Ngày 18/9/2024, Bộ Tài chính đã phê duyệt Thông tư 68/2024/TT-BTC, cho phép giao dịch mua cổ phiếu không yêu cầu có đủ tiền khi đặt lệnh của nhà đầu tư tổ chức nước ngoài. Theo đó, nhà đầu tư tổ chức nước ngoài mua chứng khoán ngay trong ngày (T+0) và thanh toán vào các ngày sau (T+1/T+2). Thông tư sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 2/11/2024.
Theo nhận định của Mirae Asset, điều này không chỉ giúp giảm chi phí tài chính và tăng tính linh hoạt cho nhà đầu tư mà còn là tiêu chí quan trọng để nâng cấp thị trường Việt Nam lên trạng thái thị trường mới nổi theo chuẩn FTSE Russell.
FTSE Russell chia làm 4 phân hạng: Developed, Advanced Emerging, Secondary Emerging và Frontier.
Theo đánh giá tháng 3/2024 của FTSE, Việt Nam hiện nằm trong danh sách theo dõi nhằm nâng hạng lên Secondary Emerging từ tháng 9/2018. Tuy nhiên, dưới ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, cũng như một vài tiêu chí còn bất cập nên mục tiêu chưa hoàn thành.
Hiện Việt Nam vẫn nằm trong danh sách theo dõi với vai trò cận biên và được kỳ vọng phân loại lại lên Secondary Emerging. Hoạt động đánh giá lại sẽ được FTSE thực hiện tiếp tục vào đầu tháng 10/2024, và 2 kỳ năm 2025 tháng 3 và tháng 9.
Mirae Asset cho rằng sau khi được nâng hạng, Việt Nam có thể thu hút dòng tiền từ các quỹ lớn như Vanguard FTSE Emerging Markets ETF.
Quy mô vốn hóa của VN-Index đạt hơn 213 tỷ USD (17/9/2024), khá tương đồng với vài quốc gia được phân bổ tỷ trọng thấp trong danh mục FTSE Emerging markets Index. Tiêu biểu như quy mô vốn hóa thị trường Chile đạt 170 tỷ USD (tháng 6/2024). Ước tính tỷ trọng của Việt Nam trong rổ sẽ ở mức khoảng 0,6% khi được thêm vào chính thức.
Giả sử với tỷ trọng ước tính khoảng 0,6% (tương đương tỷ trọng đầu tư của FTSE vào thị trường Chile, khi thị trường này có vốn hóa tương tự Việt Nam), thì Việt Nam có thể được giải ngân ở khoảng 474 triệu USD từ Vanguard FTSE Emerging Markets ETF.
Ngoài ra, dòng tiền ngoại chảy vào Việt Nam không những đến từ những quỹ sử dụng chỉ số FTSE Emerging markets Index làm tham chiếu, mà còn những quỹ khác khi thị trường được nâng hạng.
Tổng hợp một số quỹ ETF sử dụng FTSE Emerging markets Index làm tham chiếu, với tỷ trọng phân bổ 0,6%, Việt Nam có thể nhận đầu tư ước tính khoảng 516 triệu USD (gần 12.500 tỷ đồng).
Trong đó, Vanguard FTSE Emerging Markets UCITS ETF (London) quy mô 1,77 tỷ USD có thể đầu tư 10,62 triệu USD; Vanguard FTSE Emerging Markets All Cap Index ETF (Canada) quy mô 1,99 tỷ USD có thể đầu tư vào Việt Nam 11,94 triệu USD; Vanguard FTSE Emerging Markets UCITS ETF Class USD INC
(Euronext Amsterdam) có thể đầu tư 12,66 triệu USD; Vanguard FTSE Emerging Markets ETF/Australia (Australia) có thể đầu tư 6,06 triệu USD.
Theo quan sát của Mirae Asset, đa phần các thị trường trước thời điểm nâng hạng chính thức 1- 2 năm, thị trường chứng khoán đều có dấu hiệu bật tăng. Cụ thể: Qatar tăng hơn 45% từ (tháng 9/2013-9/2014), Saudi Arabia tăng hơn 23% (tháng 3/2017-3/2018), Romania tăng hơn 18% từ (tháng 9/2018-9/2019).
