Chuyên gia gợi ý cách lấp đầy khoảng trống tại các toà nhà văn phòng

Hiện nay, công trình xanh đang là xu hướng mới trong ngành bất động sản, nhiều chuyên gia cho rằng, nếu thị trường văn phòng đáp ứng xu hướng này sẽ tăng tỷ lệ lấp đầy và giá thuê...

Văn phòng xanh được ưu tiên lựa chọn
Văn phòng xanh được ưu tiên lựa chọn

Theo báo cáo chỉ số giá văn phòng cao cấp của Savills quý 3/2023, thị trường văn phòng trên toàn thế giới đang trong tình trạng đầy thách thức, khi giá thuê ngày càng tăng và tỷ lệ trống cao.

Tại Mỹ, tỷ lệ trống trung bình đã tăng 90 điểm cơ bản kể từ cuối năm 2022. Ở khu vực châu Âu, Trung Đông và châu Phi, chi phí hiệu quả ròng tăng trung bình 2,1% trong quý 3/2023, do nhu cầu thuê văn phòng chất lượng cao gia tăng và người thuê ưa chuộng các không gian văn phòng đạt chứng nhận xanh.

Trong khi đó, thị trường văn phòng của Việt Nam đã đi ngược lại xu thế này và duy trì tỷ lệ lấp đầy cao với mức tăng trưởng giá thuê ổn định. Điển hình, TP.HCM là một trong những thị trường văn phòng tiềm năng ở châu Á - Thái Bình Dương với tỷ lệ lấp đầy hơn 90%.

Theo ông Neil MacGregor, Giám đốc Điều hành của Savills Việt Nam, trong thị trường văn phòng hiện nay, nếu có chứng nhận xanh sẽ giúp các tòa nhà đảm bảo tỷ lệ lấp đầy tốt và giá thuê cao.

Tính đến năm 2026, văn phòng xanh dự kiến sẽ chiếm 80% nguồn cung văn phòng Hạng A và B tại TP.HCM, trong khi Hà Nội sẽ có thêm 68.400 m2 diện tích văn phòng xanh.

Báo cáo Savills ESG Spotlight quý 2/2023 cho thấy các tòa nhà sở hữu chứng nhận xanh ngày càng có ưu thế về giá so với các tòa nhà khác. Ngày càng có nhiều khách hàng tiềm năng ưu tiên văn phòng xanh dẫn đến tình trạng trống gia tăng ở các tòa nhà không có chứng nhận này.

Do vậy, vị Giám đốc Savills nhận định rằng, cơ hội vẫn còn cho các nhà đầu tư và nhà phát triển văn phòng. Các tòa văn phòng có chứng nhận xanh sẽ thu được giá thuê cao hơn những dự án bình thường.

Giấy chứng nhận công trình xanh hiện nay là tiêu chuẩn đánh giá và công nhận các tòa nhà hoặc dự án đã đạt được mức độ bền vững về môi trường, hiệu quả sử dụng năng lượng và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên.

Chứng nhận này dựa trên một bộ tiêu chuẩn, hướng dẫn và tiêu chí được phát triển bởi các tổ chức khác nhau. Các tòa nhà có thể được chứng nhận dựa trên thiết kế, xây dựng và vận hành và thường được trao một hạng mục hoặc mức độ chứng nhận dựa trên hiệu suất môi trường. Quá trình chứng nhận khuyến khích việc sử dụng các thực hành xây dựng bền vững và giúp thúc đẩy một môi trường trong lành hơn.

Theo Kiến trúc sư Tim Middleton, Chuyên gia tư vấn thiết kế kiến trúc và bền vững môi trường tại Việt Nam cho biết, tại Việt Nam phần lớn dự án đạt chuẩn công trình xanh là xét bằng chứng chỉ Leed hoặc Lotus.

Khi các dự án đạt chuẩn 2 chứng chỉ này chất lượng môi trường trong nhà tốt hơn, ít hợp chất hữu cơ dễ bay hơi hơn và có sự giám sát CO2. Việc sử dụng các công trình đã đạt chuẩn xanh hoá, theo ước tính của ông Tim sẽ tiết kiệm khoảng 15% chi phí vận hành đối với những căn phòng thông thường.

Tại Tuần lễ Công trình Xanh Việt Nam năm 2023 diễn ra cách đây không lâu, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn cho biết, Việt Nam chưa có quy định bắt buộc áp dụng đối với công trình xanh, việc phát triển công trình xanh được thực hiện theo hình thức tự nguyện, khuyến khích.

Qua hơn 15 năm phát triển, số lượng công trình xanh của Việt Nam hiện đạt khoảng trên 300 công trình với tổng diện tích khoảng trên dưới 7,2 triệu m2 sàn xây dựng.

Các loại hình công trình xanh đã mở rộng từ công trình văn phòng, trụ sở cơ quan đến khách sạn, trung tâm thương mại, trường học, nhà xưởng công nghiệp… Số lượng công trình xanh dù đã tăng lên đáng kể hàng năm nhưng so với tổng số công trình được xây dựng thì con số này còn khá khiêm tốn.

Thứ trưởng cũng chỉ ra, việc phát triển công trình xanh trong thời gian qua đang gặp nhiều khó khăn, trở ngại. Ngoài tác động của đại dịch Covid - 19, sự phát triển chậm lại của thị trường bất động sản, các chủ đầu tư dự án công trình xanh còn gặp những khó khăn như tiếp cận và đảm bảo nguồn vốn đầu tư tăng thêm cho dự án, công trình để đáp ứng tiêu chuẩn xanh, thiếu nguồn nhân lực kỹ thuật có đủ trình độ trong lập dự án, thiết kế, thi công xây dựng, quản lý vận hành công trình xanh.

Cùng với đó, hiện chưa có quy định bắt buộc dán nhãn, đánh giá chứng nhận các sản phẩm vật liệu xây dựng xanh, tiết kiệm năng lượng để đưa vào sử dụng trong công trình.

"Do vậy, cần có cơ chế chính sách, quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, cơ chế ưu đãi, tín dụng xanh, tài chính xanh… nhằm tạo điều kiện thuận lợi, dỡ bỏ các rào cản, thúc đẩy mạnh mẽ phát triển công trình xanh ở nhiều loại hình, cấp độ, quy mô công trình ở tất cả các địa phương trong cả nước", Thứ trưởng nêu.

Xem thêm

Việt Nam có nhiều lợi thế phát triển văn phòng xanh

Việt Nam có nhiều lợi thế phát triển văn phòng xanh

Thị trường văn phòng cao cấp toàn cầu tiếp tục ghi nhận nhu cầu lớn đối với các dự án văn phòng chất lượng và đạt tiêu chí xanh và Việt Nam là một trong những thị trường tiềm năng về loại hình này...

Có thể bạn quan tâm

Trung tâm thương mại hút khách thuê

Trung tâm thương mại hút khách thuê

Giá thuê trung bình tăng tới 16,2% tại Hà Nội và 15,4% tại TP.HCM, khẳng định sức hút ngày càng lớn của trung tâm thương mại đối với các nhà đầu tư và thương hiệu…