Ngày 19/7/2017, CTCP Đầu tư Cao Su Quảng Nam (mã: VHG) tiến hành họp ĐHCĐ thường niên năm 2017 lần 2 nhưng cổ đông và người được ủy quyền hợp lệ tham dự chỉ đạt hơn 50 triệu cổ phần (không có cổ phần của cổ đông lớn), tương ứng tỷ lệ 33,34% vốn điều lệ.
Tại cuộc họp, các cổ đông đã yêu cầu bổ sung và biểu quyết thông qua việc bổ sung vào chương trình họp nội dung hủy niêm yết, chuyển giao dịch cổ phiếu sang UPCoM để đảm bảo quyền lợi của cổ đông và nhà đầu tư. Kết quả biểu quyết 100% cổ đông tham dự đã thông qua nội dung này, song tỷ lệ chỉ đạt 33,34% vốn điều lệ.
Theo Quy chế niêm yết chứng khoán tại HoSE, việc hủy bỏ niêm yết được ĐHCĐ biểu quyết thông qua theo quy định pháp luật doanh nghiệp, trong đó phải được ít nhất 51% số phiếu biểu quyết của các cổ đông không phải là cổ đông lớn thông qua.
Do đó, VHG phải đạt 48,37% cổ phần thông qua thì mới huỷ niêm yết cổ phiếu được. Như vậy, tỷ lệ tham dự ĐHĐCĐ 2017 của VHG (không có cổ đông lớn) thực tế chỉ đạt 33,34% nên không đáp ứng đủ điều kiện để thực hiện hủy niêm yết tự nguyện theo quy định.
Về kết quả kinh doanh, trong quý 2/2017, VHG đã ngừng các hoạt động sản xuất kinh doanh chính nên doanh thu thuần và lợi nhuận gộp đều bằng 0. Lỗ sau thuế quý 2 lên tới gần 181,7 tỷ đồng, nên lũy kế 6 tháng đầu năm 2017, VHG chỉ đạt vỏn vẹn 16 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 98% so với cùng kỳ và lỗ gần 246 tỷ đồng.
Trước báo cáo tình hình thua lỗ nặng, giá cổ phiếu VHG trên sàn đã lao dốc mạnh với nhiều phiên giảm sàn. Từ mức giá đỉnh ngắn hạn 2.830 đồng/CP, VHG đã giảm mạnh xuống còn 1.780 đồng/CP và phiên hôm nay 3/8, giá cổ phiếu đã hồi phục tăng trần lên 1.820 đồng/CP. Khối lượng khớp lện đạt 1.28 triệu đơn vị.
Năm 2017, VHG đạt mục tiêu doanh thu 500 tỷ đồng nhưng lỗ ròng tới 200 tỷ đồng, như vậy công ty đã lỗ vượt 23% kế hoạch, cho thấy tình hình kinh doanh ảm đạm tại doanh nghiệp này.
>> Thu về nghìn tỷ nhờ thoái vốn, Tập đoàn Cao su “rục rịch” cổ phần hóa