Nhóm chuyên gia dự báo, sẽ có hàng loạt cổ phiếu được hưởng lợi lớn nếu thị trường chứng khoán Việt Nam nâng hạng thành công. Điển hình như: HPG, VIC, VHM, VNM, MSN, VCB, SSI, VRE, VJC, KBC, SHB, EIB… và nhiều công ty lớn khác.
Trước đó, SSI Research dự báo Việt Nam sẽ được nâng hạng trong kỳ đánh giá tháng 9/2025. Với việc nâng hạng lên thị trường mới nổi, theo ước tính sơ bộ dòng vốn từ các quỹ ETF có thể lên đến 1,7 tỷ USD, chưa tính đến dòng vốn từ các quỹ chủ động (FTSE Russell ước tính tổng tài sản từ các quỹ chủ động gấp 5 lần so với các quỹ ETF).
SSI Research cho rằng, các cổ phiếu VNM, VHM, VIC, HPG, VCB, SSI, MSN, VND, DGC, VRE, VCI có thể thu hút dòng tiền lớn Việt Nam được nâng hạng lên thị trường mới nổi. Đây đều là những cổ phiếu Bluechips đầu ngành nhưng chưa kín room ngoại. Tuy nhiên, bộ phận phân tích này không đưa ra con số cụ thể.
Việc tháo gỡ nút thắt quan trọng trong quá trình nâng hạng được kỳ vọng sẽ trở thành chất xúc tác để đảo chiều dòng vốn ngoại trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Thời gian qua, nhà đầu tư nước ngoài xả hàng triền miên với tổng giá trị bán ròng từ đầu năm 2024 lên đến hơn 65.000 tỷ đồng (2,6 tỷ USD) chỉ tính riêng trên HOSE.
Một số nhận định cho rằng đà bán ròng của khối ngoại thời gian gần đây là do động thái chốt lời; chênh lệch lãi suất khiến dòng vốn có xu hướng rút khỏi các thị trường mới nổi và cận biên trong đó có Việt Nam; áp lực tỷ giá ảnh hưởng đến hiệu suất đầu tư của các quỹ ngoại trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Ở góc nhìn dài hạn hơn, theo ông Dominic Scriven, Chủ tịch Dragon Capital, nguyên nhân có lẽ đến từ cả yếu tố nội và yếu tố ngoại. Thế giới không thiếu thách thức, thậm chí nỗi lo, mối đe doạ như các vấn đề địa chính trị ở Trung Đông, Nga – Ukraine…Thông thường, khi các nhà đầu tư nước ngoài sợ, nhận thấy rủi ro, hành động sẽ là bán và đem tiền về nước cho an toàn.
Một vấn đề đáng quan tâm nữa, theo người đứng đầu Dragon Capital là bong bóng tài chính. Nhiều nước, đặc biệt là các nước phát triển 10 năm gần đây không ngừng in tiền, dẫn đến nợ công, nợ tư, lạm phát, giá trị tài sản, đặc biệt là chi phí sống tăng cao.
Trên góc độ nhà phân tích, điều này là không hiểu nổi và nó gây ra những sự bất ngờ. Điển hình như việc đồng yên và thị trường chứng khoán Nhật Bản thay đổi rất nhanh trong thời gian ngắn vừa qua. Những yếu tố này làm cho chiến lược đầu tư của các quỹ lớn trên thế giới phải điều chỉnh.
Ông Dominic Scriven cũng chỉ ra các yếu tố trong nước cũng ảnh hưởng đến dòng vốn ngoại. Hai năm gần đây, Dragon Capital phân tích 80 công ty lớn chiếm khoảng trên 80% giá trị vốn hoá thị trường, nhận thấy không có sự tăng trưởng lợi nhuận. Một thị trường không tăng trưởng lợi nhuận trong 2 năm (2022-2023), nhà đầu tư sẽ bỏ đi. Đây là một yếu tố rất lớn trong tầm nhìn của nhà đầu tư nước ngoài gần đây.