Chứng khoán Mỹ tiếp đà phục hồi, S&P 500 lại lập kỷ lục mới

Phố Wall đã có hoạt động tích cực trong phiên 7/3, với S&P 500 tăng 1% lên mức cao kỷ lục trong khi Nasdaq thêm 1,5% nhờ sự thúc đẩy từ công nghệ và tâm lý lạc quan về triển vọng cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang trong năm nay…

Chứng khoán Mỹ tiếp đà phục hồi, S&P 500 lại lập kỷ lục mới

Kết thúc phiên 7/3, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tăng 130,30 điểm (+0,34%) lên 38.791,35 điểm, S&P 500 thêm 52,60 điểm (+1,03%) đóng cửa ở mức 5.157,36 điểm và Nasdaq Composite leo 241,83 điểm (+1,51%) thành 16.273,38 điểm.

9 trong số 11 lĩnh vực chính của S&P 500 đều tăng điểm, trong đó dịch vụ truyền thông và công nghệ thông tin cùng “tranh nhau” vị trí dẫn đầu. Và công nghệ đã vượt lên với mức tăng 1,89%, tiếp theo là dịch vụ truyền thông với 1,84%.

Chỉ số Philadelphia Semiconductor vượt trội so với thị trường rộng lớn hơn để kết thúc phiên tăng 3,36%, chứng kiến mức đóng cửa cao kỷ lục khi các nhà đầu tư đổ xô vào các công ty chip mà họ coi là những người hưởng lợi lớn nhất từ nhu cầu liên quan đến trí tuệ nhân tạo.

Các cổ phiếu tăng trưởng Megacap cũng là nhân tố chính đóng góp vào mức tăng cho các chỉ số chính, bao gồm công ty truyền thông xã hội Meta Platforms tăng 3,2% và “con cưng” của giới chip AI Nvidia tăng mạnh 4,5%.

Cổ phiếu của Kroger thêm 9,8% sau khi hãng bán lẻ dự báo doanh thu và lợi nhuận hàng năm cao hơn ước tính của Phố Wall do họ đặt cược vào việc nhu cầu ngày càng mở rộng, kiểm soát chi phí chặt chẽ và sự phổ biến của các nhãn hiệu riêng của Kroger

Ngược lại, cổ phiếu của thương hiệu nội y Victoria's Secret & Co lại lao dốc 29,7% vì dự báo hàng năm yếu kém.

Khối lượng giao dịch trên các sàn chứng khoán Mỹ là 11,19 tỷ cổ phiếu, thấp hơn so với mức trung bình 12,06 tỷ trong 20 phiên gần đây.

Về khía cạnh kinh tế, Chủ tịch Fed Jerome Powell đã phát biểu trước Ủy ban Thượng viện Mỹ tại Washington về việc ngân hàng trung ương đang tiến gần hơn tới vị trí tự tin để nói rằng lạm phát đang giảm xuống mục tiêu 2%, điều này có thể khiến việc cắt giảm lãi suất có thể sớm xảy ra.

Bình luận của ông đã củng cố thêm hy vọng cho nhà đầu tư về đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên vào tháng 6 và thúc đẩy các chỉ số chứng khoán, vốn đã chững lại trong những ngày trước phiên điều trần trước Quốc hội của ông.

Cũng trong cùng ngày, dữ liệu của Bộ Lao động Mỹ cho thấy số người Mỹ nộp đơn yêu cầu trợ cấp thất nghiệp mới không có nhiều thay đổi. Báo cáo này được công bố sau bảng lương tư nhân, cơ hội việc làm, tỷ lệ bỏ việc, tất cả đều mang đến cho các nhà đầu tư bức tranh về một thị trường việc làm đang hạ nhiệt nhưng vẫn duy trì nền tảng vững chắc.

