Nhóm cổ phiếu ngân hàng tiếp tục ghi nhận diễn biến không mấy tích cực khi trong tuần qua (23/10 – 27/10), sắc đỏ tiếp tục chiếm ưu thế với 22/27 mã giảm giá.
Trong đó, NVB của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quốc dân là mã giảm mạnh nhất toàn ngành khi giá hiện tại chỉ còn 10.000 đồng/cổ phiếu, thấp hơn 11,5% so với tuần trước đó. Đây cũng là vùng giá thấp nhất của cổ phiếu này kể từ đầu năm 2021. Đặc biệt, trong phiên giao dịch ngày 26/10, cổ phiếu NVB đã giảm sàn tới 9,2%.
Theo sau là hai mã SGB và PGB đang được giao dịch trên sàn UPCoM với mức giảm lần lượt là -9,7% và -9,2%, kết tuần ở mức tương ứng 13.400 đồng/cổ phiếu và 24.000 đồng/cổ phiếu.
Đối với nhóm cổ phiếu niêm yết trên HOSE, VPB là mã giảm nhiều nhất tuần (-6,5%), đóng cửa ở mức 20.200 đồng/cổ phiếu. Là ngân hàng có vốn hóa lớn, mức giảm này khiến VPB cũng là mã ảnh hưởng tiêu cực nhất tới VN-Index trong tuần qua. Tương tự, cổ phiếu TCB cũng giảm tới 5% so với tuần trước, xuống mức 29.550 đồng/cổ phiếu.
Ngoài ra, nhóm cổ phiếu ngân hàng có mức giảm trên 2% còn có: STB (-4,7%); VAB (-4,1%); CTG (-4,1%); KLB (-3,9%); BAB (-3,1%); HDB (-2,8%); MBB (-2,8%); ABB (-2,8%); VBB (-2,6%); BVB (-2,6%).
Bên cạnh đó, trong tuần qua cũng ghi nhận nhiều mã cổ phiếu có diễn biến tiêu cực như: NAB (-0,2%); OCB (-0,8%); VIB (-1,4%); SHB (-1,4%); ACB (-1,6%); TPB (-1,8%)…
Ở chiều ngược lại, LPB là mã tăng tốt nhất tuần qua với mức 5,2% tính chung sau 5 phiên giao dịch. Đặc biệt nhờ vào phiên tím trần ngày 27/10, cuối cùng dừng ở mức 15.300 đồng/cổ phiếu. Kế đến là cổ phiếu SSB tăng 4,5%; BID tăng 3,7%. Mã EIB và VCB nhích nhẹ dưới mức 1%, lần lượt tăng 0,6% và 0,2%.
Trong tuần giao dịch vừa qua, thanh khoản của nhóm cổ phiếu ngân hàng đi ngang so với tuần trước đó với 645 triệu cổ phiếu được giao dịch, tương đương với giá trị đạt 12.984 tỷ đồng.
Trong đó, STB tiếp tục dẫn đầu ngành với giá trị giao dịch tuần tổng đạt gần 2.800 tỷ đồng, bỏ xa mức 1.682 tỷ đồng sau đó của VPB. Ngoài ra, chỉ còn có EIB và HDB đạt mức giao dịch trên 1.000 tỷ đồng trong tuần qua.
Đáng chú ý, STB vẫn là tâm điểm của các nhà đầu tư nước ngoài khi nhóm này tiếp tục mua ròng 163 tỷ đồng, nâng tổng giá trị mua ròng trong 3 tuần trở lại lên trên 720 tỷ đồng. Ngược lại, khối ngoại đã bán ròng 117 tỷ đồng cổ phiếu HDB, 87 tỷ đồng VPB và 79 tỷ đồng EIB.
Trong khi đó, nhóm tự doanh tập trung giảm cổ phiếu ngân hàng trong tuần này khi bán ròng 103 tỷ đồng STB, 81 tỷ đồng VPB, 39 tỷ đồng EIB và 20 tỷ đồng ACB.
Tính đến thời điểm hiện tại, phần lớn các ngân hàng đã công bố kết quả kinh doanh quý 3/2023. Mặc dù, có nhiều ngân hàng báo lãi ngàn tỷ đồng, thậm chí hơn chục ngàn tỷ đồng nhưng bức tranh chung vẫn là sụt giảm so với cùng kỳ. Điều này phản ánh khó khăn chung của nền kinh tế nhất là tín dụng toàn ngành tăng chậm hơn nhiều so với cùng kỳ các năm.
Cũng trong quý 3/2023, ngân hàng Vietcombank tiếp tục giữ vững vị trí “quán quân” lợi nhuận của ngành ngân hàng khi mang về 9.051 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 19,6% so với quý 3/2022. Mặc dù lợi nhuận tăng trưởng dương so với cùng kỳ nhưng kết quả kinh doanh quý 3 năm nay vẫn thấp nhất trong 4 quý gần nhất.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng Vietcombank đạt 29.550 tỷ đồng, tăng 18,5% so với cùng kỳ. Lãi sau thuế đạt 23.694 tỷ đồng.
Trong tuần giao dịch qua, ngành ngân hàng tiếp tục ghi nhận biến động nhân sự cấp cao tại PG Bank. Cụ thể, Hội đồng quản trị PG Bank đã công bố quyết định miễn nhiệm và thanh lý hợp đồng lao động với ông Đỗ Thành Công, Phó Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc Khối Tái thẩm định và phê duyệt.
Cụ thể, vào ngày 20/10, ông Đỗ Thành Công đã gửi đơn đơn xin nghỉ việc đến Hội đồng quản trị PG Bank với lý do cá nhân. Ông cũng xin rút khỏi vị trí chủ tịch Hội đồng Tín dụng PG Bank sớm một tuần để đảm bảo tính liên tục của hoạt động phê duyệt tín dụng.
Ông Đỗ Thành Công sinh năm 1977. Trước khi gia nhập PG Bank, ông từng đảm nhiệm nhiều vị trí quan trọng ở ngân hàng MSB. Ông Công bắt đầu gia nhập PG Bank từ ngày 18/12/2021 và đến đầu tháng 2/2023, Hội đồng quản trị đã bầu ông vào vị trí Phó Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc Khối Tái thẩm định và phê duyệt.
Cùng diễn biến tương tự, ngân hàng KienlongBank đã đồng ý miễn nhiệm chức vụ Phó Tổng giám đốc kiêm Kế toán trưởng và chấm dứt hợp đồng lao động đối với bà Phạm Thị Mỹ Chi kể từ ngày 1/11/2023 theo nguyện vọng cá nhân.
Đồng thời, Hội đồng quản trị KienlongBank đã bổ nhiệm bà Vũ Đặng Xuân Vinh, từng là giám đốc phòng Kế toán Tài chính KienlongBank giữ chức Kế toán trưởng KienlongBank.
Vào ngày 24/10, ngân hàng này cũng tái bổ nhiệm ông Trần Hồng Minh cho chức danh Phó Tổng giám đốc. Thời gian bổ nhiệm là từ ngày 25/11/2023 đến hết ngày 24/11/2025.