Tại thông báo kết luận thanh tra mới đây, Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra những sai phạm trong việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản trên đất tại số 69 Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.
Cuộc hoá giá hời
Theo thông báo kết luận của Thanh tra Chính phủ, ngôi nhà 69 Nguyễn Du có diện tích 655,6m2, diện tích đất 596,7m2, trước khi Tổng công ty cổ phần xây lắp Dầu khí (PVC) mua theo chỉ định, cơ sở này là tài sản thuộc sở hữu nhà nước do Công ty Quản lý và Phát triển nhà thuộc Sở Xây dựng Hà Nội quản lý. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) làm văn phòng làm việc đến đầu năm 2008.
Sau đó, trên cơ sở đề nghị của Bộ Tài chính, ngày 6/10/2008, Thủ tướng Chính phủ có văn bản cho phép UBND TP. Hà Nội bán “đất vàng” này cho PVC dưới hình thức mua chỉ định để đầu tư xây dựng trụ sở làm việc.
Tháng 8/2009, UBND TP. Hà Nội định giá bán nhà đất 69 Nguyễn Du hơn 39,8 tỉ đồng. Sau khi PVC nộp tiền, ngày 17/11/2009, UBND TP. Hà Nội ra quyết định số 6031/QĐ-UBND thu hồi đất tại số 69 Nguyễn Du cho PVC.
Nhận được “đất vàng”, PVC không đầu tư xây dựng văn phòng làm việc như báo cáo ban đầu, mà tổ chức bán đấu giá quyền sử dụng đất tại 69 Nguyễn Du. Ngày 31/12/2009, PVC ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho CTCP Đầu tư và Khoáng sản Hợp Thành, giá trị là 95,9 tỉ đồng.
Ngày 20/4/2016, UBND TP. Hà Nội mới ra quyết định số 1860/QĐ-UBND thu hồi đất 69 Nguyễn Du. Mục đích giao đất là để Hợp Thành cải tạo xây dựng Tòa nhà văn phòng 69 Nguyễn Du.
Kiến nghị thu hồi
Liên quan đến việc chấp hành các quy định của pháp luật trong việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản trên đất tại số 69 Nguyễn Du, theo Thanh tra Chính phủ, cơ sở này là tài sản Nhà nước quản lý, cho PVN thuê làm trụ sở, đến thời điểm 01/01/2008 hợp đồng thuê hết hạn sau đó chưa ký lại, PVC (công ty con của PVN) trước đó không trực tiếp thuê cơ sở nhà, đất tại đây.
Theo quyết định số 09/QĐ-TTg ngày 19/01/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc sắp xếp lại, xử lý nhà đất thuộc sở hữu Nhà nước thì thẩm quyền quyết định việc bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất này thuộc UBND TP. Hà Nội. Việc PVC, PVN, TP. Hà Nội có văn bản gửi Bộ Tài chính trình Phó Thủ tướng Chính phủ cho phép UBND TP. Hà Nội bán chỉ định cơ sở nhà, đất tại số 69 Nguyễn Du cho PVC để xây dựng trụ sở làm việc là không đúng thực tế.
Ngày 31/12/2009, PVC ký hợp đồng (không số) chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho CTCP Đầu tư Khoáng sản Hợp Thành. Khi tổ chức đấu giá, công nhận kết qủa trúng đấu giá, PVC chưa được UBND TP. Hà Nội giao đất, vì vậy việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại 69 Nguyễn Du như trên là không có cơ sở pháp lý.
Thanh tra Chính phủ khẳng định, trách nhiệm để xảy ra những sai phạm trên thuộc về PVC, PVN, UBND TP Hà Nội, Bộ Tài chính và cơ quan, đơn vị, cá nhân trong việc tham mưu, đề xuất, chỉ đạo và bán chỉ định tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại 69 Nguyễn Du.
Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng giao UBND TP. Hà Nội phối hợp với PVN rà soát để thu hồi và xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình thu hồi cơ sở nhà đất này. Đến ngày 31/10/2020 chưa thực hiện được việc thu hồi thì chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra xem xét, xử lý.
Theo ghi nhận thực tế, hiện khu đất vàng 69 Nguyễn Du đang được sử dụng như bãi đỗ xe, có lán che riêng.
Về phía chủ đầu tư, bên cạnh những lùm xùm liên quan đến việc thâu tóm đất vàng từ tay PVC, Khoáng sản Hợp Thành còn nổi danh là "cá mập" với những vụ thâu tóm, sáp nhập, trong đó có thể kể đến là thương vụ sở hữu 86% vốn của Cảng Quy Nhơn với giá bèo bọt, khiến nhiều cán bộ bị kỷ luật, trong đó có cả nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Văn Ninh.
Khoáng sản Hợp Thành cũng bắt đầu lấn sân vào hàng loạt dự án bất động sản với hàng loạt dự án lớn. Bên cạnh dự án 69 Nguyễn Du, doanh nghiệp này cũng là chủ đầu tư của các dự án Tòa nhà văn phòng Mitec tại Cầu Giấy – Hà Nội; chung cư Diamond Tower – HH3 Nam An Khánh; tòa nhà số 2 Lê Văn Lương, dự án khách sạn SeaDragon tại Quảng Ninh…
Trước đó, trong năm 2015, Khoáng Sản Hợp Thành đã thế chấp lô “đất vàng” 69 Nguyễn Du (Hà Nội) để vay vốn từ một ngân hàng.