Kết thúc phiên 24/1, Chỉ số Dow Jones Industrial Average giảm 140,82 điểm (-0,32%) xuống 44.424,25 điểm; S&P 500 mất 17,47 điểm (-0,29%) còn 6.101,24 điểm và Nasdaq Composite trượt 99,38 điểm (-0,50%) thành 19.954,30 điểm.
Các chỉ số ghi nhận tuần tăng thứ 2 liên tiếp, với S&P 500 thêm 1,74%, Nasdaq leo 1,65% và Dow Jones tăng 2,15%.
6 trong số 11 lĩnh vực ngành của S&P 500 đều ngập tràn sắc xanh, dẫn đầu là dịch vụ truyền thông tăng 1,09%, ngay sau đó là tiện ích, leo 1,07%. Cổ phiếu có mức tăng mạnh nhất trong nhóm tiện ích là NextEra Energy Inc (+5,2%) và cũng là cổ phiếu có thành tích tốt nhất S&P 500 trong ngày.
Ngược lại, lĩnh vực công nghệ lại là lực cản lớn đối với thị trường khi các cổ phiếu vốn hóa lớn, bao gồm Nvidia (-3,1%), Tesla (-1,4%) và Microsoft (-0,6%), đảo ngược đà tăng mạnh trước đó trong tuần.
Nhà sản xuất chip Texas Instruments cũng mất 7,2% do dự báo lợi nhuận quý 1/2025 thấp hơn kỳ vọng của Phố Wall khi công ty đối mặt với tình trạng dư thừa hàng tồn kho trong các thị trường ô tô và công nghiệp chính.
Ở các lĩnh vực khác, American Express báo cáo lợi nhuận quý 4/2024 tăng 12%, nhưng cổ phiếu của công ty giảm 1,4%, kéo chỉ số Dow Jones đi xuống.
Cũng gây ảnh hưởng đến Dow Jones, cổ phiếu Boeing giảm 1,4% sau khi công ty cảnh báo lỗ 4 tỷ USD trong quý 4/2024. Boeing dự kiến sẽ công bố kết quả vào thứ Ba tới.
Khối lượng giao dịch trên các sàn chứng khoán Mỹ là 14,02 tỷ cổ phiếu, thấp hơn so với mức trung bình 14,90 tỷ cổ phiếu trong 20 phiên giao dịch vừa qua.
Về khía cạnh kinh tế, có dữ liệu cho thấy thị trường nhà ở đang nóng hơn dự kiến, trong khi một khảo sát của S&P Global chỉ ra rằng hoạt động kinh doanh đã giảm xuống mức thấp nhất trong 9 tháng vào tháng 1/2025 do giá cả tăng. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn báo cáo mức tăng trong tuyển dụng, điều này một lần nữa củng cố cách tiếp cận thận trọng của Fed đối với chính sách tiền tệ trong năm nay.
Ước tính cuối cùng của Đại học Michigan về tâm lý người tiêu dùng giảm xuống 71,1 điểm từ mức 73,2 điểm trong ước tính trước đó.
Kết thúc một tuần tương đối ít dữ liệu, các nhà giao dịch đặt cược rằng Fed sẽ giữ nguyên lãi suất tại cuộc họp ngày 28-29/1 tới và kỳ vọng lần cắt giảm lãi suất đầu tiên sẽ diễn ra vào tháng 6.
Trong khi đó, nhiều nhà đầu tư lo ngại rằng các mức thuế đề xuất của Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể làm gia tăng áp lực lạm phát và làm chậm tốc độ cắt giảm lãi suất của Fed. Trước đó, ông Donald Trump cho biết thuế quan đối với Mexico, Canada, Trung Quốc và Liên minh châu Âu có thể được công bố vào ngày 1/2, nhưng giới phân tích dự đoán rằng các kế hoạch lớn sẽ được công bố vào ngày 1/4.
GIÁ DẦU NHÍCH NHẸ
Trên thị trường năng lượng, giá dầu tăng nhẹ trong phiên thứ Sáu nhưng ghi nhận đà giảm trong tuần, chấm dứt chuỗi 4 tuần tăng liên tiếp, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố các kế hoạch nhằm tăng sản lượng trong nước, đồng thời yêu cầu OPEC giảm giá dầu thô.
Hợp đồng tương lai dầu Brent tăng 21 cent, tương đương 0,27%, lên mức 78,50 USD/thùng. Giá dầu thô WTI của Mỹ tăng 4 cent, tương đương 0,05%, lên mức 74,66 USD/thùng.
Trong tuần, dầu Brent giảm 2,8%, trong khi WTI giảm 4,1%.
OPEC+, bao gồm Nga, vẫn chưa có phản ứng trước những tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Các đại biểu của nhóm mới chỉ ra một kế hoạch có sẵn về việc bắt đầu tăng sản lượng dầu từ tháng 4/2025.
“Tôi không thực sự kỳ vọng OPEC sẽ thay đổi chính sách trừ khi có thay đổi trong các yếu tố cơ bản. Thị trường sẽ tương đối trầm lắng cho đến khi chúng ta có cái nhìn rõ ràng về chính sách trừng phạt cũng như thuế quan”, ông Giovanni Staunovo, nhà phân tích hàng hóa tại UBS, cho biết. “