên dưới 2 tỷ đồng), hoặc nhà ở thương mại giá thấp (tầm 20-25 triệu đồng/m2; giá căn hộ 2 phòng ngủ khoảng trên dưới 1,5 tỷ đồng), nhất là rất thiếu loại căn hộ nhà ở xã hội.

“Tình trạng thiếu hụt nguồn cung, do các dự án nhà ở (mới) không được phê duyệt do bị “ách tắc” thủ tục đầu tư xây dựng, vô hình chung đã tạo lợi thế cho một số doanh nghiệp đã có sẵn dự án, có sẵn sản phẩm nhà ở “áp đảo” thị trường, “áp đặt” được giá bán và đạt lợi nhuận rất cao, thậm chí là “siêu lợi nhuận”, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA nhấn mạnh.

Trước tình trạng này, HoREA đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét các giải pháp “đặc trị” sốt đất và bình ổn giá nhà, trong đó nhấn mạnh đến việc sử dụng hiệu quả công cụ thuế và ban hành thuế bất động sản.

Cụ thể, HoREA đề xuất đánh thuế thu nhập với thuế suất rất cao đối với hành vi bán, chuyển nhượng lại nhà, đất ngay sau khi tạo lập, để triệt tiêu ý chí “đầu cơ” của nhà đầu tư “lướt sóng” (vì không còn có thể đạt được mục tiêu lợi nhuận như kỳ vọng), trong trường hợp thị trường bất động sản có dấu hiệu bị đầu cơ, sốt nóng “bong bóng”.

Đề xuất xem xét, quy định mức thuế suất rất cao nếu bán, chuyển nhượng lại nhà, đất trong năm đầu tiên và giữ mức thuế suất cao trong năm thứ hai, thứ ba. Các trường hợp bán, chuyển nhượng nhà, đất sau khi tạo lập được 03 năm, hoặc chứng minh được nhu cầu bán, chuyển nhượng nhà, đất là chính đáng, thì áp dụng thuế suất bình thường. Như vậy, sắc thuế này sẽ không ảnh hưởng đến người mua nhà để ở, có nhu cầu tạo lập nhà ở thực.

Đồng thời đề xuất đánh thuế người sở hữu nhiều nhà đất theo nguyên tắc: Người sở hữu nhà đất dùng để ở thì chịu mức thuế thấp nhất. Người sở hữu nhiều nhà đất mà không dùng để ở, hoặc không sử dụng để sản xuất, kinh doanh, thì chịu mức thuế suất lũy tiến tùy theo số lượng nhà đất sở hữu. Trong trường hợp thị trường bất động sản bị đầu cơ thì có thể áp dụng thuế suất rất cao để triệt tiêu ý chí đầu cơ.

Sắc thuế này sẽ điều chỉnh và định hướng hành vi mua, bán, chuyển nhượng nhà, đất trên thị trường bất động sản hướng đến mục tiêu phát triển lành mạnh, ổn định, vừa đáp ứng đúng nhu cầu thực (mua nhà để ở) của người tiêu dùng, vừa đáp ứng nhu cầu đầu tư kinh doanh của nhà đầu tư thứ cấp (mua nhà đất để đầu tư, cho thuê), vừa vẫn giải quyết được nhu cầu cất giữ tài sản bằng nhà, đất của người dân.

HoREA cũng đề đánh thuế cao người chậm đưa đất vào sử dụng. Theo HoREA, hiện nay, pháp luật về đất đai quy định người sử dụng đất được gia hạn 24 tháng kể từ ngày hết hạn sử dụng đất và phải nộp bổ sung khoản tiền trong thời gian được gia hạn theo quy định của Bộ Tài chính. Nhưng, chế tài này chưa đủ sức răn đe, chưa ngăn chặn tình trạng chậm đưa đất vào sử dụng, vì khả năng lợi nhuận thu được sau này sẽ thừa bù đắp khoản tiền phải nộp bổ sung.

Do vậy, cần có sắc thuế đánh trên hành vi của người sử dụng đất chậm đưa đất vào sử dụng, với thuế suất cao nhằm triệt tiêu ý chí “găm giữ” đất, chậm đưa đất vào sử dụng và để chống đầu cơ đất đai.

Hiệp hội cũng đề xuất ban hành “thuế bất động sản”. Hiện nay, người sở hữu nhà chưa phải nộp thuế tài sản nhà ở, mà mới chỉ phải nộp “thuế sử dụng đất phi nông nghiệp”, trong đó có “đất ở” với thuế suất đối với “đất ở” trong hạn mức là 0,03% bảng giá đất, nên mức nộp thuế rất thấp, gần như không đáng kể.

