Chuẩn bị các kịch bản ứng phó với những bất định của nền kinh tế thế giới và khu vực

Bình luận về những kịch bản đang được nghiên cứu cho kinh tế vĩ mô năm 2017, ông Nguyễn Anh Dương, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, Việt Nam cần chuẩn bị các kịch bản ứng phó với n
Chuẩn bị các kịch bản ứng phó với những bất định của nền kinh tế thế giới và khu vực

Bức tranh kinh tế vĩ mô quý I/2017 có nhiều điểm sáng, nhưng tốc độ tăng trưởng GDP lại chưa như mong đợi. Điều gì đang xảy ra trong nền kinh tế, thưa ông?

Lý do lớn nhất, quan trọng nhất là hàm lượng giá trị gia tăng trong các hoạt động kinh tế có xu hướng giảm. Nhìn từ thương mại, xuất khẩu quý I/2017 tăng 15,1%, nhưng nhập khẩu tăng tới 24,9%. Tức là mức tăng từ nhập khẩu để hỗ trợ tốc độ tăng của xuất khẩu rất cao, như vậy, phần lợi ích mà nền kinh tế thu được từ xuất khẩu chưa nhiều.

Hai là câu chuyện liên quan đến quản lý nhà nước. Thời gian vừa qua, tư duy không đánh đổi kinh tế lấy môi trường chi phối rất lớn các hoạt động phê duyệt, thực hiện các dự án đầu tư. Chi phí, thời gian thực hiện dự án tăng lên. Như vậy, việc hiện thực hóa lợi ích từ các dự án đầu tư trên phương diện tăng trưởng kinh tế sẽ không được nhiều như trước đây. Trong khi đó, động lực thay thế lại chưa thấy rõ.

Sự thận trọng là cần thiết, nhưng cần phải có cơ chế, nguồn động lực khác để thay đổi, như tạo cơ hội nhiều hơn cho khu vực tư nhân tham gia nền kinh tế, thúc đẩy các dự án có hàm lượng công nghệ cao…

Số lượng doanh nghiệp thành lập mới cũng tăng cao, nhưng có vẻ không bù đắp được sự thiếu hụt?

Chuẩn bị các kịch bản ứng phó với những bất định của nền kinh tế thế giới và khu vực ảnh 1
"Chúng ta không thể cứ phát triển tất cả các ngành như nhau trong bối cảnh nguồn lực có hạn như vậy, do đó cần áp dụng những cơ chế riêng cho từng ngành, lĩnh vực".

Về vấn đề này, tôi muốn nhìn vào hoạt động thu chi ngân sách. Điểm đáng chú ý là, thu ngân sách trong quý I/2017 tăng nhanh quá. Trong khi chi ngân sách chỉ tăng 2,7%, thì thu ngân sách tăng tới hơn 15%. Mức thu từ khu vực doanh nghiệp ngoài quốc doanh đang cao nhất.

Phí và lệ phí cũng tăng tới 66% trong quý I/2017. Dù tỷ trọng tương đối nhỏ, nhưng với mức tăng lớn như vậy, doanh nghiệp sẽ khó có động lực để phát triển, hoặc phải chọn cách đi vào đầu tư các ngành nghề rủi ro cao, đầu cơ nhưng lợi nhuận lớn để bù đắp. Sự bền vững trong hoạt động của doanh nghiệp - một cơ sở quan trọng tạo nên tăng trưởng GDP - thiếu cơ chế khuyến khích.

Đặc biệt, nhìn vào tốc độ thành lập và rời khỏi thị trường của các doanh nghiệp, rất có thể có doanh nghiệp vừa thành lập đã phải rời khỏi thị trường vì không thể chịu nổi mức thuế và phí như vậy. Nhận định này chưa được kiểm chứng, nhưng cũng không loại trừ. Chúng tôi đang có dự án nghiên cứu về vấn đề liên quan đến phí, lệ phí với hoạt động của doanh nghiệp để có cách nhìn rõ hơn. Nhưng hàm ý chính sách ở đây khá rõ, đó là doanh nghiệp cần môi trường kinh doanh an toàn hơn, rẻ hơn…

Và doanh nghiệp cũng cần cơ hội tiếp cận tín dụng thuận lợi hơn?

Nhìn vào mức tăng tín dụng khoảng 4,03% trong quý I/2017 - cao hơn so với cùng kỳ các năm 2014-2016, tôi không nghĩ rằng, còn dư địa để nới lỏng tín dụng. Điều quan trọng lúc này là thực hiện cơ chế tín dụng phù hợp với từng ngành nghề, để tín dụng không quá đi nhiều vào các ngành đầu cơ, đẩy dòng vốn vào các ngành sản xuất.

Thực tế là, với các ngành đầu cơ vốn hấp dẫn nhưng rủi ro cao, nên người vay chấp nhận mức lãi suất cao. Sự hào hứng với các khoản cho vay lãi suất cao này khiến mặt bằng lãi suất bị dềnh lên, ảnh hưởng đến các ngành sản xuất khác. Hệ quả là, các ngành đều phát triển, nhưng kết quả chung lại không nhiều.

Chúng ta không thể cứ phát triển tất cả các ngành như nhau trong bối cảnh nguồn lực có hạn như vậy, do đó cần áp dụng những cơ chế riêng cho từng ngành, lĩnh vực.

Một cách tổng thể, đang có những kịch bản nào cho tăng trưởng GDP năm nay?

Rất khó đưa ra kịch bản vì tính bất định của kinh tế thế giới và trong nước năm nay. Tương lai của TPP còn chưa rõ ràng, các khung khổ hội nhập kinh tế quốc tế khác vẫn đang được nỗ lực thực hiện. Việt Nam chưa thể hiện rõ tâm thế với các hiệp định như TPP và RCEP, kể cả ở mức độ chuẩn bị năng lực sau đường biên giới. Trong bối cảnh thiếu sức ép từ hội nhập, sự chậm trễ, thiếu hiệu quả trong cải thiện năng lực thể chế trong nước càng được bộc lộ rõ nét.

Chúng tôi cho rằng, Việt Nam cần chuẩn bị các kịch bản ứng phó với những bất định của nền kinh tế thế giới và khu vực. Rủi ro từ thị trường quốc tế - có thể ảnh hưởng tới dòng vốn đầu tư và giá cả trong nước - cần được nhìn nhận thấu đáo hơn. Áp lực đối với lạm phát chỉ được nhìn nhận trong bối cảnh cần điều chỉnh giá một số mặt hàng/dịch vụ, thay vì tạo dựng dư địa để ứng phó với biến động giá trên thị trường thế giới.

Chúng tôi vẫn cho rằng, đây không phải là thời điểm quá coi trọng thúc đẩy tăng trưởng, mà nên tạo điều kiện để nền kinh tế tăng trưởng bền vững trong những năm tiếp theo.

 Theo Khánh An/Baodautu.vn

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn trước Quốc hội

Chính phủ đề xuất tái khởi động dự án điện hạt nhân

Để đảm bảo nguồn điện cung ứng trước mắt và lâu dài, Chính phủ đã áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc thực hiện đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân, phát triển mạnh điện gió ngoài khơi...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Trong 10 tháng năm 2024, kinh tế Việt Nam đạt kết quả tích cực trong nhiều lĩnh vực như: Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 11,8% (so với cùng kỳ năm 2023); Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng ổn định; Số doanh nghiệp thành lập mới “hồi sinh”...