Đóng cửa phiên hôm nay 27/2, chỉ số VN-Index tăng 3,21 điểm (+32,53%) lên 990.27 điểm, tổng khối lượng giao dịch đạt 258,9 triệu đơn vị, giá trị đạt 5.152 tỷ đồng. VN30- Index tăng 1,03 điểm lên 930,54 điểm. Chỉ số HNX-Index giảm nhẹ xuống 107,63 điểm, Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 32,35 triệu đơn vị, giá trị 555,64 tỷ đồng.
Cổ phiếu VGC trở thành tâm điểm thu hút sự quan tâm của giới đầu tư khi giá liên tục xu hướng tăng mạnh trong vòng 3 tháng qua. Chốt phiên giao dịch hôm nay 27-2, thị giá VGC đóng cửa ở mức 21.600 đồng/CP, tức tăng tới 32,5% so với thời điểm cuối tháng 11/2018.
Đáng chú ý, trong hai phiên giao dịch ngày 26 và 27/2, khối lượng giao dịch thoả thuận VGC “bùng nổ” lên tới gần 28 triệu đơn vị và 17 triệu đơn vị, tại mức giá quanh 20.000-21.600 đồng/CP trong phiên thoả thuận. Trong đó, khối ngoại ồ ạt bán ròng tổng cộng 45 triệu cổ phiếu VGC, giá trị bán ròng thu về lên tới 972 tỷ đồng.
Được biết, nhóm quỹ do Dragon Capital quản lý đang nắm giữ gần 45 triệu cổ phiếu VGC. Trong đó, các quỹ thuộc Dragon Capital nắm giữ khoảng 30 triệu cổ phiếu VGC. Do đó, các giao dịch “xả hàng” khủng nêu trên có thể xuất phát từ nhóm Dragon Capital.
Tranh thủ cổ phiếu VGC lên đỉnh mới 21.800 đồng/CP, khối ngoại đã lặng lẽ "xả" 45 triệu đơn vị . Nguồn: VND
Giá cổ phiếu VGC trong năm vừa qua diễn biến tăng tích cực, được cho đến nhiều nguyên nhân như kỳ vọng kế hoạch chuyển sàn lên HoSE, thoái vốn… Trong đó, Bộ Xây dựng sẽ thoái hơn 80 triệu cổ phiếu VGC, chiếm tỷ lệ 36%. Mức giá thoái vốn tối thiểu 26.000 đồng/CP song đợt thoái vốn này không thành công do thị trường không thuận lợi khi VGC đã giảm sâu về mức 16.000 đồng/CP hồi tháng 11/2018.
Hơn nữa, giới đầu tư đang trông chờ “sóng” chuyển sàn VGC lên HoSe khi vào tháng 1/2019 HoSE đã chấp thuận cho Viglacera niêm yết 448 triệu cổ phiếu VGC, tương ứng giá trị theo mệnh giá cổ phần là 4.483 tỷ đồng.
Tuy vậy, kết quả kinh doanh năm 2018 của Viglacera đã có sự sụt giảm đáng kể, trong đó, doanh thu thuần chỉ đạt hơn 9.012 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 667 tỷ đồng, chỉ bằng 76% so với năm 2017.
Tại thời điểm cuối 2018, tổng tài sản của Viglacera chỉ tăng nhẹ lên hơn 16.489 tỷ đồng, trong khi đó tổng quy mô nợ lên tới 9.568 tỷ đồng, mà chủ yếu là nợ ngắn hạn chiếm hơn quá nửa, khoảng 4.517 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu hiện ở mức 6.921 tỷ đồng.