Vì vậy, Hiệp hội nhất trí với đề xuất của Bộ Tài chính về việc cần thiết xem xét ban hành “thuế bất động sản” đánh trên giá trị nhà và đất, để tạo nguồn thu ổn định và bền vững cho ngân sách nhà nước. Nhưng Hiệp hội đề nghị cân nhắc kỹ thuế suất, để đảm bảo phù hợp với thu nhập phổ biến của số đông cá nhân, hộ gia đình là người có thu nhập trung bình, có thu nhập thấp ở nước ta.

Tuy nhiên, để không xảy ra tình trạng “thuế chồng thuế” thì cần phải thay thế phương thức thu “tiền sử dụng đất” hiện nay đang là gánh nặng cho người mua nhà tại các dự án nhà ở (đối với dự án nhà chung cư, tiền sử dụng đất chiếm khoảng trên dưới 15% giá thành căn hộ) và cũng là gánh nặng cho người thực hiện thủ tục hợp pháp hóa quyền sở hữu nhà ở (xin cấp “sổ đỏ”).

“Hiệp hội đề xuất thay thế thu “tiền sử dụng đất” bằng “thuế đánh trên hành vi chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp thành đất ở”, với thuế suất rõ ràng, vừa góp phần làm giảm giá thành dẫn đến làm giảm giá bán nhà, vừa minh bạch và loại trừ cơ chế “xin-cho” hiện nay”, văn bản nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, HoREA cũng đề xuất sử dụng hiệu quả công cụ tiền tệ - tín dụng bằng việc kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào bất động sản; Giảm tỷ lệ cho vay tín dụng mua bất động sản để kiểm soát đầu tư “lướt sóng”; Kiểm soát chặt “tín dụng tiêu dùng”, ngăn chặn việc chuyển một phần nguồn vốn vay xây nhà, sửa nhà, mua nhà, để “lướt sóng” khi thị trường bất động sản sốt nóng “bong bóng”; Kiểm soát chặt chẽ nguồn “tiền bẩn” mua bất động sản để “rửa tiền”…

Ngoài ra, HoREA cũng đề xuất sử dụng hiệu quả công cụ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; quy hoạch xây dựng; quy hoạch phát triển đô thị, nhà ở. Đồng thời, có thể sử dụng công cụ hành chính khi thực sự cần thiết.

Cụ thể như năm 2008, 2011, Chính phủ dùng biện pháp mạnh, thắt chặt tiền tệ, siết chặt tín dụng đã cắt được ngay cơn sốt “bong bóng”, nhưng hệ quả là đẩy thị trường bất động sản vào tình trạng “đóng băng” ngay lập tức, tác động tiêu cực đến nền kinh tế.

Xem thêm

Nhận diện cơn sốt đất năm 2021

Nhận diện cơn sốt đất năm 2021

Cơn sốt đất đầu năm 2021 nếu không kiên quyết ngăn chặn kịp thời sẽ gây ra hậu quả vô cùng lớn về thu hút đầu tư, sản xuất kinh doanh, thậm chí sẽ trở thành các dự án ma và vùng đất “chết” …
Hiểu đúng về diễn biến và giải pháp ngăn chặn “sốt đất”

Hiểu đúng về diễn biến và giải pháp ngăn chặn “sốt đất”

“Sốt đất” bùng phát tại nhiều địa phương, hiện tượng mua bán đất nền diễn ra sôi động dù đã có nhiều cảnh báo. Các chuyên gia Savills đưa ra góc nhìn đa chiều về hiện tượng này và những tác động tới thị trường và quyết định của các nhà đầu tư nước ngoài.

Có thể bạn quan tâm

Có hiện tượng người tham gia đấu giá trả giá cao bất thường, có dấu hiệu thổi giá trong đấu giá đất

Thủ tướng yêu cầu chấn chỉnh hoạt động đấu giá đất

Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường tăng cường kiểm tra, thanh tra hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất đối với những trường hợp có biểu hiện bất thường, kịp thời phát hiện các bất cập trong quy định pháp luật để tham mưu, đề xuất cấp thẩm quyền sửa đổi, bổ sung cho phù hợp...

Giải bài toán nhà ở: Cần "di dời" sức cầu ra vùng ven

Giải bài toán nhà ở: Cần "di dời" sức cầu ra vùng ven

Với mức giá bất động sản hiện tại, những người có thu nhập rất khó sở hữu một căn nhà. Tuy nhiên, các chuyên gia bất động sản chỉ ra rằng, giải pháp không nằm ở nội đô chật chội mà ở các khu vực ven đô đang phát triển…