Năm 2012, Đại hội đồng cổ đông HDO đã thông qua phương án sáp nhập Công ty cổ phần Cơ khí vận tải thương mại Đại Hưng (DHL) vào HDO để trở thành một doanh nghiệp có vị thế lớn trên thương trường. Tại thời điểm đó, cả HDO và DHL được đánh giá là doanh nghiệp có thị phần lớn nhất, nhì trong lĩnh vực kinh doanh của mình.
Theo đó, HDO cũng đưa ra những dự báo về kết quả kinh doanh tăng trưởng trong 5 năm sau khi thực hiện sáp nhập, từ 2012 - 2016 rất tích cực. Kế hoạch sáp nhập DHL trong năm 2012, nhưng đến tháng 3 năm 2013 mới thực hiện.
Tuy nhiên, kết quả kinh doanh trong 5 năm sau M&A không như kỳ vọng. Ngoại trừ năm 2012 lãi vỏn vẹn 362 triệu đồng và năm 2015 nhờ quý IV có nguồn thu lớn từ hoạt động tài chính, nên lãi cả năm hơn 1,3 tỷ đồng, các năm còn lại đều thua lỗ. Đặc biệt, năm 2016 lỗ hơn 35 tỷ đồng.
Theo ông Trần Văn Hùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị HDO, năm 2012, HDO phát sinh khoản nợ phải thu khó đòi 16,27 tỷ đồng từ Công ty TNHH Vận tải viễn dương Vinashin và Công ty TNHH Vận tải container Vinalines, trong đó nợ quá hạn thanh toán khoảng 10,7 tỷ đồng.
Ngay từ 6 tháng đầu năm 2012, kiểm toán đã lưu ý HDO có thể xảy ra tổn thất lớn nếu không thu được các khoản nợ phải thu từ các khách hàng lớn đang gặp khó khăn.
Tính đến 30/6/2012, HDO có một số khoản nợ phải thu đối với các khách hàng lớn gồm Công ty TNHH MTV Vận tải Viễn dương Vinashin, CTCP Hàng hải Vsico và Công ty TNHH MTV Vận tải biển Container Vinalines với tổng số dư gần 28,5 tỷ đồng.
Đến Đại hội đồng cổ đông năm 2014, HDO cho biết, Vinalines hiện chỉ còn nợ HDO 15 tỷ đồng, Vinashin thì HDO đã thu hồi được 13 tỷ đồng, còn khoản nợ của Vsico sẽ làm việc với… tòa án.
Mặc dù đã đưa ra một số giải pháp, nhưng dường như HDO vẫn không đạt hiệu quả mong muốn. Khoản phải thu khách hàng ngắn hạn có diễn biến trồi sụt trong giai đoạn 2013 - 2015, nhưng năm 2016 lại tăng vọt gần 152 tỷ đồng, gần gấp đối năm 2015. Hàng tồn kho cũng tăng còn tiền mặt chiếm tỷ trọng thấp dần.
Nợ vay dù giảm dần, nhưng chi phí lãi vay cũng khiến Công ty bị bào mòn lợi nhuận. Năm 2016, kinh doanh dưới giá vốn nên lãi gộp Công ty âm hơn 16,5 tỷ đồng, cộng thêm chi phí lãi vay hơn 8,6 tỷ đồng, chi phí quản lý 8,3 tỷ đồng đã khiến HDO lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh 35 tỷ đồng.
Những chỉ tiêu kinh doanh trong năm 2016 đã bị kiểm toán từ chối đưa ra ý kiến. Cụ thể, đơn vị kiểm toán không thể kiểm kê tiền mặt, hàng tồn kho và tài sản cố định khác tại thời điểm 31/12/2016.
Bên cạnh đó, đơn vị kiểm toán vẫn chưa nhận được các xác nhận liên quan đến các khoản công nợ phải thu khách hàng; trả trợ người bán ngắn hạn; phải thu khác; phải trả người bán ngắn hạn; người mua trả tiền trước ngắn hạn; thuế phải nộp Nhà nước. Vì vậy, đơn vị kiểm toán không thể xác định liệu có cần thiết phải điều chỉnh các số liệu này hay không.
Quý I/2017, HDO có tích cực hơn khi ghi nhận lãi ròng 1,3 tỷ đồng nhờ thu được khoản tiền từ sang nhượng đất thuê nên lợi nhuận khác 5 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ âm.
Chi phí lãi vay tăng 64% so với cùng kỳ, lên 4,2 tỷ đồng do do Công ty đã tất toán bớt các khoản gốc vay dài hạn ngân hàng nên phải trả hết các khoản phát sinh tất toán trước hạn cho khoản vay dài hạn. Khoản phải thu ngắn hạn giảm từ gần 152 tỷ đồng còn hơn 38 tỷ đồng.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu HDO rơi giá không phanh, hiện được giao dịch trên UPCoM với giá 1.200 đồng/cổ phiếu.