Chỉ số MSCI của thị trường châu Á-Thái Bình Dương giảm 0,6% sau hai ngày tăng. Chỉ số Nikkei của Nhật Bản giảm 0,3%, trong khi các blue-chip trên sàn Thượng Hải giảm 0,7% sau khi tăng 3% vào ngày 11/6. Hợp đồng tương lai E-Mini cho S & P 500 giảm 0,2% và EUROSTOXX tương lai mất 0,5%.
Thị trường Hồng Kông mất 1,7% khi hàng ngàn người biểu tình đang chiếm giữ các con đường bên cạnh các văn phòng chính phủ để phản đối dự luật dẫn độ.
Những phản ứng của thị trường được cho là chịu ảnh hưởng lớn từ tuyên bố của Tổng thống Donald Trump hôm 11/6 về việc dự kiến đưa ra tiếp những đòn trừng phạt đối với Bắc Kinh nếu ông Tập Cận Bình không tham dự G20 tại Nhật.
Các nhà hoạch định chính sách của Fed sẽ họp vào ngày 18-19/6 trong bối cảnh căng thẳng thương mại gia tăng, làm chậm tăng trưởng của Mỹ.
Những thông tin không tốt đã khiến Phố Wall mất chuỗi tăng điểm liên tục trong sáu ngày để kết thúc vào 11/6. Chỉ số Dow giảm nhẹ 0,05%, trong khi S & P 500 mất 0,03% và Nasdaq 0,01%.
Không chỉ chứng khoán, ông Trump cũng khiến thị trường tiền tệ rơi vào trạng thái bất an với dòng tweet rằng đồng euro và các loại tiền tệ khác đã bị phá giá mạnh so với đồng USD, khiến Hoa Kỳ rơi vào thế bất lợi lớn.
"Các bài đăng (tweet) của Tổng thống về USD có khả năng có tác động lâu dài hơn nhiều trong năm bầu cử sắp tới", ông Alan Ruskin, người đứng đầu chiến lược G10 FX tại Deutsche Bank cảnh báo.
Tâm lý của các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán và tiền tệ dè dặt đã đẩy vàng lên gần mức cao nhất trong 14 tháng ở mức 1.335,51 USD/ounce. Trong khi đó, lo ngại về giá dầu lại giảm xuống khi OPEC và các nước xuất khẩu dầu mỏ đã cam kết sẽ tăng nguồn cung. Dầu thô Brent giao dịch tương lai giảm 98 cent xuống còn 61,31 USD, trong khi dầu thô Mỹ mất 92 cent xuống còn 52,35 USD / thùng.
Theo Reuter