Mới đây, Công ty Cổ phần Vinacafé Biên Hòa (mã chứng khoán: VCF) đã có thông báo về ngày đăng ký cuối cùng để thực hiện quyền trả cổ tức năm 2023 bằng tiền mặt với tỷ lệ 250%. Theo đó, mỗi cổ đông sở hữu một cổ phiếu sẽ nhận được 25.000 đồng. Ngày đăng ký cuối cùng là 9/9/2024.
Với gần 26,6 triệu cổ phiếu đang lưu hành, Vinacafé Biên Hòa sẽ chi gần 650 tỷ đồng để trả cổ tức, dự kiến thanh toán vào ngày 20/9.
Vinacafé Biên Hòa được biết đến là doanh nghiệp có truyền thống chia cổ tức đều đặn bằng tiền mặt cho cổ đông với tỷ lệ "khủng". Đặc biệt vào năm 2018, cổ đông của công ty được nhận cổ tức với tỷ lệ cao nhất lên tới 660%, những năm trở lại đây cũng đều đặn với tỷ lệ 240-250%.
Trong lần chia cổ tức này, Công ty TNHH MTV Masan Beverage - cổ đông lớn duy nhất nắm giữ gần 26,3 triệu cổ phiếu VCF với tỷ lệ sở hữu 98,79% sẽ nhận về hơn 642 tỷ đồng.
Vào tháng 10/2011, Công ty Cổ phần Tập đoàn Masan (mã chứng khoán: MSN) đã thâm nhập vào thị trường đồ uống và nước giải khát thông qua công ty con là Công ty TNHH MTV Masan Beverage, mua lại 50,3% cổ phần của Vinacafé Biên Hòa.
Đến tháng 2/2018, Masan Beverage tăng tỷ lệ sở hữu tại Vinacafé Biên Hòa lên 98,49%. Sau đó, nhiều lần Masan Beverage muốn mua thêm số cổ phiếu VCF còn lại để nâng tỷ lệ sở hữu lên 100% nhưng không thành công.
Vinacafé Biên Hòa được thành lập vào năm 1968, ban đầu là một nhà máy sản xuất cà phê hòa tan. Qua nhiều năm phát triển, Vinacafé đã mở rộng quy mô và trở thành một thương hiệu cà phê phổ biến trong và ngoài nước. Thương hiệu này nổi tiếng với các sản phẩm cà phê hòa tan, cà phê phin, và gần đây là các sản phẩm thức uống cà phê chế biến sẵn
Theo Báo cáo tài chính quý 2/2024, công ty ghi nhận doanh thu thuần đạt 578,4 tỷ đồng, tăng nhẹ 4% so với cùng kỳ năm trước. Thu nhập thuần từ hoạt động tài chính Vinacafé Biên Hòa cũng ghi nhận sự tăng trưởng đáng kể, tăng 33% lên mức 23,6 tỷ đồng.
Tuy nhiên, sau khi trừ đi các chi phí, lợi nhuận sau thuế của Vinacafé Biên Hòa chỉ đạt 98 tỷ đồng, giảm 20% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân chính được Vinacafé Biên Hòa chỉ ra là do chi phí nguyên liệu đầu vào tăng cao, trong khi doanh số bán hàng không tăng đủ để bù đắp sự gia tăng này, dẫn đến biên lợi nhuận bị thu hẹp.
Lũy kế trong 6 tháng đầu năm 2024, doanh nghiệp cà phê này ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.062 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 186,7 tỷ đồng. Với kết quả này, Vinacafé Biên Hòa đã hoàn thành 42,5% kế hoạch doanh thu (2.500 tỷ đồng) và 39,7% mục tiêu lợi nhuận (470 tỷ đồng) theo kịch bản thấp. Nếu xét theo kịch bản cao, công ty mới chỉ đạt khoảng 38% kế hoạch doanh thu (2.800 tỷ đồng) và 37,3% mục tiêu lợi nhuận (500 tỷ đồng).
Tính đến cuối quý 2, tổng tài sản của Vinacafé Biên Hòa đã đạt 2.828 tỷ đồng, trong đó các khoản phải thu chiếm tỷ trọng đáng kể. Cụ thể, phải thu ngắn hạn ghi nhận 848 tỷ đồng, trong đó các khoản đặt cọc ngắn hạn cho hoạt động đầu tư chiếm tới 73,5%; phải thu dài hạn đạt 806 tỷ đồng.
Tại bảng cân đối kế toán, nợ phải trả, tổng nợ của Vinacafé Biên Hòa đạt gần 529 tỷ đồng, trong đó nợ ngắn hạn chiếm phần lớn với 524,2 tỷ đồng. Đặc biệt, vay ngắn hạn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu nợ với hơn 233,6 tỷ đồng. Sau nửa đầu năm 2024, vốn chủ sở hữu của Vinacafé Biên Hòa đã ghi nhận mức 2.299,5 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đạt 1.790 tỷ đồng.
Trên thị trường chứng khoán, thị giá cổ phiếu VCF đang ghi nhận ở mức 218.000 đồng/cổ phiếu và đang là cổ phiếu có thị giá cao nhất trên sàn HOSE. Theo đó, vốn hóa của doanh nghiệp cà phê này trên thị trường ước tính lên tới 5.794 tỷ đồng.
Do cơ cấu cổ đông cô đặc nên VCF thường xuyên rơi vào tình trạng "trắng" thanh khoản, giá cổ phiếu gần như không thay đổi và chỉ “điều chỉnh” ở những ngày chốt quyết nhận cổ tức.