Kết thúc phiên 7/8, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm 234,21 điểm (-0,6%) xuống 38.763,45 điểm; S&P 500 mất 40,53 điểm (-0,77%) thành 5.199,5 điểm và Nasdaq Composite trượt 171,05 điểm (-1,05%) còn 16.195,81 điểm.
Các chỉ số của Phố Wall bắt đầu ngày giao dịch với xu hướng tăng nhẹ nhờ cổ phiếu công nghệ, nhưng sau đó đã mất đà vào buổi chiều. Với việc các nhà đầu tư vẫn lo ngại về đợt bán tháo gần đây trên thị trường toàn cầu, chứng khoán Mỹ tiếp tục mất điểm sau phiên đấu giá trái phiếu kho bạc.
Cả ba chỉ số chính đều kết thúc trong sắc đỏ. Trong đó, chỉ số công nghệ thuộc S&P 500 có mức giảm lớn nhất (-1,4%) và là yếu tố chính đã kéo lùi chỉ số chuẩn.
Lindsey Bell, chiến lược gia trưởng tại 248 Ventures nhận xét, các nhà đầu tư có thể đang chốt lời sau đợt phục hồi vào thứ Ba. "Không phải chỉ cần một đợt giảm mạnh như phiên thứ Hai đã là xong. Thông thường, thị trường sẽ thử lại các mức thấp trước khi có thể thoát khỏi xu hướng giảm này”, bà Lindsey Bell lưu ý.
Cổ phiếu của Walt Disney đã giảm 4,5% sau khi dự đoán nhu cầu ảm đảm tại mảng kinh doanh công viên giải trí trong các quý tới.
Cổ phiếu của Super Micro Computer lao dốc 20,1% do báo cáo biên lợi nhuận gộp điều chỉnh hàng quý thấp hơn dự kiến. Đối thủ Dell Technologies cũng mất gần 4,9%.
"Có rất nhiều điều đáng lo ngại trong khoảng tám tuần tới, nên tôi nghĩ rằng sẽ có thêm nhiều biến động. Tôi không ngạc nhiên nếu sau một vài ngày tăng giá, chúng ta lại thấy một đợt bán tháo ngắn hạn khác”, ông Peter Tuz, Chủ tịch của Chase Investment Counsel cho biết.
Khối lượng giao dịch trên sàn chứng khoán Mỹ là 12,93 tỷ cổ phiếu, cao hơn so với mức trung bình 12,63 tỷ trong 20 phiên giao dịch vừa qua.
Động thái tăng lãi suất bất ngờ của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) hôm 31/7 lên mức cao nhất trong 15 năm đã gây ra một đợt bán tháo toàn cầu. Các nhà đầu tư rút khỏi các vị thế giao dịch chênh lệch lãi suất (carry trade) của mình sau khi đồng yên tăng giá mạnh.
Tuy nhiên, vào sáng ngày 7/8, Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản Shinichi Uchida tuyên bố BOJ sẽ không tăng lãi suất khi thị trường tài chính không ổn định.
Các nhà kinh tế đang chờ đợi thêm bình luận về chính sách tiền tệ từ các quan chức ngân hàng trung ương Mỹ vào tuần tới, trước thềm sự kiện kinh tế tại Jackson Hole (Wyoming) - nơi Chủ tịch Fed Jerome Powell dự kiến sẽ có bài phát biểu.
GIÁ DẦU TĂNG MẠNH
Trên thị trường năng lượng, giá dầu phục hồi từ mức thấp nhất trong nhiều tháng vào phiên 7/8, sau khi có dữ liệu cho thấy kho dự trữ dầu thô của Mỹ giảm mạnh hơn dự kiến, cho dù lo ngại về nhu cầu yếu từ Trung Quốc vẫn hiện hữu.
Hợp đồng tương lai dầu Brent kết thúc tăng 1,85 USD, tương đương 2,42%, lên 78,33 USD/thùng. Dầu thô WTI của Mỹ tăng 2,03 USD, tương đương 2,77%, lên 75,23 USD/thùng.
Trích dẫn dữ liệu từ chính phủ Mỹ, dự trữ dầu thô ghi nhận mức giảm ở tuần thứ 6 liên tiếp, giảm 3,7 triệu thùng xuống còn 429,3 triệu thùng vào tuần trước, nhiều hơn mức dự báo giảm 700.000 thùng trong cuộc khảo sát của Reuters.
"Câu chuyện ở đây là nhu cầu đang mạnh hơn mọi người nghĩ và nguồn cung nói chung đang thắt chặt hơn”, ông Phil Flynn, một nhà phân tích tại Price Futures Group giải thích.
Sản lượng giảm mạnh tại mỏ dầu Sharara của Libya với công suất 300.000 thùng mỗi ngày cũng đã tạo thêm áp lực lên nguồn cung toàn cầu.
"Bất kỳ động thái leo thang xung đột nào ở Trung Đông có thể làm tăng nguy cơ gián đoạn nguồn cung từ khu vực này”, nhà phân tích Daniel Hynes của ANZ chia sẻ