“Về cơ bản, ông Powell đã nhắc lại kế hoạch cắt giảm lãi suất trong năm nay. Đó là điều mà thị trường muốn nghe. Thị trường cũng phản ứng tốt với dữ liệu việc làm mà chúng ta có được trong tuần này”, Anthony Saglimbene, Giám đốc chiến lược thị trường của Ameriprise Financial chia sẻ với Reuters. Tuy nhiên, ông Saglimbene cũng lưu ý rằng các nhà đầu tư vẫn sẽ hồi hộp chờ đợi báo cáo bảng lương phi nông nghiệp vào 8/3 để biết thêm thông tin chi tiết về thị trường lao động.

Trên thị trường năng lượng, giá dầu đứng yên trong phiên vào 7/3 khi thị trường cân nhắc dữ liệu kinh tế mới từ Trung Quốc trước thông tin nguồn cung ngày càng tăng mạnh từ phía Tây bán cầu.

Hợp đồng tương lai dầu Brent ổn định ở mức 82,96 USD/thùng, trong khi đó dầu thô WTI kết thúc ở mức thấp hơn 20 cent là 78,93 USD/thùng.

Tăng trưởng xuất nhập khẩu của Trung Quốc đã tăng cao hơn ước tính, cho thấy thương mại toàn cầu đang chuyển hướng thành tín hiệu tích cực cho các nhà hoạch định chính sách khi họ cố gắng thúc đẩy phục hồi kinh tế.

Nhưng ngay cả khi Trung Quốc công bố mức nhập khẩu dầu thô tăng 5,1% trong những tháng đầu năm nay so với một năm trước đó, tổng lượng nhập khẩu vẫn giảm, kéo dài xu hướng suy yếu trong sức mua của quốc gia nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới.

Trả lời câu hỏi từ Reuters, người đứng đầu bộ phận công nghiệp và thị trường dầu mỏ của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết nguồn cung của thị trường dầu mỏ toàn cầu đang tương đối tốt do nhu cầu tăng trưởng chậm lại và nguồn cung ngày càng tăng từ châu Mỹ. “Thị trường tiếp tục bị kéo theo những lo ngại về nhu cầu ở Trung Quốc và nguồn cung ngày càng tăng ở Tây bán cầu”, ông Andrew Lipow, chủ tịch của Lipow Oil Associates giải thích.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

“Ông già Noel” mang sắc xanh tới Phố Wall

“Ông già Noel” mang sắc xanh tới Phố Wall

Cả ba chỉ số chứng khoán Mỹ đều kết thúc phiên thứ Ba trong sắc xanh, với đà tăng trưởng của các cổ phiếu công nghệ lớn là động lực chính trong phiên giao dịch rút ngắn dịp Giáng sinh…

VN-Index sẽ tiếp tục tích lũy và hồi phục nhẹ

VN-Index sẽ tiếp tục tích lũy và hồi phục nhẹ

Việc xuất hiện lực cầu gia tăng khi chỉ số quay về vùng 1.250-1.260 điểm cho thấy đây là mốc hỗ trợ đáng tin cậy của thị trường trong ngắn hạn. Chỉ số VN-Index sẽ tiếp tục tích lũy và hồi phục nhẹ với kháng cự gần nhất là vùng 1.280 điểm...

2025 sẽ đầy thử thách với kinh tế và chứng trường Việt Nam

2025 sẽ đầy thử thách với kinh tế và chứng trường Việt Nam

Nửa đầu năm 2025, thị trường chứng khoán Việt Nam dự báo sẽ đối mặt với nhiều biến động do tăng trưởng GDP có thể chậm lại và đồng VND chịu áp lực. Tuy nhiên, triển vọng tích cực hơn được kỳ vọng vào cuối năm khi các yếu tố này có thể đảo chiều, mở ra cơ hội phục hồi...

Chứng khoán Mỹ phục hồi sau dữ liệu lạm phát

Chứng khoán Mỹ phục hồi sau dữ liệu lạm phát

Chứng khoán Mỹ đã tăng điểm vào thứ Sáu khi báo cáo lạm phát mới và bình luận từ các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã làm dịu bớt lo ngại về tình hình tăng lãi suất vào năm sau…