Sáng 22/3, TP. Hà Nội tổ chức Hội nghị công bố các Đồ án Quy hoạch phân khu đô thị H1-1A, H1-1B, H1-1C; H1-2; H1-3 và H1-4, tỷ lệ 1/2000 thuộc khu vực Nội đô lịch sử TP. Hà Nội và thuộc địa bàn các quận: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng.
Theo công bố các Đồ án quy hoạch của Sở Quy hoạch và Kiến trúc Hà Nội, tổng diện tích đất được quy hoạch khoảng 2.709 ha, trong đó khu phố cổ rộng trên 81 ha trên địa bàn quận Hoàn Kiếm. Dân số hiện trạng theo số liệu Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 là trên 887.000 người, dân số theo quy hoạch đến năm 2030 khoảng 672.000 người trên tổng số 1,2 triệu dân nội đô lịch sử.
Khu vực phố cổ được xác định là khu vực đô thị cổ có giá trị về lịch sử và văn hóa, các chức năng chủ yếu gồm: thương mại, dịch vụ, du lịch kết hợp với nhà ở, các công trình công cộng phục vụ cho cộng đồng dân cư.
Về quan điểm bảo tồn, Khu vực hồ Gươm và phụ cận là vùng thắng cảnh nổi tiếng của Hà Nội, các chức năng chủ yếu gồm: trung tâm văn hóa hành chính, thương mại, dịch vụ, du lịch kết hợp với nhà ở, các công trình công cộng phục vụ cho cộng đồng dân cư, di tích lịch sử - văn hóa, tôn giáo tín ngưỡng.
Khu phố cũ được xác định là đô thị cũ có nhiều công trình có giá trị lịch sử và văn hóa, kiến trúc. Các chức năng chủ yếu gồm: di tích lịch sử - văn hóa, tôn giáo tín ngưỡng, biệt thự, nhà ở, cơ quan, dịch vụ thương mại, tài chính, văn hóa, y tế và các chức năng công cộng khác.
Về tổ chức không gian kiến trúc - cảnh quan, thiết kế đô thị, đây được xem là nội dung rất quan trọng trong quy hoạch phân khu nội đô lịch sử. Không gian đô thị ở phố cổ, phố cũ của Hà Nội được xác định chủ yếu là công trình thấp tầng. Công trình cao tầng được bố trí dọc các tuyến đường vành đai, đường hướng tâm và các khu tái thiết đô thị. Khu vực có công trình cao tầng, TP. Hà Nội ưu tiên giảm mật độ xây dựng để bổ sung các tiện ích như cây xanh, bãi đỗ xe.
Theo bản quy hoạch, khu phố cổ được phép cao từ 3 - 4 tầng (12-16m); khu vực Hồ Gươm và phụ cận được xây công trình cao không quá 16 m.
Quy hoạch cũng nêu rõ, khu phố cũ được phép xây từ 4 - 6 tầng (16-22m); các khu vực hạn chế phát triển được xây từ 5 - 7 tầng (20 - 25m).
Về tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan, TP. Hà Nội lý giải khu vực phố cổ, phố cũ được tổ chức theo các tuyến trục và mạng lưới đường vành đai, hướng tâm, tạo thành các ô phố với lõi trung tâm khu ở.
Trong khu vực phố cổ, Hà Nội bảo tồn kiến trúc các tuyến phố hiện có, bảo tồn trục trung tâm thương mại kết hợp nhà ở truyền thống; cải tạo lõi bên trong các ô phố; bảo tồn các công trình công cộng quan trọng, không gian, kiến trúc truyền thống…
Đặc biệt, trong đồ án mới nhắc đến vấn đề hình thành không gian ngầm, trong đó các khu vực đầu mối ga ngầm đường sắt đô thị được nghiên cứu theo mô hình phát triển đô thị gắn với các đầu mối giao thông công cộng (TOD). Hình thành các tuyến đường đi bộ ngầm kết nối với các công trình công cộng ngầm, ga ngầm với đầu mối TOD...
Thành phố sẽ phát triển các tuyến đường sắt đô thị tại khu vực nội đô lịch sử, các chuỗi đô thị Bắc sông Hồng, phía đường vành đai 4, và các khu đô thị vệ tinh hình thành cùng hệ thống hạ tầng kỹ thuật xã hội hoàn chỉnh sẽ hút dần dân số khu vực nội đô lịch sử và nội đô mở rộng chuyển ra ngoại thành.
Trước mắt, lãnh đạo Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội cho biết cần từng bước thực hiện lộ trình giảm dân trong khu vực theo định hướng quy hoạch chung xây dựng thủ đô đã được Thủ tướng ban hành năm 2011.