Chứng khoán Tân Việt: Lợi nhuận lao dốc, có gần 15.000 tỷ đồng trái phiếu đến hạn nhưng không thanh toán được

Đến thời điểm phát hành báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022, tổng mệnh giá trái phiếu TVSI đã ký hợp đồng mua lại còn khoảng 18.000 tỷ đồng. Trong đó số đã đến hạn thanh toán mà chưa thanh toán được khoảng hơn 14.800 tỷ đồng...

Hoạt động kinh doanh của Chứng khoán Tân Việt đang không được thuận lợi
Hoạt động kinh doanh của Chứng khoán Tân Việt đang không được thuận lợi

Công ty Cổ phần Chứng khoán Tân Việt (TVSI) vừa công bố Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022.

Theo báo cáo, trong quá trình kinh doanh, Chứng khoán Tân Việt có thực hiện mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ từ các tổ chức phát hành và các nhà đầu tư sau đó mua đi bán lại nhiều lần với các nhà đầu tư.

Đồng thời, công ty chứng khoán này đã ký hợp đồng mua lại một số trái phiếu đã bán cho các nhà đầu tư theo một mức giá xác định vào một ngày xác định trong tương lai. Khi bán và mua lại trái phiếu với nhà đầu tư, công ty đang ghi nhận như hoạt động tự doanh.

Được biết, tổng mệnh giá các trái phiếu công ty đã ký hợp đồng mua lại đến ngày 31/12/2022 là khoảng trên 20.700 tỷ đồng (trong đó số đã đến hạn thanh toán mà chưa thanh toán được khoảng hơn 4.870 tỷ đồng).

Đến thời điểm phát hành báo cáo này, tổng mệnh giá trái phiếu công ty đã ký hợp đồng mua lại còn khoảng 18.000 tỷ đồng (trong đó số đã đến hạn thanh toán mà chưa thanh toán được khoảng hơn 14.800 tỷ đồng).

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, Chứng khoán Tân Việt không thực hiện được việc thanh toán cho bên chuyển nhượng và gửi thông báo đến các nhà đầu tư là sẽ không thực hiện giao dịch này. Thêm vào đó, công ty này đang thực hiện đàm phán lại với các nhà đầu tư về việc hủy hợp đồng mua lại hoặc gia hạn thời gian mua lại trái phiếu tương ứng với thời gian đáo hạn trái phiếu của tổ chức phát hành nhưng việc đàm phán này chưa có kết quả cụ thể.

Theo ý kiến ngoại trừ của kiểm toán viên, tại ngày 31/12/2022, Chứng khoán Tân Việt đã thực hiện trích lập dự phòng cho việc vi phạm hợp đồng mua lại trái phiếu đến hạn nhưng không thực hiện được ở mức 50% (tương đương khoảng 195 tỷ đồng) giá trị tối đa nghĩa vụ hợp đồng vi phạm theo tổng giá trị các hợp đồng mua lại là hơn 4.870 tỷ đồng vì cho rằng: “Việc vi phạm của công ty là do bất khả kháng đã được quy định trong hợp đồng nên trong quá trình giải quyết tranh chấp công ty có thể thương lượng để không bị phạt vi phạm ở mức tối đa và công ty chỉ bồi thường khi có phán quyết của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền".

Chứng khoán Tân Việt cho biết đến thời điểm phát hành báo cáo kiểm toán này, TVSI chưa phải chi trả chi phí nào liên quan đến việc vi phạm các hợp đồng mua lại trái phiếu, cho thấy việc trích lập dự phòng nói trên là phù hợp và đảm bảo nguyên tắc thận trọng của kế toán.

Ngoài ra, TVSI cũng khẳng định căn cứ quy định tại Thông tư 96/2015/TT-BTC hướng dẫn về thuế thu nhập doanh nghiệp cho phép doanh nghiệp trích quỹ dự phòng tiền lương tối đa bằng 17% quỹ tiền lương thực hiện để đảm bảo nguồn chi lương cho năm sau.

