Cơ quan quản lý đùn đẩy trách nhiệm, cung bất động sản tại TP.HCM giảm mạnh

UBND TP.HCM cho rằng tình trạng kham hiếm dự án nhà ở trên địa bàn là do tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, chậm giải quyết của một số cơ quan quản lý Nhà nước
TP.HCM lý giải nguyên nhân khan hiếm dự án nhà ở

UBND TP.HCM vừa có văn bản gửi Bộ Xây dựng báo cáo số liệu về nhà ở và thị trường bất động sản trong năm 2022.

Tại báo cáo này, UBND TP.HCM thừa nhận nguồn cung bất động sản trên địa bàn đã giảm rõ rệt những năm qua do quy định pháp luật trong đầu tư, nhà ở, đất đai, quy hoạch chưa có sự thống nhất. Ngoài ra, nhiều dự án đang trong quá trình điều tra, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán và rà soát lại thủ tục pháp lý, quy hoạch, nghĩa vụ tài chính...

Tuy nhiên, UBND TP.HCM cũng nhìn nhận có tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, chậm giải quyết của một số cơ quan quản lý Nhà nước, chưa đảm bảo các quy trình phối hợp liên thông, đồng bộ. Điều này dẫn đến khan hiếm dự án nhà ở đủ điều kiện pháp lý để bổ sung cho thị trường.

Ngoài ra, báo cáo của UBND TP.HCM cũng cho rằng việc kiểm soát chặt kênh tín dụng ngân hàng, phát hành trái phiếu doanh nghiệp thời gian gần đây cũng ảnh hưởng rất lớn đến doanh nghiệp bất động sản. Nhiều dự án xây dựng dang dở phải dừng lại, gây lãng phí nguồn lực cho xã hội.

Để tạo điều kiện cho thị trường bất động sản phục hồi lành mạnh, UBND TP.HCM đã kiến nghị các bộ, ngành Trung ương các giải pháp tháo gỡ về vốn, quy định pháp luật. Trong đó, các quy định pháp luật hiện hành liên quan đến đấu giá quyền sử dụng đất cần được rà soát, sửa đổi để đảm bảo tính công khai, minh bạch, cạnh tranh và phù hợp thực tế.

Theo kế hoạch phát triển nhà ở TP.HCM giai đoạn 2021-2025, thành phố đặt chỉ tiêu tăng 50 triệu m2 sàn trong 5 năm. Như vậy, trong năm 2022 cần tăng 6,6 triệu m2 sàn. Qua số liệu tổng kết, thành phố đã hoàn thành 8 triệu m2 nhà ở trong năm vừa qua, vượt 21,2% kế hoạch, diện tích bình quân đạt 21,4 m2/người.

Trước đó, theo báo cáo bất động sản nhà ở TP.HCM và vùng phụ cận, DKRA đã đưa dự báo năm 2023, nguồn cung mới tại TP.HCM và khu vực lân cận dự kiến giảm mạnh, bằng khoảng 75% so với năm 2022, dao động ở mức 20.000 căn. Trong đó, tập trung ở 2 địa phương chính: TP.HCM khoảng 12.000 căn, Bình Dương khoảng 7.000 căn, các tỉnh thành khác khan hiếm nguồn cung mở bán mới ra thị trường.

Một dự báo khác nhưng của Savills cho biết, các chủ đầu tư trì hoãn việc mở bán mới khoảng 5.000 căn hộ cho đến năm 2023. Trong ngắn hạn, việc tín dụng tiếp tục bị hạn chế vào bất động sản và các doanh nghiệp bị giám sát chặt chẽ hơn trong việc phát hành trái phiếu, chủ đầu tư sẽ gặp khó khăn trong việc huy động vốn. Savills dự đoán nguồn cung tại TP.HCM ước đạt 8.000 căn trong năm 2023, giảm 60%.

Có thể bạn quan tâm