Do đó năm 2022, TVSI đã trích quỹ dự phòng tiền lương hơn 34,1 tỷ đồng, khoản dự phòng này được sử dụng trong năm 2023. Ngoài ra, năm 2022, TVSI đã chi hơn 74,5 tỷ đồng trích từ quỹ dự phòng năm 2021. Việc TVSI trích lập và sử dụng quỹ dự phòng tiền lương luôn theo đúng quy định của pháp luật.

Một nội dung đáng chú ý khác, từ ngày 2/11/2022, số dư tiền gửi của TVSI tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB) là khoảng 1.609 tỷ đồng bao gồm tiền gửi nhà đầu tư phục vụ nhu cầu thanh toán giao dịch chứng khoán khoảng 879 tỷ đồng và tiền gửi của Công ty phục vụ các nghĩa vụ thanh toán khác cho khách hàng khoảng 730 tỷ đồng không giao dịch được.

Công ty đã gửi các công văn đến các Cơ quan chức năng liên quan phê duyệt các lệnh chuyển tiền từ các tài khoản của công ty mở tại SCB sang các tài khoản khác để giao dịch chứng khoán. Tuy nhiên, công ty chưa nhận được phản hồi từ phía các cơ quan chức năng.

Kết thúc năm 2022, Chứng khoán Tân Việt thu về doanh thu đạt 2.538 tỷ đồng, giảm 24% so với năm trước đó. Lợi nhuận sau thuế cũng giảm mạnh 75%, xuống còn 148 tỷ đồng.

Tại báo cáo tài chính riêng quý 2/2023, ghi nhận sau nửa đầu năm, TVSI đạt doanh thu vỏn vẹn 134 tỷ đồng, giảm 92% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế giảm từ mức 275 tỷ đồng trong bán niên 2022 xuống còn 24 tỷ.

Đáng nói, các khoản cho vay của công ty tại thời điểm 30/6 tiếp tục giảm mạnh về còn 229 tỷ đồng. Nếu tính từ đầu năm 2022, nguồn vốn cho vay của Chứng khoán Tân Việt giảm tới 96% từ mức 5.120 tỷ đồng.

Ngày 23/6/2023, Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam đã quyết định đình chỉ hoạt động mua chứng khoán trên thị trường chứng khoán niêm yết và thị trường đăng ký giao dịch đối với TVSI tại Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE) và Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX). Thời gian đình chỉ từ ngày 27/6/2023 cho đến khi TVSI được Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước có quyết định đưa ra khỏi tình trạng kiểm soát đặc biệt.

Với thông tin bất lợi trên, TVSI lên kế hoạch kinh doanh 2023 khiêm tốn với doanh thu 200 tỷ đồng, giảm 92% so với thực hiện năm 2022; lỗ sau thuế 570 triệu đồng. Mục tiêu trong năm này là tiếp tục tập trung giải quyết vấn đề về trái phiếu, bảo vệ quyền lợi cho nhà đầu tư, duy trì hoạt động môi giới cơ sở và phấn đấu hòa vốn.

Xem thêm

VinFast là một phần của tập đoàn VinGroup, thuộc sở hữu bởi tỷ phú Phạm Nhật Vượng

Cổ phiếu VinFast tăng tốc hơn 300%

Cổ phiếu VinFast chốt phiên giao dịch 25/8 ở mức giá 68,77 USD/cổ phiếu, tăng hơn 40% so với ngày trước đó và đánh dấu phiên tăng thứ năm liên tiếp…

Có thể bạn quan tâm

Bất động sản phía Nam đầy hứa hẹn

Bất động sản phía Nam đầy hứa hẹn

Vùng quanh TP.HCM đang nổi lên như một “thỏi nam châm” đầu tư bất động sản nhờ sự phát triển đồng bộ về hạ tầng, quy hoạch rõ ràng và dòng vốn FDI